Sự bí ẩn ngày càng gia tăng khi lăng mộ Tutankhamun được khai mở, gây ra hàng loạt những sự kiện xui xẻo cũng như khiến nhiều người tiến vào khu hầm mộ phải “trả giá đắt”.
Người ta đồn rằng, chính lời nguyền kì quái trên lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun đã dẫn đến những cái chết bí ẩn của nhiều nhà khoa học và những người liên quan, từ đó tạo nên nhiều giai thoại chưa thể giải đáp khiến cả thế giới phải hoang mang và lo sợ.
Cái chết bí ẩn
Tutankamun là vị Pharaoh trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại, sinh vào khoảng năm 1341 TCN ở vùng Ankhetalen (ngày nay là Tell el Amarna). Tutankhamun lên ngôi năm 1332 TCN lúc vừa tròn 9 tuổi, là vị Pharaoh đời thứ 18 thuộc Vương triều Ai Cập.
Triều đại Tutankhamun được coi là thời kỳ hoàng kim rực rỡ nhất trong mọi triều đại Pharaoh khi Tutankhamun có công cải cách lại văn hóa tôn giáo từ những sai lầm mà người cha Akhenaten - một vị Pharaoh “dị giáo” chỉ tôn thờ thần Aten - để lại.
Tuy nhiên, khi vừa tròn 18 tuổi, Pharaoh Tutankhamun đột ngột qua đời một cách bí ẩn, mang theo xuống lăng mộ cuộc đời nhuốm màu thần bí của mình.
Howard Carter (phải) và Carnavon (trái) là hai trong số nhiều nạn nhân của “lời nguyền Tutankhamun”.
Có thể nói, cả cuộc đời Tutankhamun là một chuỗi những bí ẩn, mà cho đến nay chưa ai có thể làm sáng tỏ. Bắt đầu từ việc đưa ra ánh sáng những mưu đồ trong hoàng tộc bao quanh vị Pharaoh trẻ tuổi.
Sự kiện Tutankhamun lên ngôi trị vì khi chưa tròn 10 tuổi, theo các nhà nghiên cứu, thực chất là do bàn tay thâu tóm và “múa rối” của tên quân sư gian trá Ay từng phụng sự Akhenaten. Vua Tut lúc đó chỉ mới là một đứa trẻ và Ay đã khống chế ông nhằm thao túng bộ máy chính quyền Ai Cập, từ đó chia cắt đất nước.
Sau tang lễ của vua Tut, Ay đã kết hôn với vợ ông là Ankhsenamun và lên ngôi trở thành Pharaoh. Sự “trùng hợp” đến lạ thường này làm nảy sinh hoài nghi rằng liệu có phải chính Ay đứng sau màn kịch “thao túng” Tutankhamun trẻ tuổi, để rồi ra tay sát hại ông, và sau cùng đoạt quyền cai trị Ai Cập?
Trên thực tế, xác ướp Pharaoh Tutankhamun đã được nghiên cứu trực tiếp nhiều lần nhằm xác định chính xác nguyên nhân cái chết của ông.
Trong đó, phát hiện quan trọng hơn cả là mảnh xương vỡ trên sọ của Tutankhamun thông qua chụp X-quang vào năm 1968, từ đó bắt đầu xuất hiện tin đồn vị Pharaoh trẻ này bị giết hại. Tuy nhiên, gần đây, giới nghiên cứu đã xác định rằng chấn thương trên hộp sọ xảy ra sau khi chết, có thể là trong quá trình ướp xác hoặc do sự khai quật của các nhà khảo cổ.
Điều khó hiểu là, chụp cắt lớp cho thấy xương đùi trái của Tutankhamun bị gãy, có lưu dấu vết của dung dịch ướp xác. Giả thuyết mới được đưa ra là: Tutankhamun phải chịu đựng vết thương không thể lành, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu nặng và cuối cùng buộc phải chấp nhận cái chết.
Trong khi đó, một số kết quả nghiên cứu khác lại khẳng định Tutankhamun đã bị sốt rét nặng và mắc rất nhiều bệnh di truyền khi còn sống nên không thể “thọ” quá 20 tuổi. Điều ngạc nhiên là, theo kết quả chụp cắt lớp, một chân của Tutankhamun bị gẫy và xương sống của vị vua trẻ bị cong vẹo nghiêm trọng.
Có vẻ như Tutankhamun không hề tráng kiện, mà vị Pharaoh này có thân thể gầy gò, chân phải thiếu ngón, chân trái dị dạng, và đi lại phải dựa vào gậy.
Một bí ẩn mới cần được giải đáp: điều gì đã khiến một chàng trai mới 18 tuổi phải chịu những dị tật này? Kết quả phân tích ADN trên hài cốt của vua Tut và họ hàng đã gây sốc dư luận.
Theo đó, sự ra đời của vị Pharaoh có thể là kết quả của mối tình loạn luân giữa Akhenaten với một trong các người chị.
Ở vào thời điểm đó, giao phối cận huyết đã lan tràn rộng rãi trong các hoàng gia Ai Cập cổ đại khi những người tự coi mình là hậu duệ của các vị thần và mong muốn duy trì dòng máu tinh khiết.
Từ đây lại xuất hiện một nghi vấn khó hiểu: ai mới thực sự là mẹ của vị Pharaoh này? Tutankhamun ban đầu tên là Tutankhaten, có nghĩa “hiện thân của Aten”, sau đó đổi tên thành Tutankhamun có nghĩa là “hiện thân của Amun” - người trị vì thành Heliopolis vùng thượng Ai Cập - khi cha ông qua đời.
Một số nhà nghiên cứu tin rằng, Tutankhamun là con ruột của Akhenaten và nữ hoàng Nefertiti, trong khi xuất hiện một số quan điểm khẳng định vợ hai Kiya của Akhenaten mới là người hạ sinh Tutankhamun. Các phân tích ADN trên một số xác ướp được tìm thấy trong Thung lũng của các vị vua Ai Cập đã chỉ rõ vị trí ngôi mộ của cha mẹ Tutankhamun, xong vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn danh tính. Chỉ biết rằng, những xác ướp này là những họ hàng rất gần của vua Tut.
Lời nguyền chết chóc
Câu chuyện về Tutankhamun càng trở nên hấp dẫn, không chỉ bởi những đồn đoán không ngừng sau cái chết bí ẩn của ông, mà còn xuất phát từ chính việc khai quật lăng mộ vị Pharaoh này.
Hầm mộ bị khai quật là động thái “đánh thức giấc ngủ dài” của Pharaoh Tutankhamun và khởi động một loạt lời nguyền chết chóc.
Trong khi các nhà khoa học “lao tâm khổ tứ” đi tìm sự thật về cái chết của vị Pharaoh trẻ tuổi thì cũng là lúc xảy ra hàng loạt những hiện tượng kỳ quái và những cái chết của những người có liên quan tới khu hầm mộ Tutankhamun.
Truyền thuyết kể rằng hầm mộ bị khai quật là động thái “đánh thức giấc ngủ dài” của Pharaoh Tutankhamun và khởi động một lời nguyền chết chóc giáng lên những người có liên quan vì đã “xâm phạm giấc ngủ của Ngài”, rằng “bất cứ kẻ nào vào mộ với tâm hồn đen tối, Ngài sẽ bóp cổ hắn như bóp nát một con chim”.
Câu chuyện bắt đầu với nhà khảo cổ học Howard Carter – người dẫn đầu đoàn khảo cổ phát hiện ra ngôi mộ của vua Tut vào ngày 4-11-1929. Đây là sự kiện gây chấn động thời bấy giờ, tạo nên bước đột phá trong lĩnh vực khảo cổ học.
Thế nhưng, vào đúng ngày tìm thấy lăng mộ, Howard trở về nhà và nhận ra rằng con chim hoàng yến của ông đã bị rắn hổ mang ăn thịt. Với người Ai Cập, rắn hổ mang được coi là biểu tượng của người canh giữ lăng mộ.
Sau đó, “lời nguyền Tutankhamun” lại ứng nghiệm với Carnavon - nhà tài trợ cho cuộc khai quật hầm mộ khi ông qua đời vì một vết muỗi cắn.
Một điều trùng hợp đáng sợ là, hai ngày sau khi Carnavon qua đời, xác ướp Tutankhamun được kiểm tra và các nhà nghiên cứu đã phát hiện một vết đỏ ở vị trí tương tự vết muỗi cắn của Carnavon trên khuôn mặt vị vua trẻ.
“Lời nguyền Tutankhamun” tiếp tục “ám” nhà khảo cổ học Arthur Mace thuộc nhóm nghiên cứu khai quật lăng mộ. Ông rơi vào trạng thái hôn mê rồi qua đời mà không rõ nguyên nhân. Những ngày tiếp đó, một chuỗi những cái chết bí hiểm tiếp tục phủ bóng đen lên dự án của Howard Carter.
Trong suốt những năm từ 1923 tới 1934, ở London (Anh) rộ lên câu chuyện về lời nguyền liên quan tới xác ướp của một vị Pharaoh Ai Cập cổ đại trẻ tuổi do nhà khảo cổ Howard Carter khai quật.
Cụ thể, hơn 20 người liên quan đến việc khai quật hầm mộ của Pharaoh Tutankhamun đều chết một cách hết sức kỳ lạ và bí ẩn trong những năm sau đó.
Nhân vật chính Howard Carter - người trực tiếp mở cửa lăng mộ - sau đúng một thập kỷ đã qua đời vào ngày 2.3.1939 do chứng ung thư hạch quái ác.
Tuy nhiên, lời nguyền Tutnakhanmun còn tiếp diễn và xảy ra với những người quấy nhiễu lăng mộ và xác ướp trong nhiều thập kỷ sau. Năm 1972, bảo tàng Anh tiếp nhận kho báu trong lăng mộ vua Tutankhanmun để trưng bày.
Giám đốc ban di sản là tiến sĩ Gamal Mehrez đã cười nhạo “lời nguyền Tutankhamun” và nói rằng tất cả những cái chết và bất hạnh của những người liên quan tới lăng mộ chỉ là sự “trùng hợp ngẫu nhiên”.
Ngay sau đó, khi đang giám sát việc đóng gói các hiện vật được chuyển tới bảo tàng, ông đã qua đời một cách bí hiểm. Ngay cả những thành viên của phi hành đoàn trên chuyến bay chở những cổ vật Tutankhamun cũng gặp những điều không may.
Đơn cử như kỹ sư hàng không Ken Parkinson bị liên tiếp những cơn đau tim định kỳ hàng năm vào đúng ngày chuyến bay chở kho báu đến Anh vào năm 1972, và cuối cùng qua đời vào năm 1978.
Dù nhiều nhà khoa học cho rằng nguyên nhân dẫn đến chuỗi cái chết của những nạn nhân xấu số là do nhiều loại vi khuẩn lâu năm, hay các loại khí độc hại với nồng độ cao trong môi trường ẩm ướt của hầm mộ, nhưng vẫn có rất nhiều tranh cãi nổ ra về sức mạnh tâm linh của “lời nguyền Tutankhamun” hơn 3000 năm tuổi.
Một số nhà nghiên cứu còn nhận định, lời nguyền thực chất là một chiến thuật đánh vào tâm lý con người của người Ai Cập.
Theo đó, những cái chết đáng ngờ và nỗi bất hạnh khủng khiếp kia có thể do các vị quan tư tế tạo ra để bảo vệ lăng mộ của vua Tut. Nhiều cá nhân hoài nghi về sự linh ứng của lời nguyền chết chóc khi chỉ ra rằng chỉ có vài người đột ngột chết một cách đáng ngờ, trong khi đó những người còn lại qua đời vì tuổi già hay bệnh nan y.
Thậm chí có nhiều cá nhân vẫn sống khỏe mạnh. Tuy vậy, dù có bất kỳ suy luận nào đi chăng nữa thì “lời nguyền Tutankhamun” vẫn là một bài toán “hóc búa” mà cả thế giới truy tìm suốt gần 100 năm qua.
Việt Dũng (Công An Nhân Dân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.