Cà Mau: Giảm nghèo nhanh ở vùng dân tộc thiểu số

Chúc Ly Thứ sáu, ngày 07/12/2018 19:58 PM (GMT+7)
Qua gần 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã phát huy hiệu quả lớn tại Cà Mau. Từ đó, góp phần làm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm khoảng 2%/năm và hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm mỗi năm trên 3%.
Bình luận 0

Nhiều công trình thiết thực được đầu tư

Theo UBND tỉnh Cà Mau, qua gần 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã phát huy hiệu quả tích cực. Các nội dung của chương trình được triển khai đồng bộ, mang lại kết quả thiết thực, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những nhu cầu cấp thiết của hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh khoảng 2%/năm; hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm.

Theo thống kê, Cà Mau hiện có hơn 53.000 người dân tộc thiểu số, với 13 dân tộc; trong đó, đông nhất là đồng bào dân tộc Khmer với 9.600 hộ, gần 45.000 người. Bên cạnh đó, địa phương có 65/101 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số được phân định theo 3 khu vực. Cụ thể, có 29/101 xã thuộc khu vực II, 9 xã đặc biệt khó khăn, 127/494 ấp đặc biệt khó khăn.

img

Nhiều mô hình phát triển sinh kế bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Cà Mau được triển khai.

Để thực hiện tiểu dự án 1, tiểu dự án 3 của dự án 2 (thuộc Chương trình 135), trong 2 năm 2016 - 2017, Cà Mau đã xuất ngân sách 22 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 28 tuyến đường giao thông nông thôn cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện: U Minh, Đầm Dơi và Trần Văn Thời. Ngoài ra, với gần 40 tỷ đồng nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã xây dựng 146 công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà văn hóa và duy tu, bảo dưỡng 123 công trình hạ tầng giao thông nông thôn.

U Minh là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh, với trên 3.000 hộ nghèo, chiếm 11,94% và trên 1.000 hộ cận nghèo, chiếm 4,23%.Thời gian qua, nhờ triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững nên đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Giai đoạn 2016 – 2018, địa bàn huyện có 6 xã được thụ hưởng từ tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các ấp, xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 30a và Chương trình 135.

Ngoài ra, huyện U Minh đã triển khai làm mới và duy tu bảo dưỡng 62 công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng 30 mô hình giảm nghèo cho hơn 500 hộ nghèo trên địa bàn. Tổng kinh phí cho các chương trình, dự án trên 27 tỷ đồng.

Giải quyết việc làm cho lao động nghèo

Qua các chính sách hỗ trợ, nhiều hộ nghèo là người dân tộc thiểu số trong tỉnh đã đổi đời. Từ một hộ nghèosống bằng nghề thợ mộc, khi được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thới Bình, anh Lâm Đôl đã thành lập được cơ sở sản xuất kinh doanh nghề mộc. Cũng nhờ đó,nhờ chí thú làm ăn, anh có thu nhập mỗi năm khoảng 100 triệu đồng.

img

Trong những năm qua, có 2.300 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo nghề với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến nay, Cà Mau đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho hơn 2.700 lao động. Ngoài ra, đã có hơn 33.000 người dân tộc thiểu số có bảo hiểm y tế, tỷ lệ 63,35%, trong đó, có hơn 13.400 người dân tộc thiểu số được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.

Theo chuẩn tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, Cà Mau hiện còn 17.754 hộ nghèo, tỷ lệ 5,96%; 10.485 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,52%.

Tuy nhiên, theo nhân định của ngành chức năng và địa phương, một vài nơi trong vùng dân tộc thiểu số hiện tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Số lượng này đa phần rơi vào các hộ có nghề nghiệp không ổn định, đông con, trình độ dân trí thấp. Từ chỗ thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất nên việc thoát nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn khá cao.

Theo ông Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thời gian tới trong thực hiện chính sách dân tộc, Cà Mau sẽ quan tâm hơn nữa trong công tác tạo việc làm, tìm đầu ra cho sản phẩm, nâng giá trị sản xuất. Cà Mau cũng sẽ thực hiện đồng bộ công tác rà soát, đánh giá đúng, chặt chẽ các chỉ tiêu thực hiện mục tiêu phát triển, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo của tỉnh.

Mặt khác, UBND tỉnh Cà Mau đang khẩn trương rà soát các nguồn lực đất ở, đất sản xuất, xem xét hỗ trợ đối với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, thực hiện chính sách định cư phải gắn với định canh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem