Những ngày vừa qua, 16 pho tượng La Hán làm bằng đá ngọc trắng nguyên khối tại chùa Khánh Long (xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội) đã bị phá hoại.
Sau khi nhận tin báo lần đầu, Công an xã Vĩnh Ngọc đã đến hiện trường kiểm tra, ghi nhận 12 pho tượng bị phá hoại. Nhưng sau đó hơn 1 tuần, những kẻ xấu không ngần ngại tiếp tục đập phá thêm 4 pho tượng nữa, 2 con nghê chưa kịp an vị cũng bị kẻ xấu đập vỡ phần tai.
Các pho tượng đều bị đập phá ở các vị trí dễ vỡ nhất là ngón tay, ngón chân và tai. Cá biệt, một số pho tượng còn bị đập gãy rời cả bàn tay.
Mỗi pho tượng đều được làm từ đá ngọc trắng nguyên khối. Chiều cao của những pho tượng La Hán là 3 mét.
Đại đức Thích Thanh Khánh chia sẻ: "Cả 18 pho tượng La Hán được làm bằng đá ngọc trắng nguyên khối, do các phật tử thập phương phát tâm công đức. Bây giờ để xảy ra sự việc này, khiến uy tín và các vấn đề tâm linh của nhà chùa bị ảnh hưởng rất nhiều trong con mắt phật tử các nơi và người dân địa phương".
Những mảnh vỡ bị phá được nhà chùa để ngay phía dưới chân tượng.
Các đầu ngón tay bị kẻ xấu dùng gạch, đá đập vỡ. Hiện tại những vết phá vỡ còn dính màu đỏ của gạch.
Một bức tượng gãy rời hai bàn tay sau 2 lần bị phá.
Được biết, do các pho tượng đều được làm từ đá ngọc trắng nguyên khối nên việc hàn gắn các "vết thương" sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững của các pho tượng. Đặc biệt một số pho tượng không thể hàn gắn lại được.
“18 pho tượng La Hán và tượng Quán Thế Âm Bồ Tát mới được an vị cuối năm 2018 thì nay đã bị đập phá", trụ trì chùa Khánh Long cho biết.
Nhiều người dân khi đến lễ chùa đều bày tỏ bức xúc trước việc hàng chục pho tượng ở chùa bị phá và hy vọng cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ để nhân dân phật tử cũng như nhà chùa yên tâm.
Bí thư xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội) Nguyễn Bình Sơn cũng đã xác nhận sự việc và cho biết hiện cơ quan chức năng đang rốt ráo vào cuộc, điều tra làm rõ để xử lý những đối tượng gây ra hành vi phá hoại này. Lãnh đạo địa phương cũng nghi ngờ kẻ đập phá các pho tượng có thể là thanh niên sử dụng ma túy bị ảo giác.
Chùa Khánh Long trước đây có tên gọi là chùa Quốc Sư. Tương truyền, chùa được xây dựng từ đời Trần. Trải qua thăng trầm lịch sử, ngôi Tam Bảo cổ kính không còn. Sau ngày hòa bình lập lại, người dân địa phương dựng tạm một ngôi chùa để thờ Phật. Hiện nay, di vật cổ của chùa còn lại là tấm bia đá hình trụ để ở ngoài sân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.