Bỏ cơm giang hồ về cửa Phật

Thứ tư, ngày 07/04/2010 10:47 AM (GMT+7)
NTNN - Từ một "đại ca" giang hồ khét tiếng nơi phố núi Đà Lạt, ông về Huế khoác áo nhà Phật. Từ đấy, thiền sư Thích Chơn Hữu trở thành cứu tinh của trẻ em nghèo và những gia đình bất hạnh.
Bình luận 0
img
Thiền sư Thích Chơn Hữu

Đại bàng khét tiếng

Ngồi đối diện với tôi là thiền sư Thích Chơn Hữu, trụ trì chùa Định Quang (thôn Dạ Lê, xã Thủy Phương, Hương Thủy Thừa Thiên- Huế). Tên thật của ông là Huỳnh Thiện Hữu, nguyên quán xa Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Nhìn vẻ ngoài với giọng nói ôn tồn, đôi mắt sáng và sự nhịp nhàng trong giao tiếp, ít ai có thể ngờ vị thiền sư này từng là một trùm giang hồ khét tiếng ở Đà Lạt.

Năm 1975, tròn 5 tuổi, cậu bé Huỳnh Thiện Hữu theo gia đình vào quê ngoại Đà Lạt để lập nghiệp. Tuổi thơ của Hữu và 4 người anh khác trong gia đình là những tháng ngày gian khó. Đền đáp sự cực nhọc của bố mẹ, cũng như những người anh của mình, Hữu chăm học và học giỏi. Nhưng đến năm lớp 9 thì sức học của Hữu bắt đầu tụt dốc sau một va chạm đầu đời.

Số là, vì một xích mích nhỏ mà một số bạn cùng lớp đã thuê giang hồ ngoài trường vào đánh Hữu một trận “tơi bời hoa lá”. Quá uất ức, Hữu nuôi chí trả thù nên bỏ học để đi tu luyện một lúc hai môn võ là Thiếu Lâm Nam Sơn và Hiệp khí đạo.

Tại hai lò võ nổi tiếng phố núi này, Hữu đã quen biết với các thành viên trong băng giang hồ khét tiếng có tên là "Ánh Sáng" (tên một ấp ở TP. Đà Lạt). Chẳng bao lâu sau, bị rủ rê, Hữu bỏ học hẳn để gia nhập vào băng nhóm này.

Nghe hung tin, gia đình hết lời can ngăn nhưng không làm lay chuyển được ý định của Hữu. Thuộc diện nhỏ tuổi nhất trong số hơn 20 thành viên của băng "Ánh Sáng" nhưng nhờ máu liều lĩnh lại giỏi võ nghệ nên chỉ một thời gian ngắn sau khi gia nhập, Hữu đã được bầu làm đại ca.

Là băng nhóm xã hội đen thu dụng được những lâu la máu lạnh, coi mạng sống như cỏ rác nên "Ánh Sáng" trở thành nỗi khiếp đảm của giới giang hồ và người dân phố núi. Hầu hết các trận chiến với các băng nhóm khác, "Ánh Sáng" luôn giành phần thắng.

Còn nhớ ngày ấy, ở thành phố cao nguyên này, băng nhóm của Dũng "đen" cũng khét tiếng về sự tàn bạo. Bởi nổi sau nên băng nhóm của Dũng "đen" muốn bành trướng, tranh giành lãnh địa của “Ánh Sáng”.

Việc làm "phạm thượng" ây khiến Hữu phải quyết định cùng đệ tử liều một phen sống chết để thanh toán băng Dũng "đen".

Một đêm giữa năm 1990, sau một chầu nhậu tưng bừng, Hữu dẫn 5 đệ tử thiện chiến nhất của mình cưỡi xe máy đến tập kích vào một sòng bạc ở khu vực ấp Ánh Sáng để diệt trừ băng Dũng "đen".

Vũ khí mà Hữu và đệ tử mang theo là kiếm, mã tấu và những ống tuýp sắt tự tạo. Một lúc sau, trong sòng bạc vang lên những tiếng hò hét lẫn tiếng vũ khí chạm vào nhau tóe lửa, bàn ghế, vật dụng bay vèo vèo rồi lần lượt vỡ vụn.

Bị tập kích bất ngờ băng của Dũng "đen" chưa kịp trở tay đã bị hạ gục hoàn toàn. Khi lực lượng công an xuất hiện thì hiện trường chỉ còn lại Dũng "đen" và các đệ tử nằm quằn quại giữa nền sòng bạc loang lổ máu.

Sau trận thanh toán kinh hoàng này, một phần vì rơi vào tầm ngắm của lực lượng công an, một phần để mở rộng địa bàn làm ăn, năm 1993, Hữu kéo hơn 20 đệ tử của băng "Ánh Sáng" đến hoạt động tại khu vực bãi vàng Tà In thuộc xã Tà In, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Tại đây, với kinh nghiệm giang hồ dày dạn và sự tàn nhẫn khét tiếng, băng đảng của Hữu tiếp tục làm mưa làm gió. Những trận thanh toán đẫm máu do "Ánh Sáng" thực hiện với những băng nhóm khác lại diễn ra với sự tàn khốc ở mức độ cao hơn. Ngoài kiếm, mã tấu, băng "Ánh Sáng" còn sở hữu cả súng, lựu đạn... nên không có đối thủ.

Gõ cửa từ bi

Nghe tên tuổi của ông, mới đây, 2 trùm giang hồ ở miền Bắc tìm vào gặp ông và đã được ông khuyên "rửa tay gác kiếm" rồi vào tu ở chùa Huyền Không Sơn Thượng.

Một thời gian sau ngày vào bãi vàng Tà In, Hữu bắt đầu thấy cuộc đời mình nhàm chán và có nhiều lầm lỗi. Có lần, vì giận bản thân, Hữu dùng rựa chặt đứt một ngón tay của mình khiến đám đệ tử hoảng hốt.

Một ngày, đám đệ tử của Hữu ngỡ ngàng khi thấy đại ca ôm về tập thơ "Chèo vỡ sông trăng" và tập truyện "Người trồng hoa và chàng tu sĩ" của thiền sư nổi tiếng Minh Đức Triều Tâm Ảnh.

Lâu lắm rồi cậu học trò giỏi văn thuở nào mới lại đụng đến sách. Hữu đọc một cách ngấu nghiến, say mê. Hữu bắt gặp hình bóng của mình trong tác phẩm. "Nhờ đọc hai tác phẩm văn học thiền này mà mình tỉnh ngộ. Chỉ có hướng thiện mới giúp con người thoát khỏi lầm lỗi và thù hận"- thiền sư Thích Chơn Hữu kết luận sau khi kể về quãng đời lầm lỗi của mình.

Nghĩ là làm. Năm 1999, Huỳnh Thiện Hữu lặng lẽ bỏ lại "cơ nghiệp" giang hồ và đám đệ tử trung thành để về Huế. Hữu lên chùa Huyền Không Sơn Thượng tìm gặp trụ trì là thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh, tác giả của những áng văn thơ đã làm Hữu thức tỉnh.

Hữu kể về quá khứ lầm lỗi của mình và xin thiền sư Minh Đức cho vào tu ở chùa. Ý nguyện đó đa được thiền sư Minh Đức đồng ý nhưng với điều kiện anh phải thử sức bằng việc làm công quả ở chùa trong thời gian 2 năm. Với quyết tâm rèn luyện để phục thiện, 2 năm sau Hữu được xuất gia, trở thành thiền sư Thích Chơn Hữu.

img
Chỉ có hướng thiện mới giúp con người thoát khỏi lầm lỗi và thù hận.

Sống để yêu thương

Thiền sư Thích Chơn Hữu dẫn tôi ra thăm lớp học tình thương mang tên Tuệ học đường của mình. Đó là một phòng học khang trang với 30 đứa trẻ đang hau háu nghe cô giảng bài. Tuệ học đường có tổng cộng 240 trẻ được chia ra thành 8 lớp học xen kẽ trong ngày.

Năm 2005, thiền sư Thích Chơn Hữu được cử về làm giám tự chùa Định Quang, sau đó trở thành trụ trì của chùa. Nhận thấy trẻ em trên địa bàn xã Thủy Phương cũng như các xã lân cân có nhiều em mù chữ vì quá khó khăn, sư đã nghĩ đến việc mở lớp học tình thương.

Tuy nhiên, ở thời điểm này chùa xuống cấp, chánh điện hoang tàn, nên việc mở lớp chưa thể thực hiện ngay. Để có tiền mở lớp, ngoài đi khất thực, thiền sư Thích Chơn Hữu dành nhiều thời gian vào việc trồng hoa lan và chụp ảnh về thiên nhiên để bán.

Đến đầu năm 2008, có đủ tiền, thiền sư xây dựng một phòng học khang trang trong khuôn viên chùa và mời giáo viên giỏi về dạy. Không chỉ dạy chữ, sư còn mời 2 giáo viên người nước ngoài đang công tác tại Đại học Ngoại ngữ Huế về dạy ngoại ngữ cho các em.

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ New life ở TP. Huế tại lớp học này. Chị Bích bảo rằng, việc làm của thiền sư Thích Chơn Hữu đã khiến chị xúc động nên từ 2 năm nay, chị tranh thủ thời gian về đây dạy học miễn phí cho học sinh mỗi ngày.

Hàng chục đứa trẻ trong số 240 học sinh đến với lớp học của thiền sư Thích Chơn Hữu từ chỗ mù chữ nay không những đọc thông viết thạo mà còn giỏi ngoại ngữ.

Nhiều sinh viên nghèo cũng tìm về lớp học này để được học ngoại ngữ miễn phí. Để khuyến khích học sinh, thiền sư Thích Chơn Hữu tặng học sinh sách vở, bút mực và trao học bổng cho những học sinh học giỏi sau mỗi học kỳ.

Từng là một trùm giang hồ khét tiếng nhưng thiền sư Thích Chơn Hữu được nhiều người biết đến là một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa. Từ khi về Huế, vào những thời gian rảnh rỗi, với chiếc máy ảnh du lịch, thiền sư lại về với các vùng quê để chụp những bức ảnh.

"Còn khoảng 2.000 tác phẩm chưa công bố, đều là ảnh độc cả. Số ảnh này để khi cần tiền làm từ thiện mình mới dùng đến"- sư Thích Chơn Hữu cho biết khi dẫn tôi vào xem phòng ảnh đồ sộ của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem