Các nước đua nhau tung gói trợ cấp, nền kinh tế Mỹ trở thành quán quân
Các nền kinh tế giàu đua nhau tung gói trợ cấp hào phóng, nền kinh tế Mỹ trở thành quán quân
Ngọc Diệp (Theo Wsj)
Thứ tư, ngày 16/08/2023 10:28 AM (GMT+7)
Các chính phủ của nhóm nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đang đưa ra nhiều chính sách trợ cấp rất hào phóng để giành lợi thế với nhiều ngành nghề của tương lai. Trong xu thế này, những nước nào không có đủ tiền để cạnh tranh sẽ thua cuộc và nền kinh tế Mỹ đã trở thành quán quân.
Sức hấp dẫn của các chương trình trợ cấp cấp chính phủ
Chương trình tín dụng thuế mới dành cho các doanh nghiệp sản xuất pin, thiết bị pin năng lượng mặt trời và nhiều công nghệ xanh khác đang thu hút dòng vốn đến Mỹ. Liên minh châu Âu lập tức ứng phó bằng gói hỗ trợ phát triển năng lượng xanh.
Nhật công bố kế hoạch tín dụng 150 tỷ USD để hỗ trợ cho làn sóng đầu tư vào công nghệ xanh. Tất cả các nước này đang cố gắng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, nước hiện đang dẫn đầu thế giới về pin và những loại khoáng chất cần thiết để sản xuất chúng.
Trong cuộc chạy đua về công nghệ và tiền bạc này, nhiều nước nhỏ đã bị bỏ lại phía sau. Nhiều trong số đó là nhóm các nền kinh tế từng hưởng lợi nhiều trong suốt các thập kỷ thương mại tự do tăng trưởng.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển như Anh hay Singapore thiếu đi quy mô để có thể cạnh tranh với các khối kinh tế lớn trong việc cung cấp các chương trình trợ cấp. Nhóm nước mới nổi như Indonesia, từng có hy vọng sẽ sử dụng tài nguyên thiên nhiên để leo cao hơn trong nấc thang kinh tế, cũng đương đầu với nguy cơ khó khăn bởi sự dịch chuyển này.
Chính phủ Đức đã trợ cấp cho Intel 11 tỷ USD để xây hai nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn. Chính Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng coi đây là khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử nước Đức. Nguồn tài chính cam kết từ chính phủ Đức cho Intel như vậy còn cao hơn so với ngân sách thường niên của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore.
Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong trong tuyên bố gần đây nhấn mạnh: "Tôi có thể nói với bạn rằng: chúng ta không thể chạy đua với các nước lớn được".
Câu chuyện tương tự xảy ra với nước Anh. Nhiều doanh nghiệp công nghệ do người Anh sáng lập đang tìm cơ hội tăng trưởng ở nhiều nơi khác. Doanh nghiệp khởi nghiệp sản xuất pin có tên Nexeon với trung tâm công nghệ gần Oxford được phát triển nhờ vào nguồn vốn của chính phủ, đã huy động được 200 triệu USD trong năm ngoái. Tuy nhiên, nhà máy sản xuất thương mại đầu tiên của Nexeon ở Hàn Quốc và sau đó đến Bắc Mỹ chứ không phải Anh.
Lý giải về điều này, CEO của Nexeon – ông Scott Brown nói: "Đáng tiếc nhà máy lại không ở Anh. Nexeon không cho rằng quan điểm của doanh nghiệp sẽ thay đổi bởi chính phủ Anh sẽ không có thêm các chính sách hỗ trợ cho ngành sản xuất pin".
AMTE Power, một trong số ít những doanh nghiệp sản xuất pin của Anh, công bố đang cân nhắc lại kế hoạch xây dựng nhà máy quy mô 200 triệu USD tại Scotland bởi xét đến khác biệt về trợ cấp giữa Anh so với Mỹ và châu Âu. Cũng trong năm ngoái, doanh nghiệp khởi nghiệp sản xuất thiết bị đi lại bằng điện có tên Arrival công bố muốn tập trung vào sản xuất tại Mỹ chứ không phải Anh bởi chính phủ Mỹ đưa ra chương trình giãn thuế có lợi cho doanh nghiệp hơn.
Theo Đạo luật giảm lạm phát (IRA) - kế hoạch chi tiêu trị giá 369 tỷ USD bao gồm các khoản giảm thuế lớn cho năng lượng sạch và cả năng lượng mặt trời mà chính phủ Mỹ đưa ra, ước tính khoảng 369 tỷ USD tiền hỗ trợ sẽ dành cho các dự án năng lượng sạch.
