Tình hình xấu đi nghiêm trọng
Theo Reuters, phát biểu tại một hội nghị tài chính vừa diễn ra ở Singapore, ông Noyer nói: "Tình hình tại châu Âu và thế giới đã xấu đi nghiêm trọng trong vài tuần qua, làm gia tăng áp lực lên thị trường. Chúng ta đang thấy một cuộc khủng hoảng tài chính thực sự, đó là sự đổ vỡ trên quy mô lớn ở các thị trường tài chính".
|
Các bộ trưởng tài chính của Eurozone bàn cách đối phó nguy cơ khủng hoảng. |
Tuy nhiên, ông Noyer cũng bày tỏ tin tưởng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ nổi lên mạnh mẽ và gắn kết hơn. Lãi suất trái phiếu của Chính phủ Italia hiện đã tăng lên mức kỷ lục trong khu vực đồng euro, tới 8% hôm 29.11, gây áp lực hơn nữa buộc các nhà lãnh đạo khu vực Eurozone phải ra tay ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài đã 2 năm qua, đang đe dọa làm tan rã khu vực này và đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
Tờ Thời báo Tài chính dự báo, châu Âu chỉ có 10 ngày để cứu đồng euro. AP dẫn lời các chuyên gia tài chính nhận định, đồng euro sụp đổ sẽ là một thảm họa tài chính toàn cầu, một "ngày tận thế" và cái giá phải trả sẽ rất đắt.
Chẳng hạn như, nếu Đức từ bỏ đồng euro, đồng mark Đức sẽ lập tức tăng giá bởi nền kinh tế Đức đứng đầu các nước khu vực. Nhưng đồng mark Đức mạnh sẽ đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế Đức do giá cả hàng hóa sẽ tăng vọt trong khi Đức dựa chủ yếu vào xuất khẩu. Với các nền kinh tế yếu hơn, đồng tiền của họ sẽ mất giá thảm hại.
Eurozone cầu cứu IMF
AFP đưa tin, tối 29.11, các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đã phải nhờ cậy đến sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm không để liên minh tiền tệ này tan rã, sau khi 17 nước thành viên Eurozone không đạt được mục tiêu tăng vốn cho quỹ cứu trợ của khối lên 1.000 tỷ euro.
Bộ trưởng tài chính 17 nước thuộc khu vực Eurozone đã đồng ý giải ngân gói cứu trợ thứ 6 cho Hy Lạp và khoản cứu trợ mới cho Ireland. Các bộ trưởng đã đồng ý chi cứu trợ thêm 5,8 tỷ euro (7,7 tỷ USD) cho Hy Lạp. Trong khi đó, Ireland dự kiến sẽ nhận được 8,5 tỷ euro (11,3 tỷ USD) tiền cứu trợ.
Trước việc Đức phản đối để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đảm nhiệm vai trò đối tác cho vay, Eurozone đã quay sang tìm kiếm sự trợ giúp của IMF như là cứu cánh cuối cùng. Một số bộ trưởng tài chính cũng gợi ý ECB cần đóng vai trò lớn hơn trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bằng cách cung cấp các khoản vay cho IMF để sau đó định chế tài chính đa phương này cứu trợ các quốc gia Eurozone lâm vào khủng hoảng.
Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 440 tỷ euro là công cụ mới của Eurozone trong các nỗ lực nâng cao khả năng ứng phó của khối này trước cuộc khủng hoảng nợ hiện nay. Tuy nhiên, các bộ trưởng tài chính Eurozone mới đây đã không thể nâng nguồn tài chính của EFSF lên mức 1.000 tỷ euro. Nguồn vốn từ EFSF đã góp phần cứu Ireland và Bồ Đào Nha, song không đủ sức để bảo vệ Italia và Tây Ban Nha một khi cuộc khủng hoảng nợ hiện nay "quật ngã" 2 nước này.
Gia Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.