“Phất cờ nương tử ...”
Tại bất cứ SEA Games nào mà VN tham dự, số huy chương thuộc về các chị em cũng chiếm tới già nửa trong bảng thành tích của đoàn. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, SEA Games cũng chỉ là “hội làng” với bao điều dị mọ, chưa phản ánh hết thực lực của thể thao nước ta. Chỉ khi ra đến đấu trường châu lục, thế giới, gương mặt thể thao mới được hiện rõ.
|
Lê Bích Phương và khoảnh khắc vàng giành HCV tại ASIAD 2010. |
Và kỳ lạ thay, gương mặt ấy cũng vẫn lại được tô điểm bằng chính chiến công của các cô gái. Tại ASIAD 2010, cả đoàn Việt Nam giành được 1 huy chương vàng (HCV) và 17 huy chương bạc (HCB). Tấm HCV duy nhất mang tên nữ VĐV karatedo Lê Bích Phương. 11/17 tấm HCB cũng do công các “nữ tướng”, như: 3 điền kinh (Trương Thanh Hằng ở 2 nội dung 1.500m và 800m, Vũ Thị Hương 200m); 1 karatedo (Nguyệt Ánh); 2 đua thuyền rowing (đôi và 4 người); 1 cầu mây (đội tuyển nữ)...
Cũng chính tại ASIAD này, vẫn những cô gái Việt Nam đã khiến bạn bè châu Á phải nghiêng mình kính phục. Lê Bích Phương vượt qua VĐV đương kim vô địch thế giới K. Miki (Nhật Bản) để có được tấm HCV kỳ diệu ở môn thể thao là quốc bảo của xứ sở hoa anh đào.
“Việt Nam cạnh tranh ngôi vị nữ hoàng châu Á”. Đã có ai dám mơ điều ấy chưa? Vị trí của TTVN ở đâu mà lại “nảy ra” ước mơ nhiêu khê thế? Vậy mà 3 lần ở ASIAD này, chúng ta suýt làm được điều ấy. HCV môn chạy điền kinh là niềm mơ ước cao nhất của bất cứ nền thể thao nào trên thế giới. Đoàn Việt Nam đã kiếm 3 HCB ở nội dung thi đấu cực kỳ sang trọng này. Trương Thanh Hằng chỉ thua trước VĐV nhập khẩu người gốc Etopia thi đấu cho đội Qatar (nội dung 1.500m và 800m).
Vì vậy, xét về mặt con người thì Hằng chính là người châu Á chạy nhanh nhất châu lục, là nữ hoàng của môn thể thao nữ hoàng châu Á. Vũ Thị Hương cũng đóng góp 1 HCB ở môn chạy cự ly ngắn để Việt Nam chính thức trở thành một đối thủ đáng nể trong châu lục ở môn điền kinh. Cần nhớ rằng, Việt Nam trước đó chưa hề có được một tấm huy chương nào ở môn điền kinh tại ASIAD.
Xây cầu đến với thế giới
12 VĐV nữ (trong tổng số 18 VĐV) tham dự Olympic 2012 gồm: Phan Thị Hà Thanh, Đỗ Thị Ngân Thương (TDDC), Lê Thị Hoàng Ngọc (bắn súng), Văn Ngọc Tú (judo), Nguyễn Thị Lụa (vật), Chu Hoàng Diệu Linh (teakwondo), Nguyễn Thị Thanh Phúc, Dương Thị Việt Anh (điền kinh), Phạm Thị Hài, Phạm Thị Thảo (rowing), Nguyễn Thị Thúy (cử tạ), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội)
Danh sách 18 VĐV Việt Nam chính thức đến Olympic London 2012 có tới 2/3 là các VĐV nữ. Tại cuộc chơi quá tầm này, chúng ta không có được dấu ấn gì nhưng những nỗ lực để đưa nền TTVN tiếp cận thể thao thế giới vẫn là một chiến công đáng ghi nhận của các cô gái. Ngược dòng lịch sử thì cũng chính một cô gái đã giành được chiếc huy chương Olympic đầu tiên cho TTVN (HCB của Hiếu Ngân ở môn teakwondo tại Olympic 2000).
Trong khi việc tham dự World Cup của đội bóng đá nam của ta là giấc mơ điên rồ nhất thì với bóng đá nữ, giấc mơ ấy đã hiển hiện. Tại World Cup nữ 2015, khi số đội tham dự được tăng từ 16 lên 24 và châu Á có 5 suất thay vì 3 suất như trước đây, bóng đá nữ Việt Nam có cơ hội rất lớn, đặc biệt khi CHDCND Triều Tiên bị loại vì án phạt sử dụng doping. Ở châu Á, chúng ta được xếp ở nhóm 2, sau các đội tuyển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Úc. Vì thế, khi Triều Tiên vắng mặt và các nước vùng Vịnh không phát triển bóng đá nữ, cơ hội sẽ mở ra cho Việt Nam và kẻ cạnh tranh trực tiếp chỉ là Thái Lan - đội mà bóng đã nữ Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng.
Nam Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.