Bước ra khỏi bóng tối để sống có ích

Thứ tư, ngày 01/12/2010 09:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiễm HIV/AIDS, bị kỳ thị, nhiều người từng tuyệt vọng và tìm đến cái chết. Nhưng nhờ sự sẻ chia của cộng đồng họ đã dũng cảm bước ra khỏi bóng tối để trở thành những công dân có ích.
Bình luận 0

“Chết chìm” trong sợ hãi

img

Chị Quàng Thị Nguyệt trong một buổi tham gia tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.

Người được coi là nhiễm H (HIV) đầu tiên ở Việt Nam là chị Phương Minh (quận 4, TP.HCM). Chị Minh nhớ lại: “Đó là thời điểm năm 1990, dư luận bêu xấu tôi đủ thứ, còn người xung quanh cũng trỏ chọc ghẹo này kia”. Sự kỳ thị ấy đã làm chị Phương Minh “chết chìm” trong sợ hãi.

Những người có H ở Hải Phòng cũng thường kể cho nhau nghe trường hợp của anh Trần Văn Hà. Biết anh nhiễm H, gia đình anh đuổi anh ra khỏi nhà. Nỗi sợ hãi, đau đớn tột cùng ấy còn ám ảnh vào từng trang nhật ký của anh.

Nhật ký có đoạn viết: “Từ ngày có H, tôi không còn được bế cháu nữa. Tay bóc quả cam cho cháu mà mẹ nó giật lấy vứt đi. Mọi người trong nhà không dám ăn cùng, thậm chí là ngồi cùng”. Tủi nhục, anh tự giam mình trong căn phòng rách nát, tồi tàn chưa đầy 10m2, sức khoẻ ngày càng suy giảm và anh mất sau đó không lâu.

Số phận của Nguyễn Thị Thanh Nga (TP. Bắc Ninh) cũng bi thảm không kém: Chồng và con trai 3 tuổi mất vì HIV. Gặp Nga, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự xinh tươi của cô, vì vậy mà dù cô công khai “có H” vẫn có nhiều người “xin chết”.

Nga cười buồn: “Em từ chối tất cả, sống bất cần. Sau này em tham gia Nhóm vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh để tìm sự đồng cảm. Khi biết các hoạt động hỗ trợ phòng chống HIV, em thấy rất tiếc. Nếu biết sớm hơn thì con em chưa chết!”.

Để người nhiễm HIV sống có ích

Chị Nguyễn Thị Thu Tâm, nhân viên Trung tâm Tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí (TP.HCM) cho biết: 92% số ca nhiễm H được tư vấn đã bớt mặc cảm, hoà nhập với cộng đồng, 30% trong số đó đã trở thành những cộng tác viên hoạt động tích cực trong phong trào bảo vệ chống H. Từ đó có thể khẳng định nếu xã hội có thể rộng vòng tay đón nhận, những người có H sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Như trường hợp chị Phương Minh, sau 2 năm điều trị bằng thuốc AVR sức khoẻ của chị bắt đầu khá hơn. Từ đó, chị Minh tham gia CLB đồng đẳng tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.

Chị Minh tâm sự: “Được tuyên truyền, nhiều người có H như tôi đã vững tin hơn vào cuộc sống, có người còn bảo: Nhìn chị sống khoẻ chúng em lại càng muốn sống hơn, làm việc có ích cho bản thân và cho xã hội”.

Không chỉ tham gia vận động phòng chống HIV/AIDS, những người có H còn nỗ lực vươn lên làm ăn kinh tế. Tổ ấm của vợ chồng anh Dũng, chị Ngọc (2B, thị trấn Cát Bà, Hải Phòng) là một minh chứng cho thực tế đó.

Sau một thời chìm trong sợ hãi có H, anh Dũng đã may mắn nhận được vốn vay của Câu lạc bộ đồng đẳng để phát triển kinh tế. Giờ đây, trang trại sản xuất tu hài của anh cho thu nhập cả trăm triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động nhiễm H.

Anh tâm sự: “Có công ăn việc làm, kiếm được tiền lo cho vợ con mình cũng thấy thoải mái. Tôi đang cố gắng mở rộng trang trại để có thể tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động hơn nữa. Qua đó có thể tạo một môi trường để những người có H có thể sinh hoạt và tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS”.

Chủ đề Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS và tháng hành động quốc gia năm nay là “Tiếp cận phổ cập và quyền con người”. Chủ đề được xuất phát từ thực tế, hiện vẫn còn số lớn không công khai tình trạng và chịu thiệt thòi trong chăm sóc sức khỏe (ước tính gấp 10 lần số công khai thực tế hiện nay).
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem