Big 4 trong giới kiểm toán là 4 công ty kiểm toán lớn nhất trên thế giới tính theo doanh thu hàng năm, bao gồm: Deloitte, PricewaterhouseCoopers (PwC), Ernst & Young (EY) và KPMG.
Tại Việt Nam, nhóm Big 4 được nhiều doanh nghiệp đặt niềm tin. Việc báo cáo tài chính được Big 4 kiểm toán trở thành một yếu tố quan trọng nâng mức độ uy tín, minh bạch về tài chính của các doanh nghiệp đối với nhà đầu tư, đối tác.
Trên thực tế, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp kiểm toán hàng đầu này lại không lớn như đa phần các nhà đầu tư nghĩ. Báo cáo minh bạch của KPMG và EY cho thấy tỷ suất Lợi nhuận sau thuế/Tổng doanh thu của 2 ông lớn kiểm toán này khá thấp.
Với KPMG, trong 3 năm tài chính 2021-2023, tổng doanh thu dao động quanh mức 500-600 tỷ đồng. Trong đó, việc kiểm toán BCTC cho các đơn vị có lợi ích công chứng chỉ chiếm khoảng 19-21% tổng doanh thu mỗi năm. Phần lớn doanh thu đến từ dịch vụ khác.
Các doanh nghiệp kiểm toán đều dành phần lớn doanh thu để chi trả tiền lương thưởng cho nhân viên. Tại KPMG, năm 2023, doanh nghiệp này đạt 669,3 tỷ đồng doanh thu và đã dùng 459,2 tỷ đồng để trả lương thưởng cho nhân sự. KPMG phân bổ gần hết doanh thu cho các khoản chi phí, do đó lợi nhuận năm còn lại khá ít ỏi. Năm 2023, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 2,19 tỷ đồng. Tình hình những năm trước cũng tương tự khi năm 2021 lãi 2,1 tỷ, năm 2022 lãi 1,4 tỷ.
Trong năm tài chính 2023, KPMG đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho 134 đơn vị, trong đó có nhiều tên tuổi lớn hàng loạt các ngân hàng thương mại cổ phần như Vietcombank, ACB, LPB, VIB, TPBank, SHB,…
Còn tại EY, tổng doanh thu trung bình hàng năm cao gần gấp đôi KPMG. Tuy nhiên lợi nhuận mang về cũng ở mức thấp.
EY có doanh thu hàng năm quanh ngưỡng nghìn tỷ. Trong đó doanh thu kiểm toán BCTC cho các đơn vị có lợi ích công chứng cũng chỉ chiếm khoảng 20%, 60% đến từ việc kiểm toán cho các đơn vị khác và doanh thu từ dịch vụ khác chiếm 20%. Năm 2023, EY đạt 1.375 tỷ đồng tổng doanh thu thì có 833,6 tỷ đồng đến từ công tác kiểm toán cho các đơn vị khác, tăng mạnh 54% so với năm trước.
Chi phí, đặc biệt là chi phí lương thưởng cũng tăng lên 32,8% so với năm trước, chiếm 703,4 tỷ đồng. Tổng chi phí đã chiếm 1.362 tỷ đồng, tương đương 99% Tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ còn 8,1 tỷ đồng. Do đó ROS của EY cũng khá thấp, thấp hơn 1% trong 2 năm vừa qua.
Trong năm tài chính vừa qua, EY đã kiểm toán cho 314 đơn vị có lợi ích công chứng. Nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư là khách hàng quen thuộc của EY.
Trong khi cả EY và KPMG đều có tổng doanh thu năm 2023 tăng trưởng dương so với năm trước đó thì tại Deloitte, tổng doanh thu năm 2023 chỉ đạt 567,8 tỷ đồng, sụt giảm gần 50%.
Deloitte không tập trung mạnh vào dịch vụ kiểm toán BCTC cho các đơn vị có lợi ích công chứng nên hàng năm, thu nhập từ hoạt động này chỉ ở mức quanh ngưỡng 40-50 tỷ đồng. Phần lớn doanh thu của Deloitte đến từ dịch vụ kiểm toán cho đơn vị không có lợi ích công chứng và dịch vụ khác.
Trong cơ cấu doanh thu các năm trước, dịch vụ khác là mảng có doanh thu nổi trội, thậm chí còn mang về nhiều tiền hơn việc kiểm toán BCTC và đóng góp hơn một nửa tổng doanh thu, giai đoạn 2021-2022, hoạt động này đều mang về hơn 500-600 tỷ đồng.
Thế nhưng đến năm 2023, doanh thu từ dịch vụ khác sụt giảm mạnh, chỉ còn đưa về 23,6 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tổng doanh thu của Deloitte giảm mạnh. Trong khi đó, doanh thu từ kiểm toán BCTC các đơn vị không có lợi ích công chứng tiếp tục duy trì ổn định, thu về 493 tỷ đồng năm 2023.
Với việc doanh thu chênh lệch lớn, năm 2023, lương thưởng nhân viên cũng được Deloitte cân đối lại, chi trả 337 tỷ đồng, giảm 48% so với năm trước.
Tổng chi phí mà Deloitte chi trả thường duy trì ở ngưỡng 93-94% tổng doanh thu, do đó, dù doanh thu thường thấp hơn EY, năm 2023 Deloitte còn là doanh nghiệp kiểm toán có tổng doanh thu thấp nhất trong Big4 nhưng lợi nhuận sau thuế trung bình hàng năm vẫn cao vượt trội so với EY và KPMG.
Năm 2023, Deloitte ghi nhận 22,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tỷ suất Lợi nhuận sau thuế/Tổng doanh thu hàng năm của doanh nghiệp này vẫn duy trì được trong ngưỡng 4-5%.
Doanh nghiệp trong Big4 còn lại là PwC cũng là doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận tốt nhất. Khác với các doanh nghiệp khác có niên độ tài chính đến tháng 9 hàng năm, PwC có niên độ tài chính kết thúc vào tháng 6 hàng năm.
Xét về doanh thu, PwC có tổng doanh thu hàng năm cao nhất trong nhóm Big 4. Cơ cấu doanh thu của PwC khá tương đồng với Deloitte khi không tập trung nhiều vào dịch vụ kiểm toán BCTC các đơn vị có lợi ích công chứng mà tập trung phần lớn vào dịch vụ khác. Năm 2023, PwC chỉ kiểm toán cho 108 đơn vị có lợi ích công chứng.
Dịch vụ kiểm toán BCTC cho các đơn vị không có lợi ích công chứng vẫn được PwC duy trì và đóng góp 438 tỷ đồng trong năm 2023. Nhưng phần lớn doanh thu của PwC đến từ Dịch vụ đảm bảo rủi ro và các dịch vụ khác ngoài dịch vụ đảm bảo. Hạng mục này năm 2023 đóng góp 713 tỷ đồng, tương đương 58% tổng doanh thu của PwC.
Sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của PwC năm 2023 đạt 151 tỷ đồng, tuy giảm 45% so với năm trước nhưng tỷ suất Lợi nhuận/Doanh thu của PwC vẫn duy trì ở mức cao nhất nhóm (12%).
Ngoài ra, dù có số lượng kiểm toán viên không nhiều như EY và Deloitte song hàng năm, PwC lại là công ty kiểm toán dành ra nhiều ngân sách nhất cho việc mua Chi phí bảo hiểm nghề nghiệp. Trong khi đó, EY lại là công ty chi ít nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.