Bóng đá Trung Quốc: Hoa hồng và hoa súng

Nam Phong Thứ năm, ngày 27/12/2018 18:32 PM (GMT+7)
Nếu Son Heung-min sinh ra ở Trung Quốc, anh sẽ không có bất kỳ cơ hội nào. ASIAD 2018 tại Indonesia, chân sút của Tottenham đã níu kéo thành công hy vọng chơi bóng đỉnh cao, bằng việc thoát khỏi nghĩa vụ quân sự nhờ thành tích bóng đá. Nhưng ở nước láng giềng Trung Quốc, câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Bình luận 0

Với nhiều nhà làm bóng đá Trung Quốc, đưa các cầu thủ vào trại lính đang là một trào lưu “rất hot”.

Vào những ngày cuối năm con chó (theo quan niệm của người phương Đông), bóng đá Trung Quốc xuất hiện một trào lưu mới. Trào lưu đưa các cầu thủ đi học tập quân sự.

Changchun Yatai, câu lạc bộ nằm thành phố Trường Xuân của Trung Quốc, vừa rớt hạng Chinese Super League 2018 đã tiến hành một cuộc “cách mạng” để đưa đội bóng đi lên sau các thành tích bê bết.

Họ đưa sáu đội trẻ của CLB (từ U12 đến U17) vào trại lính. Các khóa học quân sự trong thời gian dài trước khi mùa giải mới bắt đầu được báo chí Trung Quốc tường thuật có thể “giúp các cầu thủ trẻ tiến bộ và hoàn thiện về mặt nhân cách”.

img

Changchun Yatai đưa 6 đội trẻ của CLB (từ U12 đến U17) vào trại lính.

Đưa các cầu thủ vào trại lính đang là xu thế của bóng đá Trung Quốc. Trước Changchun Yatai một tháng, các cầu thủ của CLB Shanghai Shenhua (Thân Hoa Thượng Hải) – đội bóng hàng đầu của bóng đá xứ tỷ dân, cũng đã hoàn tất công cuộc đào tạo cầu thủ trong trại lính.

Năm 2018 với bóng đá Trung Quốc có thể được gói gọn bằng hai từ: Hoa hồng và hoa súng. Nền bóng đá nước này đi xuống với hàng loạt thất bại. Từ vòng loại World Cup 2018, U23 châu Á ở Thường Châu, đến ASIAD 18 và màn trình diễn tồi tệ của đội tuyển quốc gia trong nhiều tháng cuối năm 2018.

Tham vọng khiến bóng đá Trung Quốc vươn tầm thế giới của chủ tịch Tập Cận Bình đã được khởi động từ nhiều năm trước, nhưng không cho thấy bất cứ tín hiệu khả quan nào.

Rất nhiều giải pháp được đưa ra. Đơn cử như quy định vào đầu năm 2018, khi CFA cấm các cầu thủ thi đấu cho đội tuyển quốc gia để lộ hình xăm khi thi đấu trên sân. Trong một trận giao hữu với Xứ Wales, nhiều tuyển thủ bóng đá nổi tiếng Trung Quốc thậm chí đã phải che hình xăm trên tay bằng những chiếc băng.

Đây được cho là một nỗ lực nhằm ủng hộ chương trình “giáo dục văn hóa lành mạnh” do chính quyền phát động. CFA thậm chí đã đánh tiếng về việc sẽ “cấm các cầu thủ có hình xăm” lên tuyển hay thậm chí là thi đấu bóng đá ở cấp độ cao nhất.

Trước đó, để nâng cao chất lượng nền bóng đá trẻ, CFA từng đưa ra quy định mỗi CLB phải có ít nhất hai cầu thủ U23 Trung Quốc và một trong số đó đá chính. Luật này từng bị nhiều đội lách luật khi có cầu thủ thi đấu vài phút rồi… rút ra.

Đơn cử như một trận đấu giữa Guangzhou Evergrande và Shanghai SIPG vào tháng 4/2017, HLV Andre Villas-Boas của Shanghai SIPG chỉ để cầu thủ 19 tuổi Zhang Huachen thi đấu 15 phút rồi…. rút ra thay ngoại binh vào.

Một hành động lách luật rất… Á Đông. Chứng kiến điều này, vào tháng 3/2018, CFA đã đổi luật khi yêu cầu các CLB phải sử dụng những cầu thủ trong độ tuổi U23 nước này ngang với quân số ngoại binh có mặt trên sân trong một trận đấu.

Cuối năm 2018, CFA cũng đã thành công trong việc áp mức lương trần của một cầu thủ Trung Quốc đang chơi tại Chinese Super League không được vượt trên mức 10 triệu nhân dân tệ một năm (tương đương 1.48 triệu đô la Mỹ).

Và cuối cùng, là đang được xem là thời thượng nhất: Đưa các cầu thủ vào trại lính.

img

Chế độ sinh hoạt khắc khổ khiến nhiều cầu thủ Trung Quốc gặp khó khăn.

Ban đầu, trong chiến lược phát triển của cầu thủ trẻ của LĐBĐ Trung Quốc (CFA), vào tháng 10/2018, 55 cầu thủ trẻ tài năng nhất của bóng đá Trung Quốc đã được đưa vào trại lính.

Các cầu thủ độ tuổi dưới 25 phải tham gia các khóa học về “chủ nghĩa tập thể”, sinh hoạt và tập luyện như những người lính thực thụ trong một tháng, sau đó được đưa đi học bóng đá.

Vài sự cố xảy ra. Nhiều cầu thủ trẻ sau khi kết thúc khóa huấn luyện quân đội đã không thể tham gia tiếp khóa huấn luyện bóng đá.

Phần lớn trong số đó đang rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở” khi gặp chấn thương và suy giảm sức khỏe do các bài tập nặng theo kiểu quân đội và chế độ sinh hoạt khắc khổ.

Một số khác thì bị “trả về địa phương” bởi CFA từng tuyên bố những cầu thủ nào có biểu hiện “suy thoái về tư tưởng” trong đợt huấn luyện này sẽ bị trả về và cấm thi đấu ở các giải trong nước. Theo nhận định từ giới chuyên môn, số cầu thủ bị trả về này sẽ gặp nhiều vấn đề trong con đường thăng tiến sau đó.

img

Đợt huấn luyện theo kiểu lính thứ hai cho 44 cầu thủ trẻ tài năng khác của bóng đá Trung Quốc tiếp tục được khởi động. Và giờ, đến các CLB khác của bóng đá Trung Quốc cũng “tự nguyện” làm theo.

Sau Changchun Yatai hay Shanghai Shenhua, rất nhiều CLB khác cũng sẽ tiếp tục trào lưu này. Nó như một cách “ủng hộ” các chính sách của chính quyền, giúp nền bóng đá trẻ Trung Quốc phát triển hơn. Sau khi những khoản đầu tư khổng lồ về tiền bạc đã phát huy tác dụng.

Và nếu bóng đá Trung Quốc có một tài năng trẻ nào xuất chúng như Son Heung-min, anh ta chắc hẳn cũng phải rèn luyện trong môi trường quân ngũ để phát triển. Thay vì chứng minh tài trên sân bóng như người đàn anh Hàn Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem