Cách ly xã hội chống dịch Covid-19, mỗi nơi một kiểu (Kỳ 1)

Bảo Linh Thứ ba, ngày 07/04/2020 11:16 AM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 nhưng không vận dụng sai, hiểu không đúng nghĩa cụm từ cách ly xã hội. Tuy nhiên, vẫn có một số địa phương "sáng tạo" cách ly xã hội gây phiền hà cho người dân, không đúng quy định pháp luật và tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận 0

LTS: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc. Đây là việc làm hết sức cần thiết để ngăn chặn dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. 

Các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và đạt được những hiệu quả ban đầu, số lượng người nhiễm Covid-19 đã giảm dần trong những ngày qua. 

Tuy nhiên, có một số địa phương vận dụng Chỉ thị 16 còn máy móc, có điểm sai, “chúng ta thực hiện nghiêm nhưng không vận dụng sai, hiểu không đúng nghĩa cụm từ cách ly xã hội” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 3/4. 

Kỳ 1: Dán bảng thông báo, "bêu tên" người cách ly xã hội trên loa

Nhiều người từ Hà Nội, TPHCM về quê ở Hà Tĩnh phải chịu những ánh mắt thiếu thiện cảm từ hàng xóm láng giềng, thậm chí bị "dán bảng tên" ngay trước cửa nhà để mọi người "tránh như tránh tà".

Ngày 2 lần "bêu tên" trên loa thôn, xã

Ngày 28/3, anh L.H.T (xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) trở về quê từ quận Long Biên (Hà Nội). Khi về đến nơi, anh đã xuống ngay trạm y tế xã để thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe, khai báo y tế và chấp hành đầy đủ quy định của địa phương.

Thế nhưng, sau đó người thanh niên này gặp phải nhiều tình huống khó xử, nằm ngoài dự kiến của anh.

img

Ngày 2 lượt sáng, chiều anh T bị đọc tên trên loa của thôn, xã. Ảnh minh họa. I.T

“Từ Hà Nội về tôi liền đi khai báo y tế, tự cách ly tại nhà 14 ngày, chấp hành đúng mọi yêu cầu của địa phương.  Tôi nghĩ rằng mọi chuyện như vậy là ổn, thế nhưng, những câu hỏi nửa đùa nửa thật “có mang Covid-19 về không” lặp đi lặp lại liên tục của hàng xóm, tôi cảm giác mình bị kỳ thị.

Hơn thế, cứ sáng rồi đến chiều, ngày 2 lần trên loa của xã, thôn đọc tên của những người vừa từ các thành phố lớn, con em đi làm ăn xa về quê, đang thực hiện tự cách ly tại nhà. Điều này làm cho tôi cảm thấy mình như thuộc diện tội phạm nguy hiểm hay bị truy nã. Chắc không phải mỗi tôi cảm thấy như vậy” – anh T. chia sẻ.

Cũng trở về từ Hà Nội, anh P.T.S (Thôn Vũng Tròn, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đang thực hiện tự cách ly tại nhà. Tương tự nhiều đồng hương, anh thực hiện kiểm tra sức khỏe, khai báo y tế tại trạm y tế xã đồng thời thực hiện tự cách ly tại nhà.

Anh S còn được phát 1 chiếc cặp nhiệt kế để tự kiểm tra thân nhiệt hàng ngày.

“Mình về quê giờ giống như bệnh nhân luôn, tên vang khắp xóm. Mình ở trong nhà với bố mẹ cũng bắt phải đeo khẩu trang, không được tiếp xúc gần, ngồi gần là bị soi. Như lần mình chuẩn bị đi tắm, cô hàng xóm sang xin ít rau đã nhắn tin nhắc nhở nếu không thực hiện đúng là cho đi cách ly y tế tập trung” – anh S nhớ lại.

Cùng xã với anh S., anh P.V.G (thôn Hà Trai) cũng đang thực hiện tự cách ly tại nhà từ ngày 28/3. Vợ con anh đã về nhà ông bà nội sinh sống để đảm bảo thực hiện việc cách ly xã hội của anh G.

Tuy nhiên, để "chắc ăn" hơn trước cổng nhà anh G được dán một tờ giấy thông báo “Gia đình đang có người bị cách ly”.

“Tôi thực hiện đúng hết tất cả các yêu cầu của chính quyền địa phương, cả xóm cũng biết mình vừa từ Hà Nội về rồi nhưng trước nhà vẫn dán tấm giấy thông báo đó, tôi cũng thấy hơi ngượng” – anh S chia sẻ.   

img

Trước cổng nhà anh G. được dán giấy thông báo "Gia đình đang có người cách ly". Ảnh: NVCC

Cách ly cả gia đình

Trao đổi với Dân Việt, bà Lê Thị Phượng – Phó Chủ tịch UBND xã Quang Diệm cho biết: “Sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng,  Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh, công văn của huyện, xã đã tiến hành họp và thống nhất, đối với cơ quan đoàn thể chủ yếu là làm việc trực tuyến và phân công lịch trực đối với lãnh đạo, cán bộ một cửa. Đối với nhân dân, trong thời gian 15 ngày cách ly sẽ thực hiện lên loa tuyên truyền vận động nhân dân từng gia đình tự cách ly nếu không cần thiết”.

Theo bà Phượng, xã Quang Diệm vẫn đang có tục lệ uống nước chè xanh, hàng xóm cùng ngồi giao lưu, gặp gỡ, bên cạnh đó, có một số người đang chưa hiểu hết việc cách ly tại nhà là thế nào.

“Mọi người đang nhầm tưởng cách ly là chỉ cách ly người trở về nhưng thực chất là phải cách ly cả gia đình!” – bà Phượng nói.

Về việc đọc tên trên loa khiến cho người ở xa về quê khiến cho người tự cách ly cảm thấy bị kỳ thị, bà Phượng cho rằng việc này là theo đề xuất từ các thôn lên xã. Bởi cán bộ thôn phản ánh, có một số công dân về tự cách ly tại nhà nhưng không tự cách ly lại đi lại giao lưu, gặp gỡ.

Gom hết còn hơn bỏ sót

Ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, khi người dân từ các địa phương khác trở về sẽ được UBND xã phát Quyết định về việc giao cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú phòng dịch Covid-19. 

Nội dung quyết định của UBND xã Quang Diệm không có căn cứ vào chỉ thị hay yêu cầu nào của cấp tỉnh, cấp huyện về vấn đề cách ly y tế, cách ly tập trung. Thế nhưng, UBND xã vẫn giao cách ly tại gia đình đối với công dân từ tỉnh thành khác về, thời gian 14 ngày. 

img

Quyết định cách ly 14 ngày đối với người dân địa phương từ tỉnh, thành có dịch Covid-19 của UBND xã Quang Diệm

Theo tìm hiểu của Dân Việt, ngày 1/4/2020 Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành Chỉ thị 43 về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, cũng không có nội dung nào về việc yêu cầu công dân từ địa phương khác về Hà Tĩnh phải thực hiện cách ly tại nhà. 

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cũng xác nhận địa phương này chưa có văn bản yêu cầu cách ly với người dân từ địa phương khác trở về mà chỉ khuyến cáo người dân thực hiện cách ly, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. 

Hiện địa phương này chỉ đang áp dụng cách ly tập trung với người trở về từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19. 

Ngày 1/4, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ (họp trực tuyến), Thủ tướng Chính phủ nói rõ cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân.

Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong toả xã hội mà chỉ hạn chế giao thông.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem