Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bỗng dưng mắc nợ
Ninh Tây là xã miền núi nghèo nhất huyện Ninh Hoà, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50%. Nghèo khó nhưng không bao giờ họ nợ tiền điện.
Tháng nào người dân ở Ninh Tây cũng phải lo trả nợ nếu không muốn bị cắt điện. |
Năm 2002, tự dưng không thấy ai đến thu tiền điện hàng tháng như những năm trước, người dân nghèo Ninh Tây ngây thơ tự hỏi nhau: Hay là vì thấy xã mình nghèo quá mà nhà nước ưu tiên không thu tiền điện? Sau đó họ tin như vậy và cảm thấy rất hạnh phúc.
Năm 2005, tỉnh Khánh Hoà thực hiện việc bàn giao lưới điện nông thôn về cho ngành điện. Khi điện lực huyện Ninh Hòa trực tiếp khai thác, quản lý mạng lưới điện đã phát hiện ra dân Ninh Tây xài "chùa" tiền điện suốt 3 năm qua.
Người dân Ninh Tây bảo rằng, họ không xài “chùa” mà là do không có ai đến thu tiền. Điện lực Ninh Hòa chẳng cần biết nguyên nhân, cứ dùng điện thì phải trả tiền, trước chưa trả thì nay trả. Niềm vui sướng ngày nào được xài điện không mất tiền bỗng dưng hóa thành đại hoạ, cả xã nợ tiền điện lên đến vài tỷ đồng, nhiều gia đình nợ đến cả chục triệu đồng.
Hãi hùng như gặp bão
Đơn vị chịu trách nhiệm truy thu tiền điện không ai khác là UBND xã Ninh Tây. Cơ quan này đã huy động công an, dân quân, đại diện chính quyền… vào cuộc. Nhà nào chịu trả nợ, tối thiểu 50%, thì còn điện, không trả thì bị cắt.
Dân hãi hùng như gặp bão. "Dân nghèo, một tháng nộp vài chục nghìn đồng (tiền điện) còn khả dĩ chứ bắt nộp liền mấy triệu đồng thì lấy gì mà nộp?" - bà con phản ứng. Vật vã 9 tháng trời với nhiều phương án thu khác nhau, đến cuối tháng 9-2006 xã đành bất lực vì không thu xong tiền nợ.
Món nợ tiền điện lại rơi về ngành điện, và ngành điện đưa ra một cách thu nợ mới, "nhẹ nhàng" hơn: Mỗi tháng hộ dân phải trả tiền điện hiện tại và "gánh" thêm một tháng nợ cũ.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà ngói thấp lè tè lại trũng mái, cụ ông 85 tuổi Nguyễn Văn Ninh chỉ tay sang cụ bà cũng đã trên 80 tuổi, than thở: Hai vợ chồng già chúng tôi còn nợ trên 2 triệu tiền điện... Không biết đến lúc qua đời chúng tôi đã trả hết nợ chưa!
Thu nhập của hai cụ chỉ khoảng 380.000 đồng/tháng, gồm tiền trợ cấp người cao tuổi 180.000 đồng và khoảng 200.000 đồng tiền thu về từ cái quán cóc xiêu vẹo trước nhà. Chỉ chừng đó nhưng họ phải ráng trích ra mỗi tháng 100.000 đồng để trả tiền điện (cũ và mới). Điện đã "ăn" miếng lớn nhất trong nắm cơm bé bỏng mà họ khổ sở kiếm được vào tuổi xế chiều.
Hàng xóm với hai cụ là anh Huỳnh Văn Phú. Anh này chưa già đến vậy nhưng cũng thở dài khi nhắc đến điện: Hàng tháng, người ta đến thu nợ vào các ngày 17 và 18, nếu không có tiền trả nợ cũ là bị cắt điện ngay.
Mấy tháng gần đây tôi bị tai nạn giao thông, không đi làm được, túng thiếu quá không kịp trả nợ, thế là bị cắt điện 3 lần. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại phải chạy xuống trụ sở Điện lực Ninh Hoà, cách đây trên chục cây số, trả nợ, và xót xa hơn là phải nộp thêm 39.000 đồng tiền phí đóng - cắt điện, mới có điện trở lại!
Mai Khuê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.