Cách mạng Tháng Mười Nga: Nền móng cho sự phát triển ổn định và tiến bộ của Thế giới

Thiên Lương Thứ ba, ngày 07/11/2023 16:31 PM (GMT+7)
Dù có nhiều ý kiến khác nhau về cuộc Cách mạng tháng Mười, nổ ra vào ngày 7/11/1917 tại nước Nga, nhưng không ai dám phủ nhận tầm ảnh hưởng sâu rộng của nó đến toàn bộ nhân loại, không chỉ tới hôm nay mà mãi mãi về sau.
Bình luận 0
Cách mạng Tháng Mười Nga: Nền móng cho sự phát triển ổn định và tiến bộ của Thế giới - Ảnh 1.

Ngay trong đêm 7/11/1917, Đại hội các Xô-viết được triệu tập, thành lập Chính quyền Xô-viết do Vladimir Ilyich Lenin đứng đầu. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Phản đề tích cực

Để hiểu rõ về cuộc cách mạng này, cần nhìn nhận vào bối cảnh thế giới lúc ấy. Sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, cùng với phát minh ra động cơ hơi nước, chủ nghĩa tư bản đã phát triển cực kỳ mạnh mẽ, dẫn đến dư thừa năng suất. 

Để có được thị trường mới nhằm duy trì tăng trưởng, các nước tư bản liên tục gây chiến khắp nơi, mở rộng thuộc địa. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra tại châu Âu. Hàng triệu người chết và mất tích. Các vấn đề giai cấp, phân biệt nam nữ, phân biệt chủng tộc, bất công xã hội đều rất nhức nhối ở mọi nơi trên thế giới.

Trong màn đêm ấy, nhân loại cần một phản đề tích cực để có thể vươn ra ngoài ánh sáng. Cuộc cách mạng tháng Mười nổ ra tại Nga là một tất yếu lịch sử, một phản đề với chủ nghĩa tư bản. Nước Nga thời đó tích lũy những cơ hội tốt nhất cho một cuộc cách mạng vô sản, lật đổ Sa Hoàng, một chế độ đã lỗi thời và không còn đại diện cho dân tộc được nữa. Với những tiềm lực vô biên của mình, nước Nga cũng đủ sức chống lại các thế lực muốn kìm hãm nó.

Thành quả của cách mạng

Các chi tiết liên quan đến diễn biến cách mạng tháng Mười đều có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng và trong các tài liệu. Một số sự thật cần quan tâm đến hơn chi tiết chính là thành quả của cách mạng, những ảnh hưởng của cách mạng đến nước Nga.

Các sắc lệnh đầu tiên của chính quyền Sô-viết được thông qua chính là Sắc lệnh hòa bình và Sắc lệnh ruộng đất. Chính quyền thực hiện các biện pháp nhằm thủ tiêu tàn tích của chế độ cũ như xóa bỏ phân biệt đẳng cấp, đặc quyền giáo hội, bất bình đẳng nam nữ. Đối với vấn đề dân tộc, chính quyền công bố bản Tuyên ngôn về quyền các dân tộc ở Nga, khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc và cho phép các dân tộc có quyền tự quyết, chẳng hạn như công nhận nền độc lập của Ba Lan, Phần Lan. Các cơ quan trung ương và Sô-viết các địa phương được thành lập.

Từ mùa xuân năm 1918, Sắc luật ruộng đất bắt đầu được thực hiện, nông dân Nga đã nhận miễn phí hơn 150 triệu hecta ruộng đất từ giai cấp địa chủ, tư sản, nhà thờ và hoàng gia. Nông dân Nga không còn phải nộp tô, được xóa nợ ngân hàng. Với việc tịch thu ruộng đất và nông cụ của địa chủ cũng như tịch thu một phần tài sản phú nông, quá trình trung nông hóa trong nông dân đã bắt đầu (từ 20% lên 60%). Giai cấp trung nông đã tin tưởng và đi theo Chính quyền Sô-viết.

Những chính sách vì dân trên đây của chính quyền Sô-viết đương nhiên đi ngược lại với quyền lợi của giới chủ, và nhà nước Sô-viết trở thành cái gai trong mắt các nước tư bản chủ nghĩa thời bấy giờ đơn giản vì giới chủ cảm thấy quyền lợi của họ bị đe dọa, có thể mất hết tài sản và những đặc quyền đặc lợi khi cuộc cách mạng tháng Mười ấy lan đến nước họ.

Chính vì lý do trên đây, sau cuộc cách mạng vĩ đại này, thế giới nhanh chóng phân chia thành 2 phe rõ rệt. Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội ở liên bang của mình, đồng thời giúp đỡ các dân tộc khác chiến đấu thoát khỏi chế độ thực dân. Các nước tư bản chủ nghĩa đương nhiên muốn duy trì hình thái tổ chức xã hội của mình, nhưng dưới áp lực từ Liên Xô, họ cũng phải có những cải cách mạnh mẽ để người dân có quyền làm chủ hơn, phụ nữ được bình đẳng hơn, người da màu có quyền, có tiếng nói, được tham gia vào hệ thống chính trị. Mô hình xã hội của phương Tây hiện nay đã tiến bộ rất nhiều so với thời kỳ trước cách mạng tháng Mười.

Bước ngoặt của nước Nga và thế giới

Trên thực tế, bất chấp những tuyên truyền có chủ ý từ nhiều bên, Liên Xô vẫn là một siêu cường rất mạnh. Trước Cách mạng tháng Mười, nước Nga lạc hậu hàng chục năm so các nước phát triển khác. Hầu như mọi ngành công nghiệp của Nga nằm trong tay nước ngoài và ngay từ năm 1890, tư bản nước ngoài chiếm tới 47% vốn đầu tư ở Nga. Trên thực tế, vào năm 1914, dù là một đất nước chiếm một phần sáu diện tích thế giới nhưng tổng sản lượng công nghiệp của nước Nga chỉ chiếm 4% tổng sản lượng công nghiệp toàn cầu. 

Sau cách mạng, Liên Xô phát triển thần kỳ. Đến năm 1940, tổng sản lượng kinh tế (GDP) của Liên Xô (quy đổi theo thời giá USD năm 1990) đạt 417 tỷ USD, so với Anh là 316 tỷ USD, Pháp là 164 tỷ USD, Đức là 387 tỷ USD, Nhật Bản là 192 tỷ USD. Nền kinh tế Liên Xô đã có quy mô đứng đầu châu Âu và đứng thứ 2 thế giới, chỉ kém Mỹ (943 tỷ USD).

Trong lịch sử, nước Anh cần 200 năm để trở thành một nước công nghiệp, nước Mỹ cần 120 năm, Nhật Bản cần 40 năm. Trong khi đó, Liên Xô chỉ cần 18 năm để hoàn thành về cơ bản quá trình công nghiệp hóa của mình. Đây là tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất mà thế giới từng ghi nhận.

Đến cuối những năm 1980, Liên Xô vẫn duy trì được vị thế siêu cường, có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) với GDP theo sức mua tương đương đạt 2,66 nghìn tỷ USD (năm 1990). Thu nhập bình quân đầu người của Liên Xô đạt 9.500 USD, của Nhật là 15.600 USD, Mỹ là 21.082 USD.

Ngoài ra, Liên Xô còn là cường quốc đi đầu trong khám phá vũ trụ, khai thác năng lượng hạt nhân, thể thao, y tế, giáo dục.

Cuộc cách mạng tháng Mười đã đặt nền móng cho sự phát triển ổn định và tiến bộ của thế giới, giúp chấm dứt tệ nạn người bóc lột người, giải phóng phụ nữ, chấm dứt sự phân biệt chủng tộc, xây dựng xã hội công bằng và chủ nghĩa xã hội. Liên Xô đã trở thành một siêu cường kinh tế, khoa học và công nghệ cũng nhờ những thành quả của cuộc cách mạng này, và mô hình kinh tế Xã hội chủ nghĩa đã chứng minh được hiệu quả của mình ngay tại quê hương của nó.

Rất nhiều nước được giải phóng nhờ ảnh hưởng từ cách mạng tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã khẳng định: "Việt Nam có câu tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem