Bồi thường dự án Trường ĐH Du lịch Sài Gòn: Chờ UBND TP.HCM quyết!

Cao Hùng Thứ hai, ngày 16/03/2020 09:12 AM (GMT+7)
Chủ đầu tư dự án xây dựng Trường ĐH Du lịch không tự quyết được việc bồi thường cho người dân mà phải chờ quyết định của UBND TP.HCM.
Bình luận 0

"Rất muốn bồi thường dứt điểm, nhưng…"

Như Dân Việt ngày 3/3 đã thông tin "Dự án Trường ĐH Du lịch Sài Gòn kéo dài bồi thường, người dân thua thiệt". Sau bài báo, chúng tôi tiếp tục nhận được các thông tin xung quanh dự án này. 

Ông Vũ Khắc Chương – Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hoá – Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn (chủ đầu tư dự án) – cho biết: "Chúng tôi đã hoàn thiện các điều kiện để thực hiện đề án nâng cấp lên trường ĐH. UBND TP.HCM đã đồng ý chủ trương, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập trường. Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý chủ trương thành lập trường ĐH…

Bồi thường tại dự án Trường ĐH Du lịch Sài Gòn: Chờ UBND TP.HCM - Ảnh 1.

Khu đất dự án Trường ĐH Du lịch Sài Gòn, ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: H.H

Tại khu đất dự án, UBND huyện Củ Chi đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, các hộ dân đã nhận quyết định bồi thường… Tuy nhiên gần đây, chúng tôi chưa thể bồi thường cho người dân, vì UBND TP đang chỉ đạo các sở, ngành "rà soát" phương án sử dụng đất, thủ tục giao đất, cho thuê đất… 

Thật lòng, chúng tôi rất muốn bồi thường dứt điểm cho người dân, nhưng trong tình thế hiện nay, phải chờ "rà soát" xong và UBND TP có quyết định cuối cùng, việc bồi thường cho dân mới thực hiện".

Ngày 21/2 vừa qua, ông Chương cũng gửi văn bản cho UBND TP xin sớm ra quyết định để chủ đầu tư tiếp tục đền bù và triển khai dự án. Nhưng đến nay, UBND TP.HCM vẫn chưa có trả lời.

Phải "lựa chọn chủ đầu tư" ?

Trong khi đó, về phía UBND TP.HCM, ngày 15/8/2019, tại công văn "khẩn" gửi các cơ quan liên quan đến dự án Trường ĐH Du lịch Sài Gòn, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã chỉ đạo Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc phối hợp với Sở TNMT, UBND huyện Củ Chi… "rà soát, báo cáo UBND TP về phương án sử dụng đất, thủ tục giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án phù hợp quy định pháp luật về đất đai".

Trên thực tế, để đáp ứng yêu cầu trên của UBND TP.HCM, dự án Trường ĐH Du lịch Sài Gòn còn phải trải qua nhiều thủ tục hết sức nhiêu khê.

Bồi thường tại dự án Trường ĐH Du lịch Sài Gòn: Chờ UBND TP.HCM - Ảnh 2.

Ông Vương Duy Nhường (trái), một trong năm hộ dân có đất bị quy hoạch tại dự án, đang mong mỏi được bồi thường. Ảnh: H.H

Cụ thể: Văn bản số 807/STNMT-QLĐ ngày 10/2/2020 của Sở TNMT, gửi Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc, góp ý điều chỉnh dự án. Theo Sở TNMT, dự án Trường ĐH Du lịch Sài Gòn nằm trong Khu đô thị Tây Bắc, phải tuân thủ quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ.

Căn cứ các quy định tại Nghị định số 11, thì dự án Trường ĐH Du lịch Sài Gòn, tại phân khu quy hoạch Khu giáo dục Đại học – Cao đẳng – Khu đô thị Tây Bắc, được UBND TP ra quyết định lựa chọn chủ đầu tư căn cứ trên kết quả đấu thầu, đấu giá hoặc quyết định giao chủ đầu tư trong trường hợp chỉ định trực tiếp. 

Việc giao đất, cho thuê đất để đầu tư phát triển đô thị được thực hiện căn cứ vào kết quả lựa chọn chủ đầu tư.

Bồi thường tại dự án Trường ĐH Du lịch Sài Gòn: Chờ UBND TP.HCM - Ảnh 3.

Để giữ đất, ông Nhường phải nhờ người thân hàng ngày ở tại khu đất. Ảnh: H.H

"Quyết định chủ trương đầu tư, quyết định lựa chọn chủ đầu tư là căn cứ pháp lý để nhà đầu tư hoàn tất thủ tục, hồ sơ giao, thuê đất theo quy định".

Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM


Mặt khác, cũng theo Sở TNMT, dự án Trường ĐH Du lịch Sài Gòn thuộc trường hợp thực hiện thủ tục "quyết định chủ trương đầu tư", dự án có sử dụng đất trên địa bàn TP.HCM.

Theo Quyết định số 5166/QĐ-UBND ngày 2/10/2017 của UBND TP.HCM, về ban hành Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục "quyết định chủ trương đầu tư", theo Luật Đầu tư và Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 11/8/2015, dự án trên bắt buộc phải "thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng cao nhất các tiêu chí về quy mô, chất lượng, hiệu quả theo quy định tại pháp luật về đấu thầu và pháp luật về đất đai".

Rõ ràng, dự án Trường ĐH Du lịch Sài Gòn mới có "chủ trương" thành lập; muốn được giao đất hoặc thuê đất, phải thực hiện thủ tục "lựa chọn chủ đầu tư". Chính vì cái "nghẽn" này mà công tác bồi thường, hỗ trợ cho 5 hộ dân bị đình lại trong suốt thời gian qua.

Bồi thường tại dự án Trường ĐH Du lịch Sài Gòn: Chờ UBND TP.HCM - Ảnh 5.

Đường vào khu đất dự án hiện chỉ là con đường đất, hai bên là rừng tràm bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: H.H

Chưa kể, theo văn bản số 116-18/CV-CĐSG ngày 4/12/2018 của Trường Cao đẳng Văn hoá – Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, đoàn thẩm định của Bộ GDĐT vào thực hiện kiểm tra khu đất đã có có ý kiến "khu đất chưa phù hợp để xây dựng trường học, do vị trí khu đất nằm cách xa khu dân cư, cơ sở hạ tầng hiện tại chưa có gì và hệ thống giao thông chưa đảm bảo việc đi lại cho học sinh, sinh viên".

Văn bản 116-18 cũng cho biết thêm "trong thời gian từ 5 năm đến 10 năm tới, trường mới có thể hoạt động được. Phía Ngân hàng cũng đã có ý kiến không đồng ý việc thực hiện dự án xây dựng trường tại khu đất này. Vì vậy, nhà trường đã không thể thực hiện các bước tiếp theo của việc đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án".

Thế nhưng, trả lời PV báo Dân Việt, ông Vũ Khắc Chương – Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hoá – Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, khẳng định: "Dù gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn thuyết phục Bộ GDĐT và UBND TP.HCM rằng, sẽ tiếp tục thực hiện dự án. 

Chúng tôi đã gửi kiến nghị lên UBND TP - "không phải xác nhận lại chủ đầu tư". TP hỗ trợ nhà trường trong việc đền bù, giao đất để nhà trường hoàn tất thủ tục và được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, đảm bảo điều kiện lên ĐH trước ngày 7/6/2020".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem