Biden đã đưa nước Mỹ trở lại với thế giới như thế nào?

Đại sứ Trần Đức Mậu Chủ nhật, ngày 03/10/2021 13:00 PM (GMT+7)
Ngay sau khi chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã tuyên cáo phương châm và cũng là định hướng cho chính sách đối ngoại là đưa "nước Mỹ trở lại với thế giới".
Bình luận 0
Biden đã đưa nước Mỹ trở lại với thế giới như thế nào? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh AP.

Ông đã ký liền nhiều pháp lệnh hành pháp của tổng thống để chứng minh cho dân Mỹ và thiên hạ thấy người chủ mới ở Nhà Trắng không những chỉ có "nói là làm" mà còn hành động rất mau lẹ.

Nhưng đấy đa phần là những quyết định lật ngược các quyết sách cầm quyền của người tiền nhiệm là ông Donald Trump. Nước Mỹ trở lại với thế giới có hàm ý đầu tiên và trước hết là khắc phục hệ luỵ của việc ông Trump đã đưa nước Mỹ vào tình trạng biệt lập với thế giới và quay lưng lại với thế giới.

Không có gì là khó hiểu khi ông Biden trong những tháng ngày cầm quyền đầu tiên phải dành mọi ưu tiên chính sách hàng đầu và cao nhất cho những chuyện đối nội. Bây giờ, sau hơn 9 tháng cầm quyền, ông Biden có liên tiếp nhiều động thái cho thấy bắt đầu quan tâm và ưu tiên nhiều hơn cho đối ngoại mà chỉ khi ấy mới bộc lộ rõ cái khẩu hiệu hay phương châm đối ngoại nói trên chỉ nhất thời và phiến diện chứ không chi phối toàn bộ chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ. 

Không công khai nói ra nhưng bản chất chính sách cầm quyền của ông Biden đâu có khác biệt cơ bản phương châm và khẩu hiệu cầm quyền "Nước Mỹ trước hết" của người tiền nhiệm, chỉ có cách thức thực hiện là khác.

"Nước Mỹ trở lại với thế giới" được ông Biden xác định nội hàm là đưa nước Mỹ tham gia trở lại các thoả thuận và hiệp ước đa phương quốc tế mà Mỹ đã ký kết, cam kết thực thi và cổ suý cho chủ nghĩa đa phương, làm sống trở lại quan hệ với các đồng minh và đối tác chiến lược truyền thống, đặc biệt trong Nato và EU ở châu Âu, nước Mỹ không những lại tham gia vào chuyện chung của thế giới mà còn đảm nhận trách nhiệm.... 

Những động thái mới đây nhất của ông Biden đều cho thấy không phải trong chuyện đối ngoại nào ông này cũng đều đưa nước Mỹ trở lại với thế giới vì thế giới trước hết mà vẫn đều vì lợi ích của nước Mỹ trước hết.

Cho tới thời điểm hiện tại, các đồng minh và đối tác chiến lược truyền thống của Mỹ thấm thía điều này hơn hết. Bất chấp mọi khẩn cầu của EU, ông Biden vẫn duy trì chính sách của người tiền nhiệm cấm công dân các nước EU nhập cảnh vào Mỹ và mãi đến vừa rồi mới quyết định nới lỏng. Ông Biden quyết định rút hết binh lính Mỹ ra khỏi Afghanistan mà không tham vấn hay thông báo trước cho các đồng minh trong NATO. 

Cả khi thoả thuận với Anh và Australia về thành lập liên minh an ninh tay ba (AUKUS) với chuyện tày đình là chuyển giao công nghệ chế tạo tầu ngầm hạt nhân cho Australia, ông Biden cũng hành xử tương tự. 

Trong bài phát biểu đầu tiên tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc, ông Biden cổ suý cho chủ nghĩa đa phương và mời chào các nước trên thế giới hợp tác với Mỹ nhưng làm như không có chuyện gì xảy ra với các đồng minh và đối tác chiến lược truyền thống. 

Ở đó, ông Biden đồng thời còn thể hiện rất rõ ràng rằng chính quyền mới ở Mỹ chủ trương theo đuổi và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhưng chỉ khi nào và chỉ trong chừng mực có lợi cho nước Mỹ, nói theo cách khác, nước Mỹ trở lại với thế giới thật đấy nhưng cũng lại chỉ vì lợi ích của nước Mỹ. 

Đối phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra (Covid-19) hay bảo vệ khí hậu Trái đất hay giải trừ vũ khí hạt nhân chẳng hạn cũng đều là những lĩnh vực hay vấn đề ông Biden làm như Mỹ cam kết tham gia và đi đầu vì thế giới nhưng trong thực chất lại vì nước Mỹ là chính và trước hết.

Ngoài ra còn có những phương diện chính sách khác ông Biden không cần phải đưa nước Mỹ trở lại với thế giới. Những người tiền nhiệm của ông Biden vốn đã sao nhãng nhiều khu vực Mỹ Latinh và châu Phi. Trung Đông và vùng Vịnh là nơi thậm chí không được ông Biden dành cho ưu tiên chính sách như người tiền nhiệm. 

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được ông Biden coi trọng hơn hẳn so với thời những người tiền nhiệm. Cạnh tranh chiến lược với Nga và Trung Quốc được ông Biden tiếp tục trong khi vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên chỉ được ông Biden để ý đến một cách cầm chừng. Trên tất cả những phương diện chính sách này, ông Biden không cần phải đưa nước Mỹ trở lại vì nước Mỹ ở thời trước đấy đâu có bỏ đi.

Khẩu hiệu hay phương châm cầm quyền xem ra chỉ có giá trị ở chỗ nó giúp ông Biden khái quát hoá sự khác biệt cơ bản so với người tiền nhiệm trong cầm quyền. Nó giúp ông Biden che đậy việc có không ít quan điểm định hướng chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm được ông Biden tiếp tục. Tổng thống Mỹ có thể và sẽ còn thay đổi nhưng lợi ích cơ bản và chiến lược lâu dài của nước Mỹ đâu có thay đổi theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem