Là một quốc đảo với diện tích vỏn vẹn 719,1 km vuông (đứng thứ 176 trên thế giới), nhưng Singapore lại là đội bóng đứng thứ hai về bề dày thành tích ở Đông Nam Á với bốn lần đăng quang tại giải đấu khu vực. Thành công của đội bóng đảo quốc Sư tử có đóng góp lớn từ lượng cầu thủ nhập tịch và đó rõ ràng không phải là con đường phát triển ổn định lâu dài. Những người làm bóng đá ở Singapore đang hướng đến một chiến lược khác mang tính bền vững hơn.
Thoát khỏi mác “thành công nhờ nhập tịch”
Không chỉ bóng đá, thể thao Singapore từ nhiều năm nay gắn liền với xu hướng nhập tịch các VĐV đỉnh cao từ nhiều nước, trong đó nổi bật nhất là Trung Quốc. Một số đội tuyển của đảo quốc Sư tử như cầu lông, bóng bàn… gần như 100% là VĐV từ đất nước đông dân nhất hành tinh được nhập quốc tịch.
Với đặc điểm dân số thấp và có tới 74% là người gốc Hoa, đây là cách nhanh nhất để thể thao Singapore có được chỗ đứng trong khu vực và trên trường quốc tế. Tuy nhiên, cũng vì đặc điểm này, Singapore phải chịu nhiều chỉ trích từ các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, những nước có đông dân số và phát triển thể thao thành tích cao chủ yếu bằng nguồn lực tự có.
Chính người dân Singapore về sau cũng chẳng lấy gì làm tự hào vì những thành tích trong thể thao mà họ có được. Một vài chuyên gia đặt ra câu hỏi: “Vì sao những người sinh ra tại Singapore còn gặp khó khăn trong vấn đề quốc tịch, trong khi những VĐV thể thao ngoại quốc lại dễ dàng trở thành công dân và đại diện cho quốc gia ở các đấu trường lớn”.
Người Singapore thực sự muốn có những thành công bằng các tài năng bản địa để không “mang tiếng” rằng “dùng tiền để mua thành tích”. Nhưng đó không phải là điều đơn giản, diện tích nhỏ cùng dân số thấp khiến Singapore gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển lựa và đào tạo các VĐV thể thao. Cần có một chiến lược cụ thể và bài bản để xây dựng chương trình phù hợp với những đặc điểm của đảo quốc Sư tử.
Quay trở lại với bóng đá, môn thể thao mà quá trình đào tạo VĐV đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng nền tảng với mục tiêu trở thành một cường quốc tương lai, Singapore đang có những kế hoạch lớn nhằm thay đổi tận gốc rễ tư duy vốn tồn tại lâu năm. Họ muốn có một thế hệ cầu thủ “chính gốc” sinh ra và lớn lên ở đảo quốc Sư tử, thay vì ồ ạt nhập tịch những tài năng ngoại quốc để đảm bảo thành tích.
Mọi việc phải bắt đầu từ giải VĐQG. S.League được thành lập từ năm 1996 và đến nay đã trải qua 2 thập kỷ phát triển. Tuy nhiên, giải đấu hầu như đứng yên suốt thời gian qua. Lượng khán giả đến sân quá thấp khiến các đội bóng không thu được những nguồn lợi từ bóng đá.
Các CLB đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng sức hấp dẫn của các trận đấu, trong đó có việc chiêu mộ thêm những cầu thủ ngoại. Mặc dù vậy, với tiềm lực tài chính không dồi dào, chất lượng của các cầu thủ được mua về cũng tỷ lệ thuận với số tiền bỏ ra và không thể nâng cao hình ảnh của giải đấu.
Thêm vào đó, với đặc thù diện tích quá nhỏ, một CLB bóng đá ở Singapore đại diện cho một cộng đồng dân số rất bé. Quá trình tuyển lựa những tài năng bản địa vì thế gặp khó khăn lớn khi sự sàng lọc chỉ ở mức độ tối thiểu. Như một vòng tròn khép kín, điều đó khiến cho S.League ngày càng xuống cấp về chất lượng và thiếu hấp dẫn.
Để giải đấu phong phú hơn, LĐBĐ Singapore phải mời cả các đội bóng ngoại quốc dự giải. Năm 2016, S.League có sự tham gia của Albirex Niigata từ Nhật Bản và năm 2015 là Brunei DPMM của Brunei. Đây cũng chính là hai nhà vô địch của S.League những năm đó! (Brunei DPMM vô địch năm 2015 còn Albirex Niigata vô địch năm 2016).
Cơ hội ở AFF Suzuki Cup 2018.
Giải đấu khu vực lần thứ 12 tới, Singapore rơi vào bảng đấu tử thần cùng với Thái Lan, Indonesia, Philippines cùng đội thắng vòng loại – Timor Leste. “Những chú sư tử” sẽ lần lượt tiếp Indonesia và Timor Leste trên sân nhà, và phải đến làm khách tới Philippines và Thái Lan.
Hai năm trước, cũng ở một bảng đấu tương tự (ngoại trừ Timor Leste) thì đội bóng của HLV Sundramoorthy lúc đó chỉ kiếm về một điểm nhờ trận hòa 0-0 với Philippines, còn lại thua 0-1 trước Thái Lan, 1-2 trước Indonesia. Khả năng ghi bàn nghèo nàn, cùng với việc hàng thủ dựa dẫm quá nhiều vào trung vệ Baihakki Khaizan đã 34 tuổi hiện tại, là điểm yếu lớn nhất của Singapore khiến đội bóng này đứng chót bảng ở AFF Cup.
Người Singapore sau khi đã quá “no nê” với danh hiệu khu vực, giờ là lúc họ đang bắt tay “làm lại từ đầu” khi đãi cát tìm vàng với những tài năng trẻ đang sinh sống ngay tại Đảo quốc. Giờ là lúc, họ cần phải rũ bỏ cái mác “thành công nhờ nhập tịch” và đứng lên nhờ chính đôi chân của dân tộc mình. Biết đâu, ở AFF Cup năm nay, Singapore của HLV Fandi Ahmad – huyền thoại của bóng đá nước này, sẽ là ẩn số thú vị, tương tự như giải đấu Tiger Cup 1998.
Tổng hợp (Football-Tribe)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.