Các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí: Xử phạt chưa thỏa đáng

Thứ tư, ngày 27/02/2013 08:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhận định này được nhiều đại biểu nêu tại “Hội thảo và tập huấn xử lý hành chính hành vi cản trở tác nghiệp báo chí” ngày 26.2.
Bình luận 0

Hội thảo do Sở Thông tin và Truyền thông Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức.

Nhà báo bị nhiều đe dọa

Ông Nguyễn Trung Nhân - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.Cần Thơ cho biết: TP.Cần Thơ là một trong những trung tâm báo chí lớn của cả nước và của khu vực ĐBSCL với hơn 1.000 cán bộ, phóng viên... đang tác nghiệp thuộc 53 cơ quan, văn phòng đại diện báo chí trung ương và địa phương đóng trên địa bàn (trong đó có 2 mạng truyền hình cáp).

“Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực truyền thông trên địa bàn, chúng tôi luôn quan tâm và tạo điều kiện cho báo chí phát triển, là cầu nối để những người làm nghề chân chính có thể tác nghiệp thuận lợi, đưa hoạt động báo chí trở thành một đòn bẩy, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển” - ông Nhân nói.

img
Hành vi cản trở, đe dọa phóng viên khi tác nghiệp diễn ra rất phố biển.

Ông Trần Nhật Minh - Giám đốc RED cho biết: Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu về các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí do RED thực hiện năm 2011, với câu hỏi: “Theo bạn, như thế nào thì được gọi là hành vi cản trở báo chí tác nghiệp”, có 384 phóng viên, nhà báo đang tác nghiệp trên toàn quốc đã nhận diện khoảng 12 nhóm hành vi cản trở gồm: Né tránh cung cấp thông tin, gây khó dễ, mua chuộc, đe dọa, gián tiếp ngăn chặn hoạt động tác nghiệp, thu giữ phương tiện tác nghiệp, trả thù... Các ý kiến cũng cho rằng nhiều vụ xử phạt hành chính cản trở nhà báo trong lúc tác nghiệp chưa thỏa đáng.

Ông Minh đánh giá: Qua khảo sát của RED, trong 12 nhóm hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp thì hành vi gây khó dễ cực kỳ đa dạng, và nhiều trường hợp rất tinh vi, đủ để người làm báo và cơ quan báo chí không thể dùng điều luật hay quy định nào về cung cấp thông tin để gây sức ép. Trong 384 người được khảo sát, có 183 người xác nhận từng bị cản trở theo cách này (47,66%). Tiếp đến là hành vi gián tiếp ngăn chặn hoạt động tác nghiệp là một hình thức cản trở rất “hiệu quả”.

Cùng với đó, hành vi đe dọa phóng viên, nhà báo hiện nay khá nghiêm trọng, nhiều trường hợp có dấu hiệu hình sự, cho nên không khó nhận diện. 320 phóng viên, nhà báo được hỏi khẳng định rằng đe dọa, khủng bố tinh thần rõ ràng là một loại hành vi cản trở báo chí tác nghiệp (tỷ lệ 83,33%). 175 người (45,57%) cho rằng hành vi đe dọa, khủng bố nhiều khi không nhằm vào phóng viên, nhà báo mà lại vào thân nhân, gia đình họ, và đấy cũng là hành vi cản trở. 71 người từng là nạn nhân của hành động đe dọa, khủng bố (nhằm vào họ hoặc vào người thân); chiếm tỷ lệ 18,49% trong tổng số 384 người được hỏi.

Nhà báo chưa được tôn trọng

Khảo sát của RED đối với 384 phóng viên, nhà báo trên toàn quốc cho thấy: 306 người cho rằng thu giữ máy ảnh, máy quay phim là hành vi cản trở tác nghiệp (79,69%); 181 người cho rằng thu giữ thẻ nhà báo là hành vi cản trở tác nghiệp (47,14%).

Điều đáng chú ý ở đây là trong rất nhiều trường hợp, phóng viên, nhà báo bị những đối tượng hoàn toàn không có thẩm quyền, không thuộc cơ quan chức năng nào... giằng giật máy ảnh. Bản thân những nhân viên thuộc cơ quan công quyền cũng có những người lạm dụng quyền hạn, chức vụ để yêu cầu phóng viên, nhà báo giao nộp máy ảnh một cách vô lối, không theo quy định nào.

Ông Ngô Huy Toàn - Trưởng phòng Thanh tra báo chí xuất bản Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Ở nước ta, việc nhà báo, phóng viên bị cản trở, bị hành hung khi tác nghiệp hợp pháp xảy ra ở nhiều nơi, một số vụ rất nghiêm trọng, nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời sẽ làm nản lòng những người cầm bút khi thực hiện sứ mệnh thông tin. Rõ ràng, bảo vệ quyền tác nghiệp hợp pháp của nhà báo, phóng viên là bảo vệ lợi ích chung của xã hội”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem