Bùi Tiến Dũng và catwalk: Đến bước đi cũng không còn bình yên

Thứ năm, ngày 26/04/2018 05:10 AM (GMT+7)
Bùi Tiến Dũng một lần nữa trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận với những bước đi trên sàn catwalk. Những bước đi nhưng không hề bình yên.
Bình luận 0

"Bùi Tiến Dũng" và "catwalk" là hai từ khóa song hành trong hai ngày qua. Chàng thủ môn 21 tuổi sải bước ở Tuần lễ thời trang Quốc tế Việt Nam xuân/hè 2018 (Vietnam International Fashion Week – VIFW) ở vị trí vedette tạo nên một sự kiện chưa từng thấy ở bóng đá Việt Nam.

Thế nhưng, tại sao Tiến Dũng được chọn mà không phải bất cứ cái tên nào khác?

Đầu tiên, phải kể đến mục đích của nhà tổ chức. Họ muốn mời một cầu thủ đại diện cho một thương hiệu quần áo trong bộ sưu tập nam, nhằm tán dương tinh thần kiên cường của đội tuyển U23 Việt Nam và hiện thực giấc mơ của mình trên bản đồ bóng đá thế giới.

Phạm vi được gói gọn là ở đội tuyển U23 Việt Nam. Tiếp theo, họ cần một cái tên sở hữu ngoại hình nam tính, có chiều cao ổn và quan trọng nhất là sự nổi tiếng, đủ sức thu hút truyền thông và khán giả. Phạm vi từ đó đã được BTC gói gọn lại trong một cái tên: Bùi Tiến Dũng.

Thủ môn sinh năm 1997 hội tụ quá nhiều yếu tố để trở thành một người mẫu không chuyên trong một đêm. Và chuyện xảy ra sau đó không quá ngạc nhiên, "Tiến Dũng và catwalk" trở thành chủ đề bàn luận số 1 của thể thao Việt Nam. Làn sóng ấy luôn rẽ làm đôi giữa khen và chê, ủng hộ và phản đối, lo lắng và tin tưởng. 

Đó là một phần cuộc sống của người nổi tiếng, là một phần áp lực mà Tiến Dũng đã, đang và sẽ phải đối mặt từ trước đó cho đến 10 năm tiếp theo. Nhìn nhận rõ bản chất của vấn đề mới là điều cần thiết nhất vào lúc này.

img

Sau bản báo giá quảng cáo, Bùi Tiến Dũng tiếp tục đối mặt với một làn sóng khác từ dư luận.

Tiến Dũng catwalk có phải điều quá khủng khiếp?

Chuyện một cầu thủ trình diễn trên sàn catwalk không phải điều kinh khủng trong thế giới bóng đá. Cristiano Ronaldo từng trình diễn ở buổi quảng bá sản phẩm tại Madrid. Cesc Fabregas, Rio Ferdinand từng nhận lời trình diễn ở đêm thời trang của siêu mẫu Naomi Campbell.

Dani Alves, Neymar là khách mời thường xuyên của Paris Fashion Week. Mới đây, Paulo Dybala gây sốt khi catwalk trong sự kiện do hãng thời trang xa xỉ Dolce & Gabbana tổ chức năm 2017.

Nếu vẫn thấy xa xôi thì có thể nhớ về Hidetoshi Nakata, một trong những cầu thủ châu Á thành công nhất. Cầu thủ người Nhật Bản sau đó trở thành một người mẫu chuyên nghiệp. Gần hơn nữa, tại Đông Nam Á, Charyl Chappuis, cầu thủ mang hai dòng máu Thái Lan và Thụy Sỹ cũng liên tục được săn đón ở xứ sở chùa vàng.

img

Tiền đạo Paulo Dybala (Juventus) lên sàn catwalk trong Dolce & Gabbana Fashion Show năm 2017. Ảnh: AP.

Chuyện cầu thủ đi trình diễn thời trang vì thế không phải điều quá kinh khủng. Trong một bức tranh của sự nổi tiếng, việc đại diện cho một thương hiệu thời trang hay thậm chí trình diễn thời trang chỉ là một nét chấm phá cho bức tranh thêm đẹp bên cạnh thứ quan trọng nhất là duy trì phong độ tốt trên sân cỏ.

Không những vậy, bóng đá là môn thể thao vua, có sức ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới. Cầu thủ bóng đá vì thế cũng có thể trở thành người đại diện cho một nền văn hóa hay đi đầu cho một xu thế thời trang.

