Cũng như bao bạn thuyền, ngư dân Võ Văn Cư ở Liên Hương - Tuy Phong, chuyên nghề lưới cản, cũng đang bận rộn cho các chuyến ra khơi.
|
Các tàu tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản ở huyện Phú Quý (Bình Thuận) khởi hành ra khơi đánh bắt hải sản. |
Tàu cá của ông Cư thường xuyên bám biển dài ngày. Mỗi đợt ra khơi như vậy, ông Cư phải tốn chi phí từ 40 - 50 triệu đồng, trong khi ngư trường không phải lúc nào cũng thuận lợi. Trong khó khăn ấy, các ngư dân trong tổ, đội đoàn kết đã ngồi lại với nhau, tìm sự liên kết trong sản xuất mà cụ thể là bám biển. Từ đây, các tổ, đội tàu khai thác trên biển từ 5 - 10 chiếc được thành lập. Ông Cư nói: "Các tàu, thuyền ngư dân đã cùng nhau hỗ trợ, thông tin về ngư trường, thời tiết... để đánh bắt ngày càng hiệu quả hơn, chi phí chuyến biển nhờ vậy cũng giảm xuống đáng kể, bảo vệ tàu thuyền, hỗ trợ giúp đỡ nhau".
Như một số phường, xã khác ở các địa phương của Bình Thuận, thị trấn Liên Hương hiện có 277 tàu cá với tổng công suất xấp xỉ 12.400CV. Những tháng đầu năm, tổng lượng khai thác hải sản của ngư dân thị trấn đạt hơn 2.000 tấn. Khi liên kết tổ, đội sản xuất, việc các tàu, thuyền phân công, thay nhau vào đất liền bán hải sản cũng là yếu tố để giữ giá bán ổn định.
Chẳng hạn, một đội tàu 10 chiếc, mỗi đợt chỉ có 2 đến 3 chiếc vào bờ, những chiếc còn lại tiếp tục đánh bắt. Do vậy, lượng hải sản không quá nhiều nên giữ được giá bán ổn định. Hai, ba tàu cá sau khi bán hải sản xong sẽ tiếp tục mua nhiên liệu, lương thực, thực phẩm quay lại ra biển cung cấp cho những chiếc còn lại trong tổ, đội sản xuất.
Cứ thế các tàu cá luân phiên nhau đánh bắt và bán hải sản. Kết quả là chi phí được tiết kiệm đồng thời giữ ổn định giá bán hải sản, bảo vệ an toàn khi có sự cố xảy ra trên biển.
N.B.A
Vui lòng nhập nội dung bình luận.