Bỗng nhiên nổi "hạt cơm" toàn thân vì bệnh hiếm gặp

Diệu Linh Thứ hai, ngày 06/05/2024 05:58 AM (GMT+7)
Bỗng dưng cơ thể nổi hạt cơm sần sùi toàn thên, bệnh nhân tự điều trị mọi cách nhưng không khỏi.
Bình luận 0

Toàn thân sần sùi vì bệnh vảy nến thể hạt cơm

Bệnh viện Da liễu Trung Ương tiếp nhận và điều trị cho 1 ca bệnh vảy nến thể hạt cơm hiếm gặp.

Bệnh nhân là nữ 77 tuổi, bệnh khới phát trước khi vào viện cách 2 tháng với các tổn thương dạng mảng, sẩn đỏ và tổn thương sùi tập trung chủ yếu ở vùng 1/3 dưới cẳng bàn tay và cẳng bàn chân; rải rác 1 vài tổn thương tương tự ở mặt và thân mình. 

Bệnh nhân đã tự điều trị bằng kháng sinh đường uống, thuốc kháng histamin, corticoid bôi tại chỗ và tắm lá chè. Tổn thương không cải thiện do đó bệnh nhân đi khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Bỗng nhiên nổi "hạt cơm" toàn thân vì bệnh hiếm gặp- Ảnh 1.

Các nốt hạt cơm mọc chi chít khắp cơ thể bệnh nhân, tập trung nhiều ở tay và chân. Ảnh BSCC

Thăm khám cho thấy, bệnh nhân có các tổn thương dạng mảng đỏ, ranh giới rõ, phía trên có nhiều vảy da trắng dày nhất là ở vùng lưng hướng nhiều tới tổn thương của vảy nến. 

Ngoài ra, ở 1/3 dưới cẳng tay và cẳng chân có các tổn thương dạng sùi giống bệnh hạt cơm, tuy nhiên, tổn thương mọc trên nền da đỏ, không phải trên nền da bình thường như trong bệnh hạt cơm thông thường. 

Trên lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán hướng tới một thể đặc biệt của vảy nến là vảy nến thể hạt cơm. Để chẩn đoán xác định, bệnh nhân đã được chỉ định sinh thiết làm mô bệnh học.

Kết quả mô bệnh học cho thấy: Thượng bì quá sản dày sừng mạnh, nhiều nhú thượng bì, á sừng, giảm lớp hạt, lớp gai quá sản hình dùi trống, có vi áp xe Munro. Trung bì: xâm nhập viêm nhiều bạch cầu đơn nhân quanh mạch. Kết luận, bệnh nhân bị bệnh vảy nến thể hạt cơm.

Theo bác sĩ Nguyễn Doãn Tuấn, khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu Trung ương), bệnh nhân được chỉ định sử dụng acitretin, xịt ni tơ lỏng với các tổn thương dày sừng nhiều và sử dụng thuốc bôi tại chỗ. Sau 2 tuần tổn thương bớt dày sừng, đỡ đỏ, bong hết vảy và không xuất hiện tổn thương mới.

Bệnh nhân ra viện, tiếp tục sử dụng acitretin và thuốc bôi tại chỗ. Theo dõi sau 6 tháng dùng thuốc, không xuất hiện các tổn thương sùi, còn rải rác một vài các tổn thương dạng mảng đỏ có vảy. Ngoài ra, còn lại đa phần là các tổn thương cũ đã thoái lui để lại dát thâm.

Bỗng nhiên nổi "hạt cơm" toàn thân vì bệnh hiếm gặp- Ảnh 2.

Các nốt sần đã giảm hẳn sau khi được điều trị. Ảnh BSCC

Vảy nến thể hạt cơm là bệnh gì? 

Bác sĩ Nguyễn Doãn Tuấn cho biết, vảy nển thể hạt cơm là một thể hiếm gặp của bệnh vảy nến với chỉ khoảng 35 trường hợp đã được báo cáo trên thế giới. 

Bệnh cần được nghĩ đến trên các bệnh nhân có tiền sử vảy nến thể mảng và xuất hiện các mảng dày sừng, u nhú và đã loại trừ do nguyên nhân nhiễm HPV. Tổn thương của bệnh thường ưu thế hơn ở vùng đầu cực và dễ xuất hiện ở các vùng chấn thương (hiện tượng Koebner). 

Mô bệnh học của bệnh đặc trưng bởi sự quá sản thượng bì dạng vảy nến kèm theo các vi áp xe Munro. Hình ảnh nhú thượng bì nổi bật hơn và hay gặp hơn là trong vảy nến kinh điển.

"Một số giả thuyết cho rẳng, tình trạng dày sừng rõ rệt và u nhú trong vảy nến thể hạt cơm gây ra bởi các chấn thương lặp đi lặp lại ở đầu chi của các bệnh nhân vảy nến, hoặc do tình trạng thiếu oxi dẫn đến tưới máu kém như đái tháo đường hay mắc các bệnh về phổi.

Cần chẩn đoán phân biệt vảy nến thể hạt cơm với hạt cơm thông thường, nấm sâu, lichen phẳng phì đại, ung thư biểu mô tế bào vảy và carcinoma sùi", bác sĩ Tuấn chia sẻ. 

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, khi người dân xuất hiện các nốt lạ trên da, da ngứa ngáy, khó chịu cần phải đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc tự ý dùng thuốc sẽ trì hoãn việc điều trị và khiến bệnh nặng hơn. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem