HIỂM HỌA TỪ VẬN TẢI BIỂN
Trước đây nhiều người cho rằng Cái chết Đen bắt nguồn từ Trung Quốc, song những nghiên cứu mới cho thấy nó bắt đầu vào mùa xuân năm 1346 ở vùng thảo nguyên chứa nhiều ổ dịch trải dài từ vùng duyên hải tây bắc Biển Caspi tới miền Nam nước Nga. Thậm chí đến nay vẫn có người thỉnh thoảng bị mắc bệnh. Hai bản sử ký đương đại xác định vùng cửa sông Đông - dòng sông chảy ra Biển Azov - là khu vực khởi phát của dịch bệnh.
Lộ trình lan truyền của Cái chết Đen.
Tuy nhiên, đó có thể chỉ là những suy đoán và dịch bệnh có thể bắt nguồn từ những nơi khác, như khu vực cửa sông Volga chảy ra Biển Caspi. Khi đó, khu vực này nằm dưới sự cai trị của Hãn quốc Mông Cổ. Vài thập kỷ trước đó, Hãn quốc Mông Cổ cải sang đạo Hồi và không chấp nhận sự hiện diện của người Cơ đốc giáo cũng như hoạt động giao thương với họ. Kết quả là, những tuyến thương mại trên Con đường Tơ lụa giữa Trung Quốc và châu Âu bị cắt đứt. Theo đó, Cái chết Đen không lan truyền từ phương Đông qua Nga đến Tây Âu, mà dừng lại đột ngột trên biên giới Mông Cổ với các công quốc Nga.
Trên thực tế đại dịch bắt đầu bằng một cuộc tấn công của người Mông Cổ nhằm vào trạm giao thương cuối cùng của các lái buôn Italy - Kaffa (nay là Feodosiya) ở Crimea. Mùa thu năm 1346, dịch bệnh bùng phát trong các binh sĩ vây hãm rồi xâm nhập vào thị trấn. Khi mùa xuân đến, người Italy bỏ chạy trên những con tàu và Cái chết Đen “âm thầm” đồng hành với họ.
Các con tàu di chuyển với tốc độ trung bình khoảng 40 km/ngày, tương đối chậm so với ngày nay. Tuy nhiên, tốc độ đó cũng đồng nghĩa với việc Cái chết Đen dễ dàng lan xa tới 600 km trong hai tuần bởi một con tàu - một mức độ phát tán đáng kinh ngạc và khó lường theo thuật ngữ đương đại. Trên bộ, dịch bệnh lây lan với tốc độ trung bình chậm hơn nhiều, tối đa 2 km/ngày theo các tuyến đường chính tấp nập nhất và khoảng 0,6 km/ngày theo những tuyến đường thứ cấp.
Các tàu Italy mang theo Cái chết Đen từ Kaffa đến Constantinople (Istanbul) vào tháng 5.1347. Dịch bệnh bùng phát ở đó vào đầu tháng 7 cùng năm và ở Trung Đông - Bắc Phi trong khoảng ngày 1.9 sau khi đến Alexandria (Ai Cập) trên tàu vận tải từ Constantinople. Dịch cũng bắt đầu lan truyền từ Constantinople sang các trung tâm thương mại ven Địa Trung Hải của châu Âu từ mùa thu năm 1347.
Ở một số thành phố có tới 800 người chết một ngày.
Các thương lái Italy dường như đã rời Constantinople vài tháng sau đó và trở về quê nhà của họ ở Genoa và Venice với dịch bệnh trên những con tàu. Trên đường trở về, các con tàu từ Genoa cũng làm lây nhiễm thành phố cảng Pisa ở Florence. Những thành phố thương mại lớn này đã đóng vai trò như những đầu cầu giúp dịch bệnh “xâm chiếm” châu Âu.
Tại khu vực Địa Trung Hải thuộc châu Âu, Marseilles (Pháp) là trung tâm phát tán dịch lớn đầu tiên. Sự lây lan lên phía bắc đến thung lũng Rhone cho tới Lyon và về phía tây nam dọc các vùng duyên hải tới Tây Ban Nha, diễn ra với tốc độ kinh hoàng bất chấp những tháng ngày mùa đông lạnh lẽo với rất ít hoạt động vận tải biển. Đến tháng 3.1348, các khu vực ven Địa Trung Hải của Lyon và Tây Ban Nha đều bị dịch bệnh tấn công.
Từ cuối tháng 3, đầu mối thương mại Bordeaux (Pháp) ven Đại Tây Dương cũng trở thành trung tâm phát tán dịch bệnh mới. Cuối tháng 4, một con tàu chứa mầm bệnh khác khởi hành từ Bordeaux đã đến Rouen thuộc vùng Normandy. Từ đây, vào tháng 6, một mặt trận dịch bệnh nữa lan truyền về phía tây đến Brittany, về phía đông nam đến Paris và phía bắc theo hướng các vùng trũng duyên hải Tây Âu (Hà Lan, Bỉ).
Vào khoảng ngày 8.5, một con tàu nữa rời Bordeaux mang theo Cái chết Đen đến thị trấn Melcombe Regis của Anh. Dịch bệnh bùng phát ngay trước ngày 24.6. Từ Melcombe Regis, dịch bệnh lan truyền không chỉ bằng đường bộ mà còn bằng đường biển với tốc độ chóng mặt. London bị lây nhiễm vào đầu tháng 8. Các thị trấn cảng biển thương mại như Colchester và Harwich cũng đã nhiễm dịch vào cùng khoảng thời gian này.
Cái chết Đen xuất hiện ở Oslo vào mùa thu năm 1348 và chắc chắn là đến theo một con tàu từ miền Đông Nam nước Anh, quốc gia có quan hệ thương mại sôi động với Na Uy. Dịch bệnh tại Na Uy nổ ra thậm chí trước khi nó xâm nhập được vào miền Nam nước Đức qua đường bộ - diễn biến một lần nữa cho thấy tác động to lớn của hoạt động vận tải tàu biển và tốc độ lây lan chậm chạp trên đất liền. Dịch bệnh ở Oslo chấm dứt khi mùa đông đến nhưng trở lại vào đầu mùa xuân.
Sau khi đến Oslo, bệnh dịch hạch tiếp tục lây lan tới những nơi khác ở Bắc Âu. Vận tải biển tiếp tục đóng một vai trò then chốt. Lần này chủ yếu là thông qua các tàu thuộc Liên minh Hanse (một liên minh tồn tại từ giữa thế kỷ 13 cho đến giữa thế kỷ 17 với mục đích cùng nhau bảo đảm an ninh của các tàu buôn và đại diện quyền lợi kinh tế chung) rời bỏ trung tâm giao thương của họ ở Oslo với hàng hóa đã mua trong mùa đông.
Trên đường trở về quê nhà, con tàu đã khiến Cảng biển Halmstad (Thụy Điển) bị lây nhiễm vào đầu tháng 7. Và đây là “tiền trạm” cho Cái chết Đen “đổ bộ” vào Đan Mạch cũng như Thụy Điển. Các tàu này sau đó cũng đưa Cái chết Đen tới một số thành phố khác thuộc Liên minh Hanse nằm ven cả Biển Baltic và Biển Bắc. Đến mùa xuân năm 1350, một ổ dịch ở miền Bắc nước Đức xuất hiện và lây lan về phía nam, hòa vào ổ dịch hình thành ở miền Nam nước Đức từ mùa hè năm 1349 với nguồn lây nhiễm từ Áo và Thụy Sĩ.
Huy Lê (Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.