3 lớp học dồn trong nhà văn hóa
Theo phản ánh của nhiều hộ đồng bào Khmer, ngụ tại phường Tân Thiện (Thị xã Đồng Xoài) những năm qua con em họ có chỗ học ổn định tại điểm lẻ Trường tiểu học Tân Thiện (khu phố Phước Tân, phường Tân Thiện). Ngôi trường được xây dựng từ năm 1997 gồm 3 phòng học đã góp phần xóa mù chữ, truyền dạy văn hóa cho con em đồng bào Khmer nơi đây. Nhưng từ đầu năm học 2016 điểm lẻ trường tiểu học này bỗng dưng bị đóng cửa khiến các học sinh bị dồn vào học tạm bợ trong nhà văn hóa khu phố.
Các học sinh con em đồng bào Khmer học nhờ tại nhà văn hóa khu phố.
Bà Huỳnh Thị Ngọc (dân tộc Khmer, ngụ tại khu phố Phước Hòa) kể: “Trước đây học ở điểm lẻ tụi nhỏ đi học không cần ai đưa đón. Giờ chuyển sang học tại nhà văn hóa thì xa hơn không đi bộ được, để các cháu chạy xe đạp ra đường không yên tâm. Hơn một tháng nay tôi phải bỏ đi rẫy để ở nhà trông cháu, chở cháu đi học”.
Tương tự, anh Lâm Kha (dân tộc Khmer, ngụ tại khu phố Phước Hòa, phường Tân Thiện) cho biết trước đây các con anh có thể tự đi bộ đến trường học nhưng từ đầu năm nay anh phải đưa, đón con. Anh đang lo ngại việc học các con bị gián đoạn vì vợ chồng anh đều đi làm thuê, ít ở nhà. Nhưng điều anh lo lắng nhất là việc học của các con bị giảm sút khi các lớp dồn chung một phòng. “Nhà văn hóa rất chật chội vậy mà dồn mấy lớp chung một chỗ. Học như vậy làm sao các cháu tiếp thu bài được?”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhà văn hóa khu phố Phước Tân (nơi các học sinh điểm lẻ đang theo học) diện tích khoảng vài chục mét vuông. Buổi sáng, tại đây có lớp 1, lớp 2 và 3, còn buổi chiều dành cho lớp 4, lớp 5. Học sinh lớp 1 được ngăn cách với 2 lớp trên bởi một tấm rèm vải. Còn lớp 2, 3 được bố trí hai dãy bàn ghế sát nhau. Phía trên, hai tấm bảng đen cũng được treo sát nhau. Chỉ cần giáo viên giảng bài hay ghi lên bảng thì tất cả các học sinh nơi đây đều nghe, đều thấy được.
Một giáo viên cho biết từ khi chuyển đến đây do điều kiện học chung nên các cháu rất khó tiếp thu bài. Cô giáo phải kèm từng em một, khi giảng bài không dám nói lớn vì sợ học sinh lớp khác nghe được dễ phân tâm. Trong khi đa phần hoàn cảnh gia đình các cháu rất khó khăn, cha mẹ đi làm nên ít có điều kiện đưa đón con. Trường đã có kế hoạch chuyển các cháu ra điểm chính nhưng không chuyển được vì chuyển phụ huynh sẽ cho con nghỉ học.
Vì đâu nên nỗi?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, điểm lẻ Trường tiểu học Tân Thiện nằm giữa mảnh đất của bà Thạch Thị Kiệp (dân tộc Khmer, ngụ P. Tân Xuân, TX.Đồng Xoài). Đầu năm học 2016 do bức xúc xung quanh việc hoán đổi đất, bà không cho trường học hoạt động trên đất của mình.
Điểm lẻ Trường tiểu học Tân Thiện đóng chặt cửa sau khi người dân đòi lại dất.
Bà Kiệp cho biết, khi xây trường học năm 1997, chính quyền địa phương có thỏa thuận hoán đổi cho bà mảnh đất khác nhưng sau đó “quên” luôn. Đến năm 2014 nhà trường tiếp tục xây dựng thêm công trình phụ nhưng không cho bà biết. Lúc gia đình bà gặp khó khăn muốn bán một phần đất để lấy vốn sản xuất thì bị UBND phường cản. Do đó từ cuối năm 2014, bà Kiệp đã gửi đơn khiếu nại đến UBND thị xã Đồng Xoài yêu cầu giải quyết việc hoán đổi đất.
Ngày 3.8.2015, UBND thị xã Đồng Xoài thông báo đã chỉ đạo Văn phòng HĐND, UBND, Thanh tra thị xã Đồng Xoài xếp lịch họp giải quyết đơn khiếu nại của bà Kiệp. Sau đó, đến ngày 17.11.2015 (trong thông báo số 229/TB-UBND) UBND thị xã Đồng Xoài cho biết đã giao Phòng Giáo dục Đào tạo phối hợp các phòng ban, đơn vị và UBND phường Tân Thiện lập phương án thống nhất đền bù cho bà Kiệp. Tuy nhiên Phòng Giáo dục Đào tạo chưa báo cáo kết quả thực hiện nên UBND thị xã yêu cầu Phòng Giáo dục Đào tạo thực hiện nội dung chỉ đạo và báo cáo kết quả trước ngày 20.11.2015. Mới đây nhất, trong thông báo số 150/TB – UBND ngày 17.6.2016, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo UBND thị xã Đồng Xoài sớm xem xét giải quyết đơn của bà Kiệp theo quy định.
Bà Kiệp cho rằng các cơ quan chức năng đã đùn đẩy, không chịu giải quyết dứt điểm nên bà buộc phải yêu cầu tạm thời đóng cửa trường học. “Tôi đã nhiều lần yêu cầu giải quyết nhưng không được. Dù thương các cháu nhưng tôi buộc phải làm vậy, khi nào mọi việc rõ ràng tôi sẽ cho các cháu đi học lại trên đất của tôi”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.