Bóng đá Việt Nam giành "cú đúp" vàng SEA Games 30: “Vàng mười” của ý chí

Minh Đức Thứ ba, ngày 28/01/2020 12:12 PM (GMT+7)
Tại SEA Games 30, trong số 286 huy chương mà đoàn thể thao Việt Nam giành được, có rất nhiều những tấm huy chương khiến công chúng khâm phục bởi thể hiện nỗ lực tuyệt vời của các vận động viên. Những thành quả ấy càng có ý nghĩa tôn vinh sức mạnh, tinh thần, ý chí Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Bình luận 0

Tinh thần Việt Nam!

Bao nhiêu kỳ SEA Games qua đi là bấy nhiêu lần thể thao Việt Nam ghi nhận những hình ảnh vô cùng xúc động của các vận động viên (VĐV) nước nhà. Tất cả cứ ra sân là “chiến đấu”, tận hiến tới những giọt mồ hôi, “giọt máu” cuối cùng vì màu cờ sắc áo, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Cách đây 8 năm, giới truyền thông đã sởn gai ốc khi chứng kiến VĐV điền kinh Nguyễn Thị Phương với “cú rướn cuối cùng” chạm vạch đích 3.000m vượt chướng ngại vật. Tấm HCB của Phương tại SEA Games 26 năm 2011 (Indonesia) được ghi nhận như một khoảnh khắc đẹp nhất của Đại hội thể thao khu vực với ý nghĩa như tấm “vàng mười” của ý chí, nghị lực. Trong khoảnh khắc đứng giữa ranh giới giữa sự sống - cái chết ấy, Phương vẫn không từ bỏ, vẫn dùng sự “tỉnh táo” cuối cùng để về đích trong bao ánh mắt trầm trồ, ngưỡng mộ!

img

 Tuyển U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 30 sau chiến thắng 3-0 trước U22 Indonesia trong trận chung kết. (ảnh: Tiến tuấn)

Thời gian qua đi, tại SEA Games 30/2019 (Philippines), người dân nước chủ nhà và đông đảo phóng viên một lần nữa được chứng kiến tinh thần, khí phách Việt Nam với hình ảnh VĐV marathon Phạm Thị Hồng Lệ  đổ gục trong nỗ lực cán đích ở vị trí thứ 3. Ngay sau đó, Hồng Lệ đã phải đưa vào phòng cấp cứu, nằm thở oxy vì kiệt sức.

Hai VĐV điền kinh thuộc 2 thế hệ, 2 thời điểm khác nhau nhưng khi tâm sự với báo chí, họ đều thừa nhận trong đầu họ đã xuất hiện suy nghĩ mình sẽ chết: “Nhưng ngay cả khi cảm giác đã cạn kiệt năng lượng và hoàn toàn hành động theo bản năng, tôi vẫn không bao giờ có ý định bỏ cuộc” - Hồng Lệ bày tỏ.

Bản hùng ca tinh thần Việt Nam còn được tiếp nối với hình ảnh đội tuyển bóng đá nữ thi đấu bằng niềm tin để đánh bại Thái Lan sau 120 phút đọ sức, giành tấm HCV SEA Games lần thứ 6.

Sau trận chung kết đáng nhớ ấy, đội trưởng Huỳnh Như đã không thể đi nổi vì căng cơ. Tiền vệ Tuyết Dung bị chuột rút cả 2 chân, trung vệ Chương Thị Kiều bị chấn thương đùi từ giữa hiệp 1 vẫn quyết tâm sát cánh cùng các đồng đội cho tới giây phút cuối cùng. Nữ tuyển thủ Trần Thị Hồng Nhung phải nhập viện cấp cứu vì kiệt sức, bù nước không kịp dẫn đến tụt đường huyết.

“Vàng mười” bóng đá

Những hình ảnh đầy xúc động của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam nói riêng và các nữ VĐV Việt Nam nói chung đã khiến HLV Park Hang-seo nổi tiếng “lì đòn” và không bao giờ biết từ bỏ cũng phải ngả mũ khâm phục. “Tôi đã được chứng kiến khí phách của phụ nữ Việt Nam. Tôi có nhiệm vụ phải cùng các học trò mang về tấm HCV bóng đá nam SEA Games sau 60 năm chờ đợi và thật hạnh phúc khi chúng tôi đã thành công. Bí quyết giúp chúng tôi giành HCV chính là tinh thần Việt Nam” - HLV Park Hang-seo trải lòng cùng giới truyền thông sau khi lên ngôi vô địch.

Thực tế, không khó để cảm nhận  sức ép cực lớn mà HLV Park Hang-seo phải nhận tại SEA Games lần này. Hơn ai hết, ông thầy người Hàn Quốc hiểu tấm HCV bóng đá nam SEA Games không chỉ là niềm mong mỏi của cả đoàn thể thao Việt Nam mà còn được hàng triệu trái tim người hâm mộ Việt Nam khao khát. 

Nhưng ngay cả khi cảm giác đã cạn kiệt năng lượng và hoàn toàn hành động theo bản năng, tôi vẫn không bao giờ có ý định bỏ cuộc.
VĐV Phạm Thị Hồng Lệ

Tấm HCV ấy sẽ xóa đi những ký ức buồn ở nhiều kỳ SEA Games khi các môn thể thao khác đại thành công; chỉ riêng bóng đá phải nhận hàng loạt “trái đắng” kể từ SEA Games 22 tổ chức ngay tại Việt Nam năm 2003 (U23 Việt Nam thua U23 Thái Lan trong hiệp phụ chung kết); tới SEA Games 25 - năm 2009 (U23 Việt Nam thua đau đớn 0-1 trước đội được đánh giá “cửa dưới” U23 Malaysia ở trận tranh HCV) và gần nhất là SEA Games 29 - năm 2017 (U22 Việt Nam bị loại ngay sau vòng bảng với trận thua muối mặt 0-3 trước U22 Thái Lan).

Trên đất Philippines, nữ lực sĩ Vương Thị Huyền vượt qua nỗi đau mất cha trước thềm SEA Games để giành HCV cử tạ hạng 45kg trong buổi chiều, thì buổi tối cùng ngày, chị cùng các đồng đội lập tức có mặt trên sân Rizal Memorial “tiếp lửa” cho U22 Việt Nam lội ngược dòng thắng U22 Indonesia 2-1.

VĐV thể dục dụng cụ Đặng Nam vừa giành HCV vòng treo, chỉ kịp về khách sạn ăn tối qua loa, không kịp tắm rửa đã ra ngay sân bóng đá cổ vũ cho U22 Việt Nam đá bại U22 Singapore 1-0.

Cảm hứng từ các đội tuyển bóng đá Việt Nam lúc này - mà gần nhất là U22 Việt Nam có ý nghĩa như “sợi chỉ đỏ” tiếp nối nguồn cảm hứng bất tận từ “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên (VĐV xuất sắc nhất nhiều kỳ SEA Games từ 2015 đến nay), xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (HCV Olympic 2016).

Những gì họ làm được cho thấy thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể lập nên những kỳ tích lịch sử, những mốc son mới trên đấu trường châu lục và thế giới nếu phát huy hết tinh thần, ý chí Việt Nam.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem