“Buộc lòng” phải quyếtMối quan hệ Nga- Mỹ vốn thường xuyên ở trạng thái đóng băng vừa chỉ mới được hâm nóng trong một thời gian ngắn vừa qua. Lẽ ra Tổng thống Mỹ Obama sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào tháng 9, trước khi hai ông đi họp hội nghị của nhóm G20 tại St. Petersburg. Tuy nhiên, Nhà Trắng cuối cùng đã quyết định, hủy gặp do “thiếu tiến bộ trong chương trình nghị sự”. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố, sự thiếu tiến bộ trong đối thoại với Nga về phòng thủ tên lửa, kiểm soát vũ khí, thương mại, an ninh và nhân quyền. Ngoài ra, Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, quyết định của Nga cấp tị nạn tạm thời cho cựu nhân viên CIA Edward Snowden có tác động đến việc đánh giá các mối quan hệ song phương của Mỹ với Nga.
Hai nhà lãnh đạo Nga- Mỹ trong một cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 6 vừa qua. AP
Cố vấn các vấn đề đối ngoại của Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov cho rằng, sự từ chối của ông Obama cho thấy nước Mỹ chưa sẵn sàng phát triển quan hệ với Nga trên cơ sở bình đẳng. Trong khi đó, giới phân tích của Mỹ cũng nhận định, quyết định của Nhà Trắng đánh dấu sự “xuống dốc” nghiêm trọng trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước xung quanh hàng loạt vấn đề như kế hoạch lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Châu Âu, tình hình nhân quyền và cuộc nội chiến tại Syria. Việc hủy bỏ cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ lâu giữa hai nhà lãnh đạo cũng đánh dấu mốc thấp nhất trong quan hệ Mỹ-Nga kể từ khi ông Obama lên cầm quyền đầu năm 2009. Quyết định này cũng tước bỏ một cơ hội mà ở đó ông Obama có thể tìm kiếm từ Tổng thống Nga Vladimir Putin sự hợp tác trong các vấn đề như Syria.
Giới phân tích ở Nga cho rằng, ông Obama đã buộc phải có cử chỉ ngoại giao như vậy để làm vừa lòng các đối thủ Cộng hòa trong Quốc hội, những người đòi xử lý Nga nghiêm khắc vì đã cho Snowden tị nạn. Vì vậy, có thể thấy động thái này là nhằm dàn xếp những bất hòa nội bộ chính quyền Washington.
Thất vọng nhưng vẫn hợp tácViệc một bên nào đó đơn phương hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh là quyết định khá nghiêm trọng và Moscow không thể không thất vọng bởi bước đi này của ông Obama. Tình huống hủy bỏ các chuyến thăm cấp cao không phải chưa từng xảy ra trong quan hệ Nga - Mỹ. Tháng 3.1999 khi Thủ tướng Nga Yevgeny Primakov đã hạ lệnh cho chuyên cơ quay đầu ngay trên không trung, hủy bỏ chuyến thăm Mỹ để phản đối quyết định của NATO mở chiến dịch không kích Nam Tư.
Phía Nga đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định Washington tuy nhiên vẫn khẳng định rằng, “Nga – Mỹ sẽ tiếp tục quan hệ”. Đài Tiếng nói nước Nga cho rằng, phần lớn các chuyên viên Nga tin chắc rằng không nên “bi thảm hóa” về bước đi mới nhất của Nhà Trắng. “Chẳng nên ngại rằng động thái này sẽ làm quan hệ Mỹ-Nga tổn hại thêm gì đó. Mặc dù tình hình ở đây cũng đã vốn chẳng mấy vui vẻ”, nhà phân tích chính trị Vilen Ivanov nhận định. Cũng theo ông Vilen Ivanov: “Sẽ chẳng có cảnh băng giá gì ở đây. Nga sẽ tiếp tục chính sách xây dựng của mình trong sự hợp tác với Mỹ. Chúng ta quan tâm đến điều đó. Còn ở Mỹ nảy sinh vấn đề trong đường lối đối ngoại và họ đang cố gắng bước ra không phải bằng cách tốt nhất – gây áp lực trên tất cả những đối tác khác. Nhưng lần này sức ép với Nga sẽ chẳng có tác dụng gì”.
Một số nhà phân tích của Nga không loại trừ rằng rồi sẽ có cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Putin "bên lề" Hội nghị thượng đỉnh ở Saint-Peterburg.
Quang Minh (Quang Minh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.