Bên cạnh bóng đá, cầu thủ trở thành người đại diện cho những thương hiệu không còn là chuyện chỉ có ở những nền bóng đá phát triển. Ở Việt Nam, số cầu thủ làm được điều kể trên ngày một nhiều lên. Điểm tích cực từ công việc ấy là giúp đem lại một khoản thu nhập đáng kể nữa bên cạnh đá bóng.

Quan trọng hơn, Tiến Dũng tham gia một sự kiện hoàn toàn bình thường, không đi ngược quy chuẩn đạo được, không vi phạm pháp luật. Tất cả đều thừa nhận tuổi thọ sự nghiệp của một cầu thủ không dài. Việc tích lũy được một khoản tiền lớn chỉ từ đá bóng không thôi là điều không tưởng, đặc biệt ở những nền bóng đá phát triển chưa cao như Việt Nam.

Bài học từ Mạc Hồng Quân và câu nói của Charyl Chappuis?

Tiến Dũng catwalk ở một buổi trình diễn thời trang phải nhấn mạnh thêm một lần nữa đó không phải chuyện xấu. Một phần vấn đề của Tiến Dũng là cầu thủ Việt Nam đầu tiên catwalk. Điều gì xảy ra đầu tiên cũng chịu nhiều sức ép. Một phần khác nằm ở bài học nhãn tiền từ các đàn anh.

Không khó để kể ra những cầu thủ đã từng là tài năng nhưng phong độ trồi sụt chỉ vì quá sa đà vào những chuyện bên ngoài sân bóng thì bóng đá Việt Nam đã có quá nhiều. Người hâm mộ có lý do để lo lắng cho Tiến Dũng, cho một thủ môn được coi là tương lai của bóng đá Việt.

img

Mạc Hồng Quân khi trở về Việt Nam là một cầu thủ được đánh giá rất cao về kỹ năng chơi bóng. Tuy nhiên, sau khi dấn thân vào showbiz quá nhiều, anh đã không còn chơi bóng được như kỳ vọng.

Có người cho rằng Dũng mất vị trí ở CLB vì tham gia quá nhiều quảng cáo, đi sự kiện. Thế nhưng, đó đều chỉ là phỏng đoán cá nhân, có thể bàn luận với bạn bè chứ không nên biến thành áp đặt cho người khác.

Thời điểm Dũng ký hợp đồng để tham dự sự kiện này chắc chắn đã được lên kế hoạch cả tháng. Quay ngược thời gia về 1 tháng trước, HLV Marian Mihail vẫn tại vị và Tiến Dũng vẫn là sự lựa chọn số 1 ở FLC Thanh Hóa. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ thì hình ảnh Tiến Dũng sẽ thật tuyệt vời, sẽ không ai phàn nàn về việc Dũng đang không có vị trí chính thức trong đội hình FLC Thanh Hóa.

Thế nhưng, 1 tháng qua có quá nhiều biến động ở CLB. Nhà tổ chức và chính bản thân Tiến Dũng cũng không thể lường trước. Việc Dũng mất vị trí có thể không nằm ở yếu tố chuyên môn mà ở mục đích sử dụng của HLV mới, ông muốn một người kinh nghiệm hơn và Thanh Thắng được lựa chọn.

Bài học từ những đàn anh đi trước đủ giúp Tiến Dũng cần biết phải cân bằng giữa công việc chính - "đá bóng" với công việc phụ như trình diễn thời trang. Thế nhưng, không vì quá khứ mà ngăn cản Tiến Dũng tiến về phía trước, trải nghiệm những điều mới mẻ.

img

Ngôi sao của bóng đá Thái Lan, Charyl Chappuis (1992), được ví như "Beckham" của bóng đá xứ sở chùa vàng.

Charyl Chappuis – "Beckham" của Thái Lan về khoản tham gia quảng cáo từng chia sẻ: "Quả thực tôi cũng thích mình được chú ý, cảm giác này tuyệt lắm nhưng cũng có lúc khó phân biệt được việc mình được yêu quý vì ngoại hình hay vì tài năng chơi bóng. Tôi hy vọng khả năng của tôi mới là điều gây ấn tượng hơn".

"Bóng đá là cuộc sống của tôi, vẻ bề ngoài cũng giúp ích nhiều nhưng có khi khá rắc rối vì nếu bạn không chơi tốt, họ bắt đầu bàn tán rằng vì tôi đẹp trai, vì mái tóc của tôi thế này thế kia. Đúng là phong cách của tôi như vậy nhưng tôi luôn cố gắng tập luyện chăm chỉ để chứng minh rằng mình là một cầu thủ giỏi".   

Có lẽ, Tiến Dũng và nhiều cầu thủ đang nổi tiếng khác của Việt Nam cũng có chung suy nghĩ như vậy.

Trung Thu (Webthethao)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem