Biệt danh "Lưu Gù" của tể tướng Lưu Dung từ đâu mà ra?
Lưu Dung hay còn được biết đến với cái tên "Lưu Gù". Sinh thời, ông là đại thần tận tụy suốt hai đời vua Càn Long và Gia Khánh, từng làm tới chức Đại học sĩ Thể Nhân Các, Thái tử Thái bảo. Ông là một vị quan tài liêm khiết, chính trực và yêu nước, rất được trọng vọng, mến mộ.
Trong phim, Lưu Dung được xây dựng với hình ảnh nhỏ con, thấp bé nhẹ cân và đặc trưng nhất là tấm lưng gù. Chính vì thế mà nhiều người đinh ninh, gọi ông bằng cái tên “Lưu Gù”. Tuy nhiên, Lưu Dung có bị gù như tương truyền? Và nếu ông không bị gù lưng thì cái tên “Lưu Gù” từ đâu mà ra?
Vào thời nhà Thanh, việc lựa chọn chức quan luôn dựa trên "thân, ngôn, thư, và pháp" làm điều kiện chính. Cái gọi là “thân” nghĩa là thân thể, đòi hỏi phải có những nét mặt chính xác và ngoại hình đẹp. “Ngôn” đồng nghĩa với việc giỏi ăn nói, nếu không sẽ gây trở ngại cho việc quản lý. Cái gọi là “thư” có nghĩa là chữ viết phải ngay ngắn, đẹp đẽ để cấp trên có thể đọc bản báo cáo của mình. Còn “pháp” được cho là suy nghĩ nhanh chóng và phán đoán rõ ràng, nếu không sẽ gây ra những điều sai trái và gây hại cho người khác.
Trong 4 tiêu chuẩn này, “thân” là quan trọng nhất. Có thể thấy, các quan bầu cử thời nhà Thanh rất coi trọng vẻ bề ngoài của người được bầu chọn. Vì vậy, năm xưa từng thuận lợi tiến vào chốn quan trường, cho dù Lưu Dung không phải là một người ưa nhìn thì ông cũng không bị khuyết tật về thể chất - gù bẩm sinh.
Năm 1958, trong lúc người dân mở rộng diện tích đất canh tác tại thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, ngôi mộ của Lưu Dung và vợ đã được phát hiện. Sau hơn trăm năm nằm dưới lòng đất, hài cốt của ông vẫn còn khá nguyên vẹn. Hộp sọ Lưu Dung tương đối lớn, bắp chân dài khoảng 75cm. Theo ước tính của các chuyên gia, Lưu Dung có chiều cao lên đến 1,9 mét.
Từ việc phát hiện này có thể thấy, tể tướng Lưu Gù không hề bị gù lưng như chúng ta vẫn nghĩ và nhìn thấy trong phim truyền hình.
Nhưng cũng chính từ sự thật bất ngờ đó mà các nhà sử học cũng suy luận ra được lý do cho cái tên Lưu Gù. Vì bản thân quá cao, nên mỗi khi diện kiến, nói chuyện với hoàng đế, ông luôn phải cúi mình xuống thật thấp để tỏ lòng cung kính theo đúng phép tắc. Chiều cao của vua Càn Long và Gia Khánh đều khoảng 1,7 mét. Là một vị quan trung thành, tôn kính nhà vua, Lưu Dung phải gập người thật sâu thì mới không "vượt mặt" bề trên của mình. Vậy nên mới có tương truyền rằng người đã đặt biệt danh Lưu Gù chẳng ai khác mà chính là vua Gia Khánh.
Bên cạnh đó, các nhà sử học cũng không loại trừ khả năng vì thói quen thường xuyên cúi người mà khi về già, Lưu Dung đã bị gù lưng thật sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.