Cả làng bóng đá Việt thua nữ hiệp Thái Lan

Thứ tư, ngày 13/05/2015 16:32 PM (GMT+7)
Một lần nữa, chính xác là lần thứ ba liên tiếp gặp nhau đội tuyển nữ Việt Nam đã lại thua tuyển nữ Thái Lan. Lần này thì không thể nói vì xui rủi, càng chẳng thể đổ tại bởi những tình huống dẫn đến bàn thắng của đội bạn thật sự không thể chê. Chỉ có thể nói, chúng ta đã thật sự thua người Thái.
Bình luận 0
img
Dưới quyền điều hành của bà Nualphan Lamsam (trái) đội tuyển bóng đá Thái có những bước đi khá căn cơ trong chiến lược.

Thật ra không khó để thấy, về mặt thể hình cầu thủ nữ của Việt Nam khó lòng so đọ với Myanmar chứ đừng nói là với Thái Lan. Các tình huống tranh chấp tay đôi, thường các cầu thủ Việt bị thất thế, đó là điều mà ông huấn luyện viên người Nhật cũng phải thừa nhận.

Nhưng, thật ra đó chỉ mới là một phần của câu chuyện. Bởi lẽ, thường ở hiệp 1, khi mà thể lực chưa xuống các nữ cầu thủ Việt Nam chơi rất hay, ngang ngửa với tuyển nữ Thái Lan. Tuy nhiên, cứ sang đến hiệp 2 thì mọi chuyện đổi khác, những lời động viên nhau: “Em ơi cố lên, sắp hết giờ rồi” cứ vang vang trên sân dù trận đấu còn tới tận 20 phút mới kết thúc.

Càng về cuối trận, các tình huống sút bóng, phá bóng càng trở nên thiếu lực đến đáng ngại. Chẳng nói đâu xa, ở trận đấu gặp Thái Lan, những phút cuối đội tuyển Việt Nam có ít nhất là ba cơ hội nhưng vẫn không thể ghi bàn bởi sút quá nhẹ hoặc thiếu chính xác.

Thể lực, một khía cạnh nhỏ nhưng cho thấy cả một quá trình làm bóng đá của các bậc nam nhi ở VFF thua hẳn một nữ hiệp sĩ đứng đầu bóng đá nữ Thái Lan. Đó là bà Nualphan Lamsam, một trong tám người phụ nữ quyền lực châu Á do tạp chí Her World bình chọn.

Vì sao lại như vậy? Bởi thể hình là chuyện cải tạo nòi giống và tuyển chọn e chừng khó khăn, còn thể lực là cả một quá trình. Khi mà thể hình chưa thể tốt lên, ở các đội bóng người ta thường dùng thể lực để bù đắp. Nhưng, muốn nâng cao nền tảng thể lực, mọi chuyện phải có căn cơ, nghĩa là chế độ dinh dưỡng, tập luyện phải ổn định trong một thời gian dài.

Điều này có thể thay đổi nhưng ở đội tuyển bóng đá nữ, điều này lại hoá ra khó khăn. Không khó lắm người ta cũng có thể nhận ra, sau mỗi giải đấu lớn, khoác áo đội tuyển quốc gia làm nhiệm vụ hoàn thành, các nữ tuyển thủ lại bị “bỏ rơi”. Họ trở về với câu lạc bộ, với những bữa ăn đạm bạc theo kiểu có gì ăn nấy, với mức lương còm hàng tháng mà dao động ở khoảng 4 triệu đồng. Có người phải ra đường bán rau để giúp gia đình trang trải cuộc sống. Với mức thu nhập ấy, chính các cầu thủ thừa nhận, để dành được tiền uống nước mía, ăn bánh tráng trộn đã là quá khá. Chuyện thi đấu tập ở nước ngoài là chuyện khó, gửi đi tập huấn càng không tưởng.

Trong khi đó, dưới quyền điều hành của bà Nualphan Lamsam (ảnh trên, bên trái), người Thái hay gọi là Madam Pang, đội tuyển bóng đá Thái có những bước đi khá căn cơ trong chiến lược. Chuyện lương bổng ở câu lạc bộ thì khỏi phải lo. Chuyện tập huấn ở trong nước, ngoài nước cũng khỏi phải nghĩ. Nhiều cầu thủ của Thái đã được gửi đến các câu lạc bộ Thuỵ Điển, Nhật Bản để thi đấu dưới dạng tập huấn.

Không chỉ vậy, khi đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu mà chẳng được sự quan tâm của truyền thông là mấy do các kênh tuyên truyền của VFF hoạt động không hiệu quả. Thì ở sân Thống Nhất, giới truyền thông Thái Lan đông nghẹt, họ đi cùng đội tuyển nữ để ủng hộ, để đưa tin và cả để động viên. Dưới sự quan tâm của truyền thông, các cầu thủ nữ thành ngôi sao, họ được các hãng lớn quan tâm, mời làm đại diện tài trợ. Nguồn tiền thưởng cũng dồi dào hơn.

Hẳn nhiên, được đầu tư cao hơn, thành tích sẽ cao hơn. Mà VFF quá chú trọng đầu tư cho tuyển nam, hơn nữ khá xa. Có thể, nhiều người sẽ tiếc nuối rằng đội tuyển nữ của chúng ta đã vài lần suýt thắng. Nhưng mỗi thứ thua một chút, thua thể lực một chút, thua thể hình một chút, thua kinh nghiệm một chút và thua cả sự quan tâm một chút. Việc các cầu thủ nữ Việt Nam thi đấu ngang ngửa với các cầu thủ Thái đã là quá tốt, đã là quá nỗ lực. Tập thể lãnh đạo VFF còn thua một nữ hiệp người Thái, thì trách gì các cầu thủ vốn lâu lâu mới được nhớ tới.
Trước giải vô địch nữ Đông Nam Á, VFF đã mạnh dạn đặt chỉ tiêu đội tuyển nữ Việt Nam sẽ vô địch. Kết quả, cuối tuần rồi đội Thái Lan vô địch, Myanmar hạng nhì, tuyển trẻ Úc đoạt hạng 3 và tuyển nữ Việt Nam lọt khỏi tốp có huy chương.
(T.Du (Thế giới tiếp thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem