Bỏ thú y cơ sở, lại mất tiền triệu để thuê người đi chống dịch

Khương Lực Thứ tư, ngày 18/03/2020 19:00 PM (GMT+7)
Khảo sát tại các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Phong và Tiên Du (Bắc Ninh) về chủ trương sáp nhập hệ thống thú y, chúng tôi đều nhận được phản ánh khó khăn trong công tác thống kê đàn vật nuôi cũng như phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Hầu hết các ý kiến đều kiến nghị khôi phục lại hệ thống cộng tác viên thú y cơ sở.
Bình luận 0

Khó khăn chồng chất

Đồng Nguyên là phường trung tâm của thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) nhưng lại có đàn gia súc, gia cầm rất lớn, có lúc đàn lợn lên tới 3.500-4.000 con, đàn gà 20.000-25.000 con. Để phòng dịch cho đàn vật nuôi, trước đây 13 khu phố của phường đều có 1 cộng tác viên thú y đảm trách việc tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, rồi thống kê đàn vật nuôi và giám sát, báo cáo dịch bệnh.

img

Chị Lê Thị Thơm (thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh) làm cộng tác viên thú y thôn được chưa đầy năm thì bị cắt bỏ. Ảnh: K.L

Ngày 9/3/2020, trong Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT khẩn trương hướng dẫn việc kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm lực lượng phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.

Tuy nhiên, từ tháng 10/2018 đến nay, 100% hệ thống “chân rết” cộng tác viên thú y khu phố trên địa bàn Bắc Ninh đã bị cắt bỏ. Hiện mỗi xã, phường chỉ còn duy nhất 1 nhân viên thú y nên công việc rất vất vả, cực nhọc, nhiều khâu trọng yếu như tiêm phòng tiêu độc khử trùng không đạt kế hoạch.

"Bỏ đội ngũ thú y cơ sở khiến việc giám sát dịch bệnh rất khó khăn" - ông Đỗ Viết Dương - Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Nguyên khẳng định.

Theo ông Dương, về công tác chỉ đạo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh đến Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã rất kịp thời, nhưng khi triển khai tiêm phòng phải mang tính đồng thời, đòi hỏi phải có cán bộ chuyên môn mới thực hiện đồng bộ.

Ông Nguyễn Duy Đa - nhân viên thú y phường Đồng Nguyên chia sẻ, khi có cộng tác viên thú y khu phố, việc tiêm phòng chỉ khoảng 10 ngày đã xong, tỷ lệ tiêm phòng đạt 85-90%, nhưng nay phải kéo dài 20-25 ngày mới xong và cũng chỉ tiêm phòng được 50-55%.

“Đặc biệt, khi có dịch bệnh xảy ra như đợt dịch tả lợn châu Phi thì việc không có mạng lưới thú y cơ sở khiến việc chống dịch gặp rất nhiều khó khăn” - ông Đa nói.

Khôi phục hay thuê người?

Gần 40 năm gắn bó, công việc thú y ở khu phố như đã ngấm vào máu thịt ông Trần Đình Quý (62 tuổi), khu phố Vĩnh Kiều 1, phường Đồng Nguyên. Với nghề, ông luôn giữ được cái đức, cái tâm nên có uy tín với bà con và điều này đã giúp ông kiếm đủ tiền nuôi 5 con ăn học đại học. Dù đã bị cắt bỏ cái danh thú y khu phố, nhưng ông Quý vẫn sẵn sàng tham gia chống dịch tả lợn châu Phi.

“Nhiều người vô tư vứt chó, mèo, vật nuôi chết ra ngoài môi trường. Trước có tham gia tổ chức thì tôi sẽ báo cơ quan chuyên môn thu gom, nhặt nhạnh đem đi tiêu hủy, nhưng giờ thì khó vì không biết báo cho ai xử lý” - ông Quý nói.

Việc tỉnh Bắc Ninh cắt bỏ 100% cộng tác viên thú y cơ sở từ tháng 10/2018 đã tác động rất lớn tới công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra.

Ông Đào Tiến Khuynh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh cho biết, khi UBND tỉnh cắt bỏ thì mức độ phòng, chống dịch bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt tỷ lệ tiêm phòng giảm hẳn.

Cụ thể, trong năm 2019, tỷ lệ tiêm phòng vaccine các loại cho đàn gia cầm chỉ đạt 52,65%; tiêm phòng vaccine các loại cho đàn lợn đạt gần 71%; tiêm phòng vaccine tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho đàn trâu, bò đạt 72,2%... Cùng với đó, việc nắm bắt, truyền đạt thông tin về dịch bệnh, tổng đàn vật nuôi… đến cơ quan chuyên môn cũng chậm và hạn chế hơn.

Đáng nói hơn, khi dịch bệnh xảy ra, do không có “chân rết” nên nhiều xã, phường đã phải chi tiền ra thuê mướn giá cao, thậm chí không thuê được người có chuyên môn để làm các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh như tiêm phòng, thống kê đàn vật nuôi, phát hiện sớm các ổ dịch… 

Theo phản ánh, giá nhân công thuê mướn để phòng chống dịch bệnh dao động từ 300.000-500.000 đồng/ngày, cá biệt tại phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn) phải thuê 1 triệu đồng mới kiếm được người làm.

Bài toán đặt ra, thay vì có 732 cộng tác viên thú y cơ sở luôn gắn trách nhiệm với công tác phòng, chống dịch bệnh với mức hỗ trợ, hay chúng ta phải bỏ tiền ra thuê mà không kiếm được người và hiệu quả phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm không cao?

Theo tính toán, với mức hỗ trợ 0,3 mức lương tối thiểu, với 732 cộng tác viên thú y thôn (khu phố) trên toàn tỉnh Bắc Ninh thì chi phí bỏ ra khoảng 3,9-4 tỷ đồng/năm. Đổi lại, theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bắc Ninh, việc nắm bắt, thông tin và xử lý dịch bệnh cũng như thống kê đàn vật nuôi sẽ đem lại hiệu quả nhiều hơn số kinh phí chi trả.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem