Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Viết Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng cho biết: “Lĩnh vực nông nghiệp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên có nhiều lợi thế và tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, đây là khu vực thường xuyên chịu tác động của bão, lũ. Vì vậy, phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) nói riêng cần được nghiên cứu, có giải pháp tối ưu nhằm thích ứng tốt nhất với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay”.
Theo ông Trần Viết Phương, hội thảo lần này tại Đà Nẵng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong sản xuất NNCNC, và cũng là diễn đàn để các đại biểu trực tiếp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phân tích các thuận lợi, tồn tại để có các đề xuất, giải pháp, lựa chọn hướng đi phù hợp để phát triển NNCNC.
Quang cảnh Hội thảo NNCNC diễn ta tại Đà Nẵng do Báo NTNN/Dân Việt phối hợp tổ chức ngày 26.6. Ảnh: T.H
“Nông nghiệp TP.Đà Nẵng tuy hạn chế về quy mô, diện tích sản xuất, nhưng có những lợi thế, cơ hội riêng. Vì vậy, TP.Đà Nẵng đang tập trung và quyết liệt trong việc tạo đột phá về NNCNC, nông nghiệp sạch, an toàn. Trong đó lấy DN làm trọng tâm, động lực của sự phát triển để hướng đến NNCNC phục vụ đô thị và du lịch. Phát triển NNCNC phải được xây dựng gắn với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại và chương trình xây dựng nông thôn mới” - ông Phương chia sẻ.
Cũng theo ông Phương, TP.Đà Nẵng đã ưu tiên quy hoạch 7 quy hoạch vùng sản xuất NNCNC, nông nghiệp sạch với diện tích hơn 500ha, các lĩnh vực kêu gọi đầu tư gồm: Trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín ứng dụng CNC, nuôi trồng thủy sản.
"Hội thảo do Báo NTNN/Dân Việt phối hợp tổ chức lần này là hội thảo đầu tiên về NNCNC được tổ chức tại miền Trung và rất thành công. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của đại biểu. Ngoài những ý kiến đã được trả lời tại hội thảo, còn các ý kiến vượt thẩm quyền, chúng tôi sẽ giúp các đại biểu kiến nghị lên cấp trên”.
Ông Nguyễn Quang Tin
|
Quy hoạch khu NNCNC đến nay đã hoàn thành, chọn địa điểm tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang diện tích 117ha. Đồng thời, đã ban hành danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2017-2020, trong đó có danh mục các dự án thu hút, kêu gọi đầu tư NNCNC gắn với các vùng, khu NNCNC đã quy hoạch.
“Tại hội thảo này, tôi mong muốn các nội dung thảo luận hướng đến việc tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong sản xuất NNCNC, nông nghiệp sạch, tập trung đề xuất những giải pháp để đẩy mạnh phát triển dịch vụ phục vụ nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung đầu tư vào chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, có thương hiệu, uy tín trên thị trường và mang lại những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng” - ông Phương mong muốn.
Chắp thêm “đôi cánh” cho nông dân
Ông Nguyễn Quang Tin - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) cho biết: Việc ứng dụng CNC và KHCN tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp là một hướng đi tất yếu. Theo QĐ 66 của Thủ tướng Chính phủ, hiện đã có 5 vùng NNCNC thâm canh tôm, hoa, lúa ở Kiên Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, An Giang... Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định thành lập thêm 3 khu NNCNC ở Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu. Ngoài ra còn có 40 doanh nghiệp NNCNC, sản xuất sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực.
“Việc ứng dụng tốt CNC, công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn ATTP” - ông Tin chia sẻ.
Bên cạnh đó là việc thực hiện nghị quyết của Chính phủ về gói tín dụng thương mại 100.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường để triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển NNCNC, nông nghiệp sạch.
“Đây là nguồn vốn để “bơm” kịp thời, nhằm huy động mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực đầu tư, nâng cao hơn nữa vai trò của DN trong việc ứng dụng CNC nói riêng và KHCN vào sản xuất nông nghiệp sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao bền vững…” - ông Tin nhấn mạnh.
