Cụ thể, ở V.League 2017 khai mạc ngày 7, 8.1 tới sẽ có tới 7/14 CLB không gắn tên với nhà tài trợ là: Hà Nội (tại V.League 2016 là Hà Nội T&T vã đã tuyên bố đổi tên), Hải Phòng, Sài Gòn, SLNA, Long An, Quảng Nam (tại V.League 2016 là QNK.Quảng Nam và đã tuyên bố đổi tên) và TP.HCM, chiếm 50% số đội dự giải.
Đương kim vô địch V.League Hà Nội T&T đã đổi tên thành CLB bóng đá Hà Nội từ V.League 2017. Ảnh: I.T
Giải thích về quyết định đổi tên, lãnh đạo Hà Nội T&T và QNK.Quảng Nam đều khẳng định việc sử dụng tên riêng không gắn với nhà tài trợ sẽ giúp đội bóng dễ dàng và thuận lợi hơn khi tiến hành vận động tài trợ từ những nguồn lực khác nhau.
Bên cạnh đó, với việc sử dụng “tên sạch”, các đội bóng ở V.League sẽ trở nên gần gũi hơn với CĐV. Bởi khi đó, đội bóng sẽ được coi là tài sản của cả cộng đồng chứ không thuộc sở hữu riêng của ông bầu hay doanh nghiệp nào. Mỗi đội bóng khi ra sân với “tên sạch” như vậy sẽ mang trên mình sứ mệnh quảng bá lịch sử, văn hóa cho địa phương mình, với những cầu thủ bản địa, thi đấu vì màu cờ sắc áo của địa phương. Các đội bóng như vậy chắc chắn sẽ kéo được khán giả địa phương đến sân và làm nên sức sống cho giải đấu đỉnh cao bóng đá nước nhà.
QNK.Quảng Nam sẽ mang tên mới là CLB bóng đá Quảng Nam tại V.League 2017. Ảnh: I.T
Đây cũng là điều đáng mừng đối với bóng đá Việt Nam bởi nó phù hợp với xu thế chung của các quốc gia có nền bóng đá phát triển của châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan - quốc gia đang sở hữu giải VĐQG chuyên nghiệp số một Đông Nam Á về quy mô và chất lượng và vừa trải qua năm thứ 4 liên tiếp từ 2013 đến 2016 thống trị bóng đá khu vực (ở SEA Games và AFF Cup).
Trở lại quá khứ cách đây khoảng 5-9 năm, đỉnh điểm là ở V.League 2007, 2008, hầu hết các đội bóng, thậm chí đã có lúc là 100% các đội đều gắn tên nhà tài trợ. Từ B.Bình Dương đến XM.Hải Phòng, TCDK.SLNA. Thể Công Viettel, H.Thanh Hóa, ĐT.LA, Hà Nội ACB, Hòa Phát Hà Nội… Đó cũng là các cầu thủ “hái ra tiền”, liên tục những bản hợp đồng “bom tấn”. Chính hệ quả của việc “cầu thủ nghiệp dư hưởng lương cao” (câu dùng của chuyên gia lão làng Nguyễn Văn Vinh – PV) đã kéo theo rất nhiều vấn đề nhức nhối gắn với những tệ nạn xã hội trong giới cầu thủ.
Đó cũng là giai đoạn bóng đá Việt Nam phát triển quá nóng mà dùng theo cách nói của nguyên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thì chính vì “ảo quá” nên cũng nhanh chóng “vỡ tan như bong bóng xà phòng”. Hết đội này đến đội khách chuyển đổi chủ sở hữu, thậm chí là tuyên bố giải tán. Ông Lê Tiến Anh – cựu Chủ tịch CLB K.Khánh Hòa thời điểm năm 2012 từng lên tiếng chỉ trích: "Có doanh nghiệp trúng dự án 100 tỷ đồng, thích làm bóng đá, được 2 năm thì thôi, gây lãng phí…".
Và có lúc, V.League không khác gì cái chợ, những người làm bóng đá không biết đâu là giá trị thực, cứ mông lung về một V.League chất lượng, tự ru ngủ về một giải đấu “hàng đầu Đông Nam Á”. Kết cục là các đội tuyển Việt Nam đã phải trả giá khi không thể vượt qua vòng bảng AFF Cup 2012, SEA Games 2013. Ở cấp CLB là những vụ bán độ, dàn xếp tỷ số của một nhóm cầu thủ V.Ninh Bình tại AFC Cup 2014 và Đồng Nai ở V.League 2014.
Phía trước, V.League 2017 còn rất nhiều điều phải suy nghĩ! Nhưng bắt đầu từ việc các đội đua nhau dùng “tên sạch”, hy vọng V.League sẽ “sạch hơn”, khán giả sẽ đến sân nhiều hơn! Cần nhớ, bóng đá nói chung và V.League không thể “sống”, không thể phát triển nếu thiếu CĐV!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.