Hãng xe BMW vì vậy cũng mới khởi công nhà máy sản xuất pin tại bang South Carolina. Tập đoàn Hyundai và LG của Hàn Quốc gần đây thông báo mở nhà máy sản xuất pin với tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD. Doanh nghiệp Panasonic của Nhật đang xây nhà máy ở Kansas.
Sự đảo ngược của toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế
Cuộc chạy đua về trợ cấp giữa các nước trên toàn cầu như vậy đi ngược lại hoàn toàn quá trình hội nhập kinh tế đã phá vỡ rào cản thương mại và đầu tư giữa các quốc gia suốt nhiều thập kỷ qua.
Toàn cầu hóa từng giúp đưa nhóm nền kinh tế một thời từng nghèo khó như Hàn Quốc hay Đài Loan lên trình độ phát triển công nghệ cao, hàng trăm triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Người tiêu dùng phương Tây được sử dụng hàng loạt thiết bị điện tử tiêu dùng ở mức giá phải chăng và chất lượng cuộc sống cao hơn. Tiến bộ công nghệ và các ý tưởng quản lý mới dịch chuyển tự do giữa các quốc gia, cùng lúc đó là những nguồn lực hàng hóa và tài chính.
Tuy nhiên, mô hình này cũng khiến nhiều người phải trả giá. Một số cộng đồng từng có thời gian phát triển mạnh ở Mỹ và Tây Âu trở nên khó khăn khi mà nhiều công việc sản xuất được chuyển sang các nước châu Á. Nỗi lo về môi trường dâng cao khi kinh tế toàn cầu tiêu thụ thêm tài nguyên thiên nhiên. Nhiều nước đương đầu với tình trạng rút vốn nguy hiểm bởi dòng vốn ngoại liên tục được đưa vào và rút ra.
Và việc đảo ngược xu thế hội nhập toàn cầu, dù vì lý do an ninh quốc gia, đối đầu chính trị hoặc nỗi lo về chuỗi cung ứng, cũng đều gây ra những hậu quả, các chuyên gia kinh tế khẳng định.
"Thế giới đang trở nên ngày một hướng nội và giảm dần thương mại cũng như đầu tư tự do. Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc hiện đang trong quá trình cạnh tranh trợ cấp, những nước thua cuộc là nước nghèo với ít tài nguyên tài chính", cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ hiện đang điều hành bộ phận thị trường mới nổi tại quỹ TCW – ông David Loevinger phân tích.
Kẻ thắng, người thua
Là nước dẫn đầu trong cuộc chạy đua trợ cấp, nước Mỹ đang trải qua quá trình bùng nổ về đầu tư. Nước Mỹ chiếm đến 22% tổng đầu tư trực tiếp toàn cầu vào năm ngoái và là nước nhận FDI lớn nhất thế giới, theo số liệu của Liên hợp quốc. Tỷ lệ này thấp hơn chút so với con số 26% của năm 2021 khi đầu tư toàn cầu phục hồi sau khoảng thời gian u ám trong thời kỳ đại dịch COVID-19, tuy nhiên cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 13% vào năm 2019. Chi tiêu vào lĩnh vực xây dựng trong tháng 5/2023 tăng đến 76% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia.
Cuộc chạy đua trợ cấp có thể thấy rõ trong trường hợp khi mà tính cả lượng vốn huy động được, trong năm ngoái Nexeon nhận được khoảng 2 triệu bảng tức khoảng 2,55 triệu USD từ quỹ hỗ trợ của chính phủ Anh.
Tuy nhiên chỉ vài tuần sau đó, hai doanh nghiệp đối thủ của Nexeon là Sila Nanotechnologies và Group14 Technologies nhận được đến 100 triệu USD từ Bộ Năng lượng Mỹ theo chương trình trợ cấp sản xuất pin được đưa ra theo điều luật hạ tầng năm 2021.
Một giải pháp quan trọng cho những nước không thể cạnh tranh trong cuộc đua này chính là thu hút các đối tác thương mại giàu có và hưởng lợi từ chính sách công nghiệp của họ, ví như Canada và Mexico từng làm thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ, theo phân tích của chuyên gia thương mại và cựu quan chức WB tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson – ông Chad Bown.
Chính phủ Indonesia trong khi đó cũng đang tham gia vào Khung Chính sách Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương – thỏa thuận kinh tế giúp cải thiện năng lực tiếp cận với các nguồn cung khoáng chất cần thiết để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của nước này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.