Tại hội thảo, hàng chục tham luận, ý kiến của nhiều đại biểu đến từ các DN, HTX, nông dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng hướng đến mục đích chung là làm sao NNCNC được ứng dụng vào sản xuất được đảm bảo tốt hơn; cơ cấu lại ngành nông nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệt không lặp lại chuyện “giải cứu” nông sản, đồng thời kiến nghị tháo gỡ các khó khăn về nguồn vốn…
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Quang Tin đã đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu và sự thành công của hội thảo. Ông Nguyễn Quang Tin cũng nhấn mạnh: Thời gian tới các bộ, ngành trung ương tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý phát triển NNCNC, hình thành vùng sản xuất NNCNC, ATTP... Thu hút các nguồn lực, khuyến khích sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực theo hướng NCNCN, nông nghiệp sạch gắn với chế biến, kinh doanh ứng dụng công nghệ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên:
Vai trò “bà đỡ” của Nhà nước rất quan trọng
Tại Phú Yên, đất đai nông nghiệp khá “hoang sơ” nên tỉnh có thế mạnh, định hướng ưu tiên từng bước phát triển nông nghiệp hữu cơ và NNCNC. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập về chính sách giao đất, công tác giải phóng mặt bằng. Chính phủ cần rà soát, sửa đổi cụ thể vấn đề này để tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư NNCNC. Về phân phối sản phẩm NNCNC, vai trò “bà đỡ” của Nhà nước rất quan trọng. Và khi phát triển NNCNC, giá trị khoa học kết tinh vào sản phẩm sẽ ngày càng lớn, các cơ quan quản lý cũng phải tính đến vấn đề kiểm soát, tranh chấp bản quyền sẽ diễn ra.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc sở NNPTNT Quảng Nam:
Gắn tem điện tử cho nông sản
Thời gian tới Nhà nước cần mở rộng đối tượng được hưởng lợi để phát triển nông nghiệp, một phần khuyến khích DN vừa và nhỏ, các HTX, THT, thậm chí hộ cá thể cùng tham gia. Bên cạnh đó, cần có cơ chế ưu tiên các DN, khuyến khích DN khởi nghiệp đầu tư vào NNCNC, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp gắn với du lịch. Trong đó, hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn, các khu NNCNC; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Điểm đặc biệt nữa là xây dựng, đăng ký các nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa có chứng nhận, gắn tem điện tử cho nông sản. Phát triển các sản phẩm gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, gắn kết giữa sản xuất NNCNC, nông nghiệp hữu cơ với du lịch và quảng bá sản phẩm...
Bà Nguyễn Thị Tường Vy –Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng:
Doanh nghiệp là hạt nhân
DN là hạt nhân nòng cốt trong sản xuất NNCNC; đặc biệt là các DN FDI có vốn đầu tư lớn. Với 51.779ha sản xuất NNCNC của tỉnh thì các DN chiếm 11,5%, là đầu mối liên kết giúp nông dân tiếp cận tốt với các công nghệ ứng dụng vào sản xuất; định hướng thị trường và liên kết với nông dân để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thương hiệu sản phẩm. Hiện nay đã có nhiều DN thành công trong tổ chức sản xuất gắn với thương hiệu như: Hoa Đà Lạt HasFarm; rau Đà Lạt G.A.P, Organik Hùng Thiên…
Hồng Phong (ghi)
|
Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt:
Cầu nối giúp nhà nông tiếp cận công nghệ 4.0
Tại hội thảo, nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt nhấn mạnh, thời gian qua Báo không những tuyên truyền tốt thông tin về nông nghiệp, nông thôn, nông dân mà còn làm cầu nối giúp nông dân tiếp cận công nghệ 4.0; giúp nông dân tiêu thụ nông sản…
Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.H
Tổng Biên tập Lưu Quang Định phát biểu: “Có thể nói, NNCNC luôn là chủ đề luôn được Nhà nước quan tâm đầu tư. Từ lâu nay, Báo NTNN/Dân Việt đã xác định đây là một vấn đề trọng tâm cần đẩy mạnh truyền thông trên tất cả các ấn phẩm, cũng như tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị chuyên sâu về chủ đề này.
Cụ thể, Báo NTNN đã mở chuyên trang NNCNC và Địa chỉ xanh xuất bản 3 kỳ/tuần, tập trung tuyên truyền các chính sách phát triển NNCNC của Chính phủ, ngành NNPTNT, các mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất đạt hiệu quả, đặc biệt là chân dung về những “nông dân 4.0”. Ngoài ra, các chuyên trang cũng phản ánh các mô hình sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, cũng như cung cấp danh sách địa chỉ sản xuất nông sản an toàn để người tiêu dùng biết đến và tìm mua”.
Tổng Biên tập Lưu Quang Định cho hay, sau khi Chính phủ triển khai gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho NNCNC, Báo NTNN đã tổ chức nhiều sự kiện, diễn đàn, cuộc thi liên quan đến chủ đề này. Cụ thể, ngày 4.7.2017, tại Hà Nội, T.Ư Hội NDVN phối hợp Ngân hàng Nhà nước và Bộ NNPTNT tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng NNCNC”. Sau hội thảo, Ngân hàng Nhà nước đã cam kết sẽ có những chính sách và chỉ đạo để nới lỏng hơn nữa các thủ tục, tạo điều kiện tối đa cho các DN, nông dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhanh nhất. Tiếp đến, ngày 14.10.2017, T.Ư Hội NDVN, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ KHCN phối hợp Báo NTNN tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0”.
Trong 3 năm qua, Báo NTNN đã tổ chức được 4 đoàn nông dân Việt Nam xuất sắc đi tìm hiểu, học tập mô hình NNCNC tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Gần 100 lượt nông dân xuất sắc đã được tham quan các trung tâm, viện nghiên cứu nông nghiệp hàng đầu; thăm các mô hình nhà lưới, nhà kính hiện đại bậc nhất ở các nước, khu vực. Đặc biệt, trong chuyến đi Nhật Bản tổ chức tháng 4.2018 mới đây, Báo NTNN đã đứng ra làm cầu nối tổ chức tiêu thụ nông sản Việt Nam với tỉnh Chiba.
“Trong thời gian tới, Báo NTNN/ Dân Việt sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chủ đề tuyên truyền về NNCNC, cũng như tổ chức các sự kiện liên quan, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong dư luận; thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp” - nhà báo Lưu Quang Định cho biết.
Hồng Hồng
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.