“Malaysia làm thế là không công bằng. Họ chỉ nên chọn mã số trước để sao cho được chơi trận mở màn”, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá bóng đá Indonesia (PSSI) Joko Driyono chia sẻ.
Trong điều lệ sơ bộ gửi các quốc gia khu vực mới đây, Malaysia được quyền chọn bảng đấu. Điều này mang lại lợi thế lớn cho chủ nhà SEA Games 29 bởi họ có thể tránh được bảng đấu mạnh, hoặc chọn bảng chỉ có năm đội để đá ít hơn một trận, giữ sức cho bán kết.
Malaysia vấp phải sự phản đối mạnh mẽ khi đưa ra luật được tự chọn bảng đấu tại SEA Games 29. Ảnh: Đức Đồng.
“PSSI sẽ gửi kiến nghị lên Uỷ ban Olympic, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á. Cách làm này tạo ra tiền lệ không tốt”, ông Joko nói thêm.
Liên đoàn bóng đá Lào cũng bức xúc với cách làm của chủ nhà Malaysia. Chủ tịch Viphet Shiharchack cho hay: “Chúng tôi rất bất ngờ. Cách thức mà Malaysia đưa ra không chấp nhận được. Uỷ ban Olympic Lào, Liên đoàn bóng đá Lào sẽ có công văn phản đối gửi lên Ban tổ chức SEA Games. Cuộc chơi cần công bằng”.
Trước đây, hai đội nhất và nhì tại kỳ SEA Games trước được chọn làm hạt giống hai bảng. Các đội sau đó sẽ phân cặp, bốc thăm chọn vị trí cho mình.
Liên đoàn bóng đá Việt Nam đi đầu trong việc gửi công văn lên Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), đề nghị xem xét cách thức bốc thăm mà Malaysia đưa ra. AFF không đồng tình với chủ nhà SEA Games 29, cam kết sẽ có tác động. Tuy nhiên, sân chơi này có đặc thù riêng, AFF không có quyền quyết mà phụ thuộc vào cuộc họp các Trưởng đoàn và các Uỷ ban Olympic.
“Chưa từng có tiền lệ chủ nhà được tự chọn bảng đấu tại SEA Games. Cách làm này không phù hợp. Liên đoàn bóng đá Myanmar sẽ gửi công văn phản đối”, Tổng thư ký của Liên đoàn bóng đá Myanmar KoKo chia sẻ.
Không chỉ ở môn bóng đá nam, chủ nhà Malaysia còn đòi được tự chọn bảng đấu ở một số môn khác như bóng đá nữ, futsal, bóng chuyền.
Lâm Thỏa (VNExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.