Bóng đá chưa hàn gắn được Nam - Bắc Ireland

Thái Hà Thứ hai, ngày 12/10/2015 15:01 PM (GMT+7)
Cuối tuần qua, bóng đá đã đem tới niềm hạnh phúc cho người dân trên đảo Ireland. Tuy nhiên, niềm vui trong bóng đá chưa phải “chất keo” tạo nên sự đoàn kết trong cuộc sống như nhiều người mong đợi.
Bình luận 0

Niềm vui không trọn vẹn

Cuối tuần qua, sau khi đánh bại Hy Lạp 3-1 trên sân nhà, Bắc Ireland đã chính thức giành 1 trong 2 vé dự thẳng vòng chung kết (VCK) EURO 2016 của bảng F. Cách đó 166km, tại thành phố Dublin, Cộng hòa Ireland bất ngờ thắng đương kim vô địch thế giới Đức 1-0 để nuôi hy vọng trực tiếp có suất đến Pháp.

img

Ireland (trái) từng thắng đậm Bắc Ireland trong trận đấu hồi năm 2011.  Ảnh:    I.T

Nhưng giữa các tin mừng đó là tin những vụ nổ bom ở các thành phố Derry, Omagh, Belfast. Cuộc sống ở Bắc Ireland từ trước đến nay luôn bất an như vậy dù các tiến trình hòa bình vẫn diễn ra. Từ năm 1921, Bắc Ireland tách ra khỏi Ireland để nhập vào Vương quốc Anh. Năm 1969, Tổ chức IRA ra đời nhằm đấu tranh đưa Bắc Ireland rời Vương quốc Anh để độc lập hoặc quay về chung với Ireland.

Nhưng trên thực tế, Bắc Ireland và Ireland vẫn bị phân chia, dù có một số ít điểm chung. Ví dụ: Khi hai đội bóng chiến thắng thì đội bóng bầu dục hợp nhất của Ireland cũng có những trận thắng tại Rugby World Cup đang diễn ra ở Anh. Nói cách khác, bóng đá là thứ rất khó hợp nhất vì nó bị ảnh hưởng nặng bởi vấn đề tôn giáo. Những người ở Bắc Ireland chủ yếu theo Tin lành trong khi người Công giáo không được ưa chuộng ở đó.

Hầu hết các cầu thủ và cổ động viên (CĐV) Bắc Ireland hát bài quốc ca chung của Vương quốc Anh “God Save the Queen” với cả trái tim. Một số người Bắc Ireland thậm chí còn vui nếu Ireland không được dự EURO 2016. Bắc Ireland năm tới mới được dự một giải lớn đầu tiên kể từ sau World Cup 1986. Ireland thì dự các giải lớn thường xuyên hơn.

Một số cầu thủ lớn của Bắc Ireland như Peter Doherty, Martin O’Neill (hiện đang là HLV đội Ireland), Gerry Armstrong là người theo Công giáo. Cả HLV hiện thời của đội Bắc Ireland là Michael O’Neill cũng vậy. Khi được bổ nhiệm đầu năm 2012, ông nói: “Tôi cố gắng mở rộng đội bóng hết mức có thể”. O’Neill hiểu những năm đầu 1990, ai cũng có cảm giác như Bắc Ireland là “đội bóng Tin lành cho những người theo Tin lành”. Chính vì thế mà nhiều cầu thủ chọn Ireland để thi đấu, thay vì chọn Bắc Ireland.

Mâu thuẫn tôn giáo

Trong quá khứ, Ireland và Bắc Ireland đã gặp nhau 10 trận. Ireland thắng 4, hòa 4, thua 2. Trận gặp nhau gần nhất là vào ngày 24.5.2011 tại Dublin, Ireland thắng 5-0. 

Cuối tuần qua, khi Bắc Ireland thắng Hy Lạp ở sân Windsor Park, các CĐV trên khán đài hát vang: “Cậu có xem trận bóng này không, James McClean?”. McClean sinh ra ở Bắc Ireland, từng chơi cho đội U21 Bắc Ireland, nhưng sau đó anh từ chối chơi cho đội tuyển Bắc Ireland để khoác áo đội tuyển Ireland từ năm 2012.

McClean chọn Ireland không phải do đội bóng này tốt hơn mà vì yếu tố văn hóa và tôn giáo. Chính bởi việc chuyển từ hát bài “God Save the Queen” sang bài “The Soldier’s Song” (quốc ca của Ireland) mà tiền vệ đang chơi cho CLB West Brom này bị đe dọa tính mạng một thời gian dài trong năm 2012. Nhưng khi đội bóng bầu dục Ireland gặp đội Pháp hôm qua, thì họ không hát hai bài nói trên mà hát bài “Ireland’s Call”.

Có mặt để ủng hộ Bắc Ireland tại sân Windsor Park hôm thắng Hy Lạp 3-1 là tay golf Rory McIlroy. Anh sinh ra ở Bắc Ireland và là gương mặt nổi bật nhất ở xứ này hiện nay. Nhưng năm tới, McIlroy sẽ đại diện cho Ireland dự Olympic 2016. McIlroy cho biết đây là điều khiến anh gặp rắc rối, nhưng mọi người sẽ hiểu cho quyết định của anh. Lý do: Gia đình Mc Ilroy theo Công giáo, anh có ông bác bị IRA bắn chết trong một cuộc xung đột trước khi anh ra đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem