Các Bộ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", DN xuất khẩu gạo thiệt hại

Thanh Phong Thứ năm, ngày 16/04/2020 15:12 PM (GMT+7)
Bộ Tài chính mới đây cho biết, phương án điều hành của Bộ Công Thương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng khiến doanh nghiệp (DN) bị động. Trong khi đó, Bộ Công Thương lại có công văn hỏi Bộ NNPT&NT về việc gạo nếp có nằm trong danh mục an ninh lương thực quốc gia hay không?
Bình luận 0

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải ký văn bản đề nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì xây dựng lộ trình hợp lý để thực hiện xuất khẩu gạo của những hợp đồng đã ký từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2020.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng lộ trình phù hợp trong bối cảnh diễn biến dịch ở Việt Nam và thế giới ngày càng phức tạp. Cùng với đó là kế hoạch an ninh lương thực trong bối cảnh khả năng diễn ra khủng hoảng kinh tế sau đại dịch.

Được biết nguyên nhân của động thái trên là do, Bộ Tài chính đánh giá phương án điều hành của Bộ Công Thương là chưa phù hợp, có thể khiến DN xuất khẩu bị động.

"Với phương án điều hành được nêu trong dự thảo của Bộ Công Thương, doanh nghiệp rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí có thể phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng gạo được xuất khẩu", Bộ Tài chính cho hay.

img

Các bộ ngành thiếu sự phối hợp khiến doanh nghiệp lao đao.

Ngoài ra, cũng theo văn bản nêu trên, Bộ Tài chính đánh giá, Bộ Công Thương chỉ lập đoàn liên ngành, làm việc nửa ngày với địa phương, DN xuất khẩu về nguồn cung lúa gạo là chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng.

"Bộ Công Thương chủ trì chỉ thực hiện một cuộc họp trong nửa ngày. Thực chất chưa phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", trích văn bản của Bộ Tài chính.

Sau động thái trên, ngày 15/4, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT. Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Bộ Tài Chính "công bố công khai danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4-2020".

Cũng theo văn bản trên, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT cho ý kiến về việc gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia hay không?

Trả lời vấn đề trên, Bộ NN&PTNT kiến nghị, tiếp tục cho phép xuất khẩu lượng gạo nếp hàng hóa của vụ Đông Xuân 2019 - 2020 và đề nghị Bộ Công Thương cung cấp tình hình xuất khẩu, nhu cầu của thị trường để làm cơ sở điều tiết tỉ lệ diện tích và sản lượng lúa nếp trong các vụ tiếp theo.

Trước việc các Bộ ngành thể hiện sự thiếu phối hợp, thiếu thông tin khiến nhiều DN lao đao, đứng trước bờ vực phá sản. Mới đây, Công ty TNHH Dương Vũ, một DN xuất khẩu gạo nếp, tấm nếp trung bình 220.000 tấn/năm đã phải gửi đơn cầu cứu đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Công Thương, Bộ NN&PT NT, Bộ Tài chính,…

Theo đó, đại diện Công ty TNHH Dương Vũ cho hay, DN này đang đứng trên bờ vực phá sản. Cụ thể, theo Quyết định của Thủ tướng đã được Bộ Công Thương đề xuất việc áp dụng hạn ngạch 400.000 tấn xuất trong tháng 04/2020, nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Hoà, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ cho biết, gạo nếp và tấm nếp không phải mặt hàng thuộc diện dự trữ lương thực quốc gia. Do đó, việc xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu để làm bột không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia.

"Trong khi khách hàng đang có nhu cầu lớn, chúng tôi có thể xuất khẩu với giá cao, mang lại lợi ích cho nước nhà, nông dân và doanh nghiệp thì chúng tôi lại không được phép xuất khẩu và cũng không thể tiêu thụ trong nước", vị lãnh đạo Công ty TNHH Dương Vũ chia sẻ.

Trước việc mặt hàng chủ lực "tiến thoái lưỡng nan", Công ty đang đứng trước bờ vực phá sản. Điều này kéo theo nhiều hệ luỵ như hộ nông dân đã được bao tiêu trồng lúa nếp không thể tiêu thụ (khoảng 50.000 hecta tại Long An và An Giang), ngân hàng không thu được nợ (Công ty đang nợ ngân hàng hơn 300 tỷ đồng) và có thể khiến 400 công nhân viên thất nghiệp.

Cũng theo đại diện Công ty Dương Vũ, từ ngày 20/03, DN này đã đóng 500 container, tương đương 12.500 tấn gạo nếp và tấm nếp đã lưu container. Tuy nhiên, do hàng xuất Trung Quốc phải khử trùng tại kho 5 ngày nên chưa thể xuất khẩu, đến ngày 24/03, Chính phủ có quyết định dừng xuất khẩu khiến DN không khỏi bàng hoàng.

"Điều này gây thiệt hại rất lớn cho Công ty và có nguy cơ phá sản vì thời gian hàng lưu kho hơn 23 ngày. Nay lại không thể khai báo hải quan, nếu kéo dài hết tháng 5/2020 thì chất lượng hàng hoá xuống cấp, khách hàng yêu cầu bồi thường, huỷ hợp đồng nếu không giao kịp trong tháng 04/2020", đại diện Công ty Dương Vũ bày tỏ lo lắng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem