Cái chết Đen (Kỳ cuối): Nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhân loại

Thứ ba, ngày 26/06/2018 16:07 PM (GMT+7)
Napoleon không thể chinh phục nước Nga, Hitler cũng vậy nhưng Cái chết Đen thì ngược lại. Nó xâm nhập thành bang Novgorod từ cuối mùa thu năm 1351 rồi đến thị trấn Pskov ngay trước khi khí lạnh của mùa đông xuất hiện và kìm hãm dịch bệnh. Do đó dịch bệnh không bùng phát mạnh cho đến đầu mùa xuân năm 1352.
Bình luận 0

BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ

Năm 1353, đến lượt Moskva bị hoành hành và dịch bệnh cũng tiến đến biên giới Hãn quốc Mông Cổ rồi tắt dần ở đó. Theo lộ trình này thì dịch bệnh bắt nguồn từ phương Tây. Ba Lan bị đại dịch tràn vào từ nguồn bệnh ở Elbing, ổ dịch miền Bắc nước Đức và dường như từ phía nam qua biên giới của Slovakia thông qua Hungary. Iceland và Phần Lan là những khu vực duy nhất tránh được đại dịch bởi các nước này có quy mô dân số nhỏ và có rất ít tiếp xúc với bên ngoài.

img

Bệnh dịch hạch tàn phá các thành phố châu Âu như Florence.

Vậy rốt cuộc bao nhiêu người là nạn nhân của Cái chết Đen. Các nhà nghiên cứu trước đây từng thống nhất quan điểm rằng đại dịch này đã làm giảm từ 20 - 30% dân số châu Âu. Tuy nhiên, cho đến năm 1960, chỉ có một số ít công trình nghiên cứu về con số tử vong ở người dân bình thường, do đó cơ sở của đánh giá trên là không chắc chắn. Từ năm 1960, nhiều nghiên cứu đối với các khu vực khác nhau của châu Âu đã được công bố. Chúng đã được đối chiếu với nhau và giúp đưa đến kết luận rằng những ước tính trước đó chỉ bằng một nửa so với con số tử vong thực tế.

Trước sức lây truyền như vũ bão của thảm họa Cái chết Đen, chính phủ các nước châu Âu gần như tê liệt hoàn toàn. Ở một số thành phố trong một ngày thậm chí có tới 800 người tử vong. Những nhà khoa học hàng đầu thời điểm đó đã không thể đưa ra một biện pháp đối phó nào vì họ không thể tìm ra nguyên nhân hoặc cách thức lây lan của đại dịch. Họ thậm chí còn không đủ thời gian để nghiên cứu bởi chính mình cũng trở thành nạn nhân.

img

Đã có nhiều cải tiến về bệnh viện và điều trị sau Cái chết Đen.

Theo chuyên gia về lịch sử Trung Cổ Philip Daileader thì kết quả các cuộc nghiên cứu cho thấy chừng 45 - 50% dân số châu Âu chết chỉ trong vòng bốn năm, các quốc gia ở khu vực Địa Trung Hải như miền Nam nước Pháp, Tây Ban Nha, tỷ lệ dân số tử vong có lẽ lên tới 75 - 80% trong khi ở các nước phía bắc như Đức hay Anh, con số này dừng lại ở chừng 20%. Tại khu vực Trung Đông gồm Iraq, Iran và Syria, số người chết là vào khoảng một phần ba dân số. Ước chừng 40% dân số Ai Cập đã chết trong lần đại dịch này.

Vì nhiều lý do mà tỷ lệ tử vong do bệnh dịch hạch ở phụ nữ và trẻ em cao hơn so với nam giới trưởng thành. Một số cuộc điều tra dân số do các thành bang ở Tuscany (Italy) thực hiện nhằm nắm bắt nhu cầu về ngũ cốc hay muối hiện vẫn còn được lưu giữ. Số liệu cho thấy các hộ gia đình ở vùng nông thôn trung bình giảm từ 4,5 xuống 4 thành viên và ở các trung tâm đô thị giảm từ 4 xuống còn 3,5 thành viên. Tất cả các nguồn tài liệu từ thời trung cổ cho phép tiến hành nghiên cứu về quy mô và thành phần các hộ gia đình cũng đưa đến những số liệu tương tự, từ Italy ở Nam Âu cho đến Anh ở Tây Âu và Na Uy ở Bắc Âu.

Nghiên cứu kỹ về các số liệu tử vong có sẵn đã chỉ ra hai đặc điểm nổi bật liên quan đến các nạn nhân của Cái chết Đen, đó là tỷ lệ tử vong cực cao do bệnh dịch hạch và sự giống nhau đến lạ thường của tỷ lệ tử vong tại các khu vực khác nhau, từ Tây Ban Nha ở Nam Âu cho đến Anh ở Tây Bắc Âu.

Các học giả nói chung cho rằng quy mô dân số châu Âu vào thời kỳ đó là khoảng 80 triệu người và các số liệu phổ biến cho thấy Cái chết Đen đã làm biến mất đến 60% dân số châu lục này, tương đương với khoảng 50 triệu người. Đây quả là con số không thể tin nổi, làm lu mờ ngay cả những thiệt hại khủng khiếp nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Làm biến mất một phần dân số toàn cầu chỉ trong vẻn vẹn vài năm từ 1346 - 1353, Cái chết Đen thực sự là một thảm họa có một không hai, đến mức tạo ra cả bước ngoặt trong lịch sử nhân loại.

Theo các sử gia, sự tàn phá khủng khiếp của Cái chết Đen đã gần như đảo lộn hoàn toàn lục địa già, dẫn đến sự ra đời của nhiều tôn giáo mới hay chuyển đổi cơ bản về kinh tế và xã hội. Những thay đổi ấy ảnh hưởng sâu sắc tới tiến trình lịch sử của châu lục này. Ước tính châu Âu phải mất tới 150 năm để phục hồi dân số như thời gian trước đại dịch. Sau này bệnh dịch hạch còn nhiều lần bùng phát trở lại tại đây và nó chỉ biến mất vào thế kỷ 19.

Bất chấp những hậu quả nặng nề do Cái chết Đen, châu Âu đã cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên với những đột phá lớn lao, mà trước hết là những cải tiến về sức khỏe nhờ biến thể gene đặc biệt thông qua quá trình được gọi là lựa chọn tích cực. Ngoài ra còn có những cải tiến vượt bậc về bệnh viện, sự chuyển đổi rõ rệt trong lĩnh vực điều trị; sự phát triển của ngành xây dựng, kiến trúc với các thiết kế đơn giản, chú trọng đến không gian riêng tư trong khi nhà được xây với các bức tường chia phòng, sạch sẽ và thoải mái hơn nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Cái chết Đen thực sự đã để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với toàn nhân loại. Phải mất hàng trăm năm người ta mới có thể kiểm soát được đại dịch và cũng cho tới tận hàng trăm năm sau, các nhà khoa học mới tìm ra phương pháp điều trị căn bệnh chết chóc này.

Huy Lê (Báo Tin Tức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem