Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết như thế tại cuộc họp ngày 22/4 ở TP.HCM, bàn về điều hành xuất khẩu gạo trong tình hình dịch bệnh và tìm cơ chế xuất khẩu gạo cho tháng 5.
Trước đó, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tiếp tục làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp để kịp thời báo cáo cho Thủ Tướng Chính phủ trước ngày 25/4.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thừa nhận đã có những lúng túng nhất định trong điều hành, cũng như các thiệt thòi cho doanh nghiệp.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Long An bày tỏ thái độ ngạc nhiên về hội nghị lần này. Theo ông, năm ngoái, Bộ Công Thương cũng tổ chức cuộc họp nhưng để tìm đầu ra cho lúa gạo của nông dân. Cuộc họp năm nay thì lại bàn có nên xuất khẩu không.
"Đó là điều không bình thường vì mục đích cuối cùng trong điều hành là xuất khẩu hiệu quả. Năm nay sản lượng lại không giảm dù ảnh hưởng bởi hạn mặn và dịch Covid-19", ông này nói.
Lãnh đạo tỉnh Long An khẳng định nguồn cung tốt, đảm bảo đủ cho xuất khẩu và an ninh lương thực (ANLT). Đồng thời đề xuất cho tiếp tục xuất khẩu bình thường không cần thông qua hạn ngạch.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận, có cảm giác lạ khi hồi tháng Giêng còn đang bàn cách tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân. Bây giờ lại bàn các cơ chế cho việc xuất khẩu. Tuy nhiên, mọi thứ đều có nguyên nhân và cơ sở thực tế.
Nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là tiêu thụ lúa gạo cho nhân dân với giá tốt, sau đó là xuất khẩu. Tuy nhiên, đề xuất tạm ngừng xuất khẩu như hồi tháng 3 là vì nhận định có khả năng thiếu gạo, ANLT bị đe dọa là có cơ sở từ số liệu cụ thể.
Yếu tố thứ 2 là tình hình dịch Covid-19 căng thẳng tại thời điểm ngày 23/3. Thứ 3 là tâm lý thu mua dự trữ từ người dân. Nghĩa là thời điểm ra đề xuất ngay 23/3 có rất nhiều biến số để tham chiếu chứ không riêng gì sản lượng vụ đông xuân.
Vụ đông xuân ở ĐBSCL cơ bản đã thu hoạch xong.
Tại cuộc họp ngày 26/3 ở TP.HCM, Bộ Công Thương đã giải thích, mong doanh nghiệp thông cảm. Cộng đồng doanh nghiệp trong cuộc họp đó đã bày tỏ đồng lòng cùng Chính phủ.
“Xét ở thời điểm 23/3 là hết sức phức tạp, và đã biết trước các quyết định có thể gây thiệt hại, tổn thất đến doanh nghiệp. Nhưng bây giờ lại tiếp tục đặt vấn đề nghi vấn hoặc bình luận lại là tự mâu thuẫn với chính mình”, Thứ trưởng nói.
Nhìn trong bối cảnh tổng thể, các quyết định đảm bảo cho ANLT, cho tới hạn chế lưu thông, giãn cách xã hội, không chỉ ngành gạo bị ảnh hưởng mà nhiều ngành nghề trong cả nước cùng bị. Bây giờ đứng ở thời điểm ngày 22/4 để bình luận, bức xúc là sai điểm quy chiếu, là không công bằng.
“Chúng tôi nhận trách nhiệm với nhân dân trong điều hành khi để xảy ra ách tắc. Hàng chục năm qua chưa từng có mệnh lệnh nào tương tự như thế nên việc lúng túng là có. Chúng tôi nhận trách nhiệm”, Thứ trưởng nói.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, đã có những cách hiểu chưa thật thấu đáo về ANLT. ANLT không phải chỉ là tổng số lúa chia cho đầu người.
Việc quan trọng trong đảm bảo ANLT là ai cũng mua được gạo, bất cứ nơi nào, thời điểm nào. ANLT không chỉ cho người dân khắp ĐBSCL mà còn cho 10 triệu TP.HCM cũng như 96 triệu dân cả nước.
Bản thân Cục Trồng trọt tổ chức sản xuất và lưu thông hàng hóa cho bà con, đến khi hàng ách, Cục cũng không tránh khỏi áy náy. “Chúng tôi mong doanh nghiệp thông cảm” - ông Tùng nói.
Việc đảm bảo an ninh lương thực là cần thiết và đúng đắn.
Đồng tình, ông Nguyễn Thái Bình - Giám đốc Công ty xuất khẩu gạo Trung An cho biết, dự trữ quốc gia là việc vĩ mô mà Chính phủ cần làm để đảm bảo an sinh xã hội. Doanh nghiệp sẵn sàng đồng lòng. Vấn đề cần bàn là sớm tháo gỡ các khó khăn cho hàng tồn tại cảng, tại kho của các doanh nghiệp sớm nhất có thể.
Thứ trưởng Khánh cho biết, ngay trong buổi sáng cùng ngày (22/4), Thứ trưởng đã ký công văn khẩn đề nghị Hải quan giải quyết thông quan cho doanh nghiệp theo như quyết định hôm 20/4 của Phó Thủ tướng cho tạm ứng 100.000 tấn gạo của tháng 5.
Theo Thứ trưởng, vấn đề điều hành xuất khẩu gạo hiện nay cần được nhìn trong bối cảnh mới, khi vụ đông xuân ở ĐBSCL đã thu hoạch gần xong, ở miền Bắc đang bắt đầu. Sản lượng lúa được khẳng định đảm bảo đủ; tâm lý người dân; thị trường trong và ngoài nước có thay đổi.
Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiếp tục làm việc tại các cảng, để kịp thời báo cáo Chính phủ cho cơ chế điều hành sắp tới. Quan điểm là ưu tiên cho các lô hàng tồn tại cảng từ trước ngày 24/3; giải quyết nhanh các trường hợp thất lạc thông tin tờ khai hải quan cho tới lượng tồn tại kho của doanh nghiệp.
“Đồng thời thiết lập cơ chế phân bổ hạn ngạch cho 100.000 tấn ứng trước của tháng 5 sao cho công bằng, theo nguyên tắc đăng ký trước thì đi trước” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.