Biến chuồng lợn bỏ không thành chuồng nuôi thỏ, thu lãi cao

Trần Khánh Thứ tư, ngày 25/03/2020 12:50 PM (GMT+7)
Từng gắn bó mật thiết rồi cũng lao đao với con lợn vì bị bệnh dịch, song giờ anh Cao Hoàng Tú chỉ chuyên tâm nuôi thỏ sạch và tính toán lợi ích cho bà con xã viên nuôi thỏ trên địa bàn huyện Củ Chi (TP.HCM). Cái hay của mô hình này là anh Tú đã tận dụng tốt chuồng trại nuôi lợn đang bỏ trống nên tiết kiệm rất nhiều chi phí.
Bình luận 0

Bỏ làm kỹ sư về nhà nuôi thỏ

Anh Cao Hoàng Tú (ngụ xã Trung An, huyện Củ Chi) vốn được đào tạo bài bản chuyên ngành thú y về lợn, đi làm anh lại bén duyên với con bò. Trước đây, gia đình anh nuôi rất nhiều lợn, nhưng  đợt bão giá năm 2016 – 2017, gia đình anh lỗ nặng. Thấy cha mẹ than phiền, Tú liền từ bỏ mức lương kỹ sư 20 triệu đồng/tháng ở công ty chuyên chăn nuôi bò để về nhà tìm sinh kế mới cho gia đình.

img

Ưu thế của mô hình mà anh Tú thực hiện là giúp nông tận dụng cơ sở chuồng trại cũ để tái đầu tư.  Ảnh: T.K

Ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y TP.HCM cho biết, hiện dịch tả lợn châu Phi tuy đã cơ bản được khống chế nhưng nguy cơ còn tiềm ẩn. Việc chuyển đổi sang mô hình nuôi thỏ như tại HTX Chăn nuôi thỏ sạch ở xã Trung An là hướng đi đang được nhiều người quan tâm. HTX mở ra hướng làm ăn  mới, tạo công ăn việc làm, giải quyết lao động tại chỗ, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình...

“Trong một lần tình cờ làm quen mô hình chăn nuôi thỏ ở Nghệ An, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để chuyển đổi mô hình ngay tại chuồng lợn đang bỏ trống” - anh Tú kể.

Những ngày mới khởi nghiệp, Tú phải nghe không ít điều tiếng và dị nghị, ai cũng cho rằng nuôi thỏ không phù hợp ở địa phương, rồi bán cho ai... Nhưng khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) càn quét qua địa bàn các tỉnh phía Nam, Tú kiên định con đường mình đã đi là đúng.

Sau 3 năm chăn nuôi, đến đầu năm 2019, HTX chăn nuôi thỏ sạch Củ Chi ra đời do anh Tú làm giám đốc. Từ đó, HTX trở thành một trong những chỗ dựa để bà con trên địa bàn xã thuần nông Trung An tận dụng chuồng trại để chuyển đổi mô hình trong bối cảnh chăn nuôi lợn gặp nhiều biến động.

Anh Tú cho biết, con thỏ có vòng đời ngắn, dễ chăm sóc. Khoảng 1,5 tháng, thỏ mẹ đẻ 1 lứa, trung bình mỗi năm thỏ sinh sản 8 lứa, mỗi lứa 6-7 thỏ con. Một thỏ nái sinh sản khoảng 50 thỏ con mỗi năm và vòng đời khai thác kéo dài 2-2,5 năm.

Tại trại thỏ của mình, anh Tú đang gây nuôi các giống thỏ New Zealand và thỏ California. Bình thường, người dân cho thỏ ăn cám và cỏ theo tỷ lệ 7/3. Nhưng nguồn cỏ và các loại thức ăn thô xanh khác, nếu không do tự tay trồng thì khó đảm bảo không nhiễm dư lượng thuốc BVTV – vốn là điều tối kỵ khi nuôi thỏ. Chính vì thế, anh Tú đã đặt hàng công ty thiết kế công thức cám dành riêng cho thỏ với điều kiện tăng dần tỷ lệ chất xơ cho phù hợp. 

Anh Tú cho biết, giá thỏ giống hiện khoảng 300.000 đồng/con. Nếu đầu tư mới hoàn toàn, người nuôi tốn khoảng 1 triệu đồng để sở hữu 2 con giống cùng cơ sở chuồng trại. So với việc tái đầu tư lợn nái (bây giờ giá lợn hậu bị để làm nái không dưới 9 triệu đồng/con, hay lợn giống cũng không dưới 2 triệu đồng/con) thì đầu tư nuôi thỏ chi phí thấp hơn. Với những hộ chăn nuôi tận dụng tốt cơ sở vật chất ban đầu thì vốn đầu tư còn thấp nữa. Với trại thỏ 5.000m2 hiện tại, anh Tú thu lãi 40 triệu đồng mỗi tháng sau khi trừ chi phí.

Lo đầu ra cho xã viên

Anh Nguyễn Xuân Sơn - một trong những thành viên đầu tiên của HTX cho biết, anh đã từng theo nghề chăn nuôi lợn lâu năm nhưng quá nhiều rủi ro. Lúc mới triển khai mô hình nuôi thỏ cũng có nhiều người e dè, vì không rõ hiệu quả thế nào.

Về sau, thấy có đầu ra ổn định, số người tham gia nuôi thỏ đã tăng dần từ 5, 10 rồi đến nay đã có gần 30 xã viên. Theo anh Sơn, với người đã quen thuộc với nghề chăn nuôi thì mô hình nuôi thỏ không khó. Thỏ dễ chăm sóc lại ít dịch bệnh, chỉ cần chú ý nhiệt độ, giữ không khí trong chuồng nuôi luôn được thông thoáng.

Thỏ vốn có bệnh bại huyết là nguy hiểm, nhưng đã có vaccine để phòng ngừa. Người nuôi chỉ cần vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng kháng sinh định kỳ là con thỏ khỏe mạnh. Nhưng điều hay ở chỗ là chuyển sang nuôi thỏ, bà con vẫn tận dụng được cơ sở vật chất cũ là chuồng lợn, chuồng bò, không phải phá đi xây lại nên đỡ tốn kém.

“Với giá bán thỏ hơi trung bình 60.000 – 70.000 đồng/kg, mỗi xã viên có thể thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Nếu nuôi tốt, chừng  2 năm có thể thu hồi vốn” - anh Sơn nói.

Không chỉ hỗ trợ kỹ thuật, con giống, HTX Chăn nuôi thỏ sạch Củ Chi nhận bao tiêu luôn nguồn thỏ thịt cho xã viên. Hiện anh Tú và các thành viên vẫn cung cấp đều đặn nguồn thịt thỏ cho các nhà hàng, quán ăn trong thành phố.

HTX đang muốn mở rộng thêm kênh phân phối. Nhưng ngoài chứng nhận an toàn chăn nuôi và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, mô hình nuôi thỏ chưa có bộ tiêu chuẩn VietGAP riêng. Đây là cũng khó khăn khiến đường vào kênh siêu thị chưa thuận lợi. HTX cũng đang đề nghị Chi cục Chăn nuôi thú y cho phép xây dựng lò giết mổ riêng với công suất 200 con/ngày để đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường.

HTX sẽ hỗ trợ nguồn giống, thức ăn và nhận bao tiêu sản phẩm của xã viên nên gần như các thành viên gia nhập HTX không hề tốn nguồn chi phí nào. “Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khiến thị trường tiêu thụ thịt thỏ cũng bị ảnh hưởng, HTX đang kiểm soát chặt lại số lượng và chất lượng xã viên” - anh Tú cho biết.

Để đảm bảo lợi ích chung cho HTX, các thành viên mới muốn gia nhập phải đáp ứng các điều kiện như quy mô chuồng trại từ 250m2 trở lên, số thỏ nái nuôi tối thiểu phải 100 con. Những xã viên có số lượng ít hơn chỉ được hỗ trợ kỹ thuật, con giống nhưng không được bao tiêu.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem