BOT T2 liên tục xả trạm vì tài xế phản ứng quyết liệt

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 23/05/2019 18:49 PM (GMT+7)
Chiều nay (23/5), trạm thu phí BOT T2 (đặt trên QL91 thuộc địa bàn quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) phải nhiều lần xả trạm do tài xế xe ôtô phản ứng.
Bình luận 0

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tài xế khi đến trạm thu phí BOT T2 chỉ trả 2.000 đồng vì họ cho rằng chỉ sử dụng vài trăm mét đường của dự án nhưng phải trả phí toàn tuyến là vô lý. Một số tài xế khác khi đến trạm đã không đồng ý mua vé, cho xe dừng ở các làn thu phí, khiến giao thông ùn ứ cục bộ. 

img

Các tài xế phản ứng tại trạm thu phí BOT T2.

Một tài xế ngụ tại TP.Long Xuyên (An Giang) cho biết, anh qua lại trạm nhiều lần trong một ngày, tốn tiền rất nhiều trong khi anh chỉ đi vài trăm mét đường. Tài xế này đồng ý trả tiền qua trạm, tuy nhiên chỉ trả số tiền tương đương với quãng đường mà mình đi. 

"Cầu Vàm Cống vừa thông xe được sử dụng miễn phí là rất mừng. Tuy nhiên, tôi vẫn phải tốn phí khi đi từ nhà ở An Giang đi qua khoảng 200m của dự án BOT mới có thể qua cầu để về TP.HCM. Lúc này, tôi lại phải đóng phí của toàn tuyến BOT là 35.000 đồng là bất hợp lý", một tài xế xe tại trạm BOT T2 bức xúc nói.

Trước đó, vào ngày 21/5 vừa qua, nhiều tài xế ôtô, xe tải đã dừng tại các làn thu phí của Trạm T2 trên và không đồng ý mua vé qua trạm. Sự việc đã gây ùn ứ giao thông kéo dài hơn 100m. Sau nhiều giờ, được lực lượng chức năng vận động, các tài xế mới đồng ý điều khiển phương tiện rời đi để các làn thu phí hoạt động trở lại bình thường.

Sáng nay (23/5), tại TP.Cần Thơ, Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã có cuộc họp với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.Cần Thơ, tỉnh An Giang và Đồng Tháp để tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc tại Trạm thu phí BOT T2.

img

Ông Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang trả lời báo chí sau cuộc họp.

Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, ông Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang cho biết đã có nhiều giải pháp được đưa ra. 

"Tại cuộc họp, Tổng cục Đường bộ đã thống nhất đưa tỉnh Đồng Tháp vào diện miễn giảm. Tỉnh này sẽ rà soát lại phương tiện và có đề xuất cụ thể. Về tiêu chí miễn giảm trước đây cũng đã được thực hiện tốt", ông Khang thông tin thêm.

Ông Khang cũng cho biết: "Dự án BOT trên có tổng đầu tư là 1.720 tỷ đồng, doanh thu hơn 10 tỷ đồng/tháng trong khi lãi vay phải trả khoảng 10,5 tỷ đồng/tháng nên chủ đầu tư lỗ trên 100 tỷ. Để dự án được khả thi, chủ đầu tư đã có đề xuất Chỉnh Phủ, Bộ GTVT và TP.Cần Thơ có biện pháp hỗ trợ dự án tiền giải phóng mặt bằng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem