Tất nhiên trong thể thao, trong bóng đá có thắng thì có thua nhưng cách thua của thầy trò Calisto khiến người hâm mộ không hài lòng. Có quá nhiều lý do để đưa ra như chấn thương, động lực thi đấu, tài năng HLV, không có cầu thủ nhập tịch…
Tại làm sao mà một cầu thủ bóng đá có giá chuyển nhượng lên tới cả chục tỷ và mỗi tháng nhận 40-50 triệu tiền lương lại phải xin họ có động lực thi đấu. Bóng đá đã nhận được quá nhiều ưu ái của xã hội nhưng những gì nó đền đáp chưa xứng lấy một phần.
Thất bại của đội tuyển bóng đá có nguyên nhân sâu xa từ V.League. Căn bệnh thành tích hoành hành dẫn đến lối chơi tiêu cực, thô bạo, những cầu thủ ngoại chiếm chỗ lớn trẻ khiến họ như những cây còi cọc, không phát triển được.
Đưa cầu thủ ngoại vào V.League, điều đó là đúng nhưng thế nào cho cân đối lại là vấn đề. Đưa cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển, cũng cần thiết nhưng phải là những con người có tỉ lệ Việt Nam cao chứ không phải mấy ông tây ba lô nhập tịch để có giá chuyển nhượng cao hơn.
AFF Cup là một bản nhạc buồn và chính sự lên ngôi của Malaysia lại mang đến quá nhiều bài học cho bóng đá Việt Nam về đào tạo và sử dụng nguồn nội lực, từ HLV đến cầu thủ. Và điều người hâm mộ Việt Nam buồn không chỉ là thất bại mà chính thái độ thi đấu của Malaysia hay Indonesia lại trở thành khao khát của người hâm mộ Việt.
Với lượng người hâm mộ hùng hậu, lẽ ra bóng đá Việt Nam phải có một "mỏ cầu thủ" vô tận. Giải bóng đá Nông dân toàn quốc - Báo Nông thôn Ngày nay - Cup VFA-2010 đã minh chứng về tình yêu và nguồn lực ấy, vấn đề là khai thác đến đâu.
Gia Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.