Cận cảnh cầu thủ xuất sắc nhất giải bóng đá nông dân toàn quốc

Thứ hai, ngày 07/02/2011 07:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khác hoàn toàn với lối đi bóng lắt léo và thông minh trên sân cỏ, Vy Thanh Khiêm khi đã treo giày lên... xe đạp, trông anh nhút nhát như cô dâu mới về nhà chồng.
Bình luận 0
 img
Vy Thanh Khiêm (thứ ba từ trái sang) tại lễ trao thưởng giải Bóng đá nông dân toàn quốc.

Hỏi chi thì trả lời nấy, không thêm không bớt, chỗ nào "hỏi khó" thì Khiêm cười trừ.

Từ cầu thủ của "banh bẹ chuối"

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Bình Hiệp (Bình Sơn, Quảng Ngãi), như bao đứa trẻ vùng quê khác, Khiêm lớn lên cùng lúa ngô khoai sắn. Tuổi thơ của Khiêm gắn với lưng trâu sau những buổi học trường làng. Rời lưng trâu mỗi buổi chiều về, lũ trẻ con hai xóm của thôn Liên Trì lại quần nhau với trái banh. Làng quê ngày ấy - giữa những năm 90 của thế kỷ trước - còn nghèo lắm. Giấc mơ có một trái banh da "để đá cho sướng chân" mãi mãi chỉ là giấc mơ của lũ trẻ nghèo.

Tôi hỏi: "Khiêm làm gì với số tiền thưởng dành cho cầu thủ xuất sắc nhất giải". Anh cười hiền lành: "Nhà vẫn khổ nhưng đó như "lộc trời" mà anh, với lại, đó cũng là công sức của toàn đội nên...". Khiêm bỏ dở câu nói nhưng tôi biết, người nông dân quê tôi bao giờ cũng thế, luôn biết san sẻ với mọi người, dù là một phần thưởng cỏn con.

Nhưng để giải tỏa cơn khát được chơi với trái bóng tròn, đám trẻ con phải đi sâu vào núi, chặt những cây chuối dại trên rừng, bóc lấy vỏ rồi kết thành những trái bóng. "Ghiền đá banh quá mà làm như vậy chứ trái banh được đan bằng bẹ chuối ấy, chỉ "quần" một chặp nó lại bong ra.

Đan giỏi cho mấy đi nữa thì "nó" vẫn cứ méo, dùng hết sức đá thì "nó" vẫn chỉ bay chừng mươi mét là cùng. Banh rơi ở đâu thì nằm im đó chứ không nẩy lên như banh nhựa hoặc banh da" - Khiêm nhớ lại những năm anh cùng lũ trẻ đá bóng bằng "nguyên liệu" bẹ chuối.

Cuộc sống ở làng quê Khiêm ngày một khá lên, lũ trẻ mục đồng lại có điều kiện thay "banh chuối" bằng banh nhựa, nhưng "banh da" vẫn luôn là khát vọng lớn của chúng. Dù vậy, bãi cỏ của sân vận động xã Bình Hiệp luôn diễn ra những trận "thư hùng" giữa đám trẻ con hai xóm trên và dưới của thôn Liên Trì. Bất luận giữa trưa hè bỏng rát của nắng miền Trung hay những ngày hanh hao giữa hai đợt lũ, hễ rảnh rỗi giờ nào là lũ trẻ lại ra sân với đầu trần chân đất, quần nhau đến không còn nhìn thấy trái bóng bay về hướng nào nữa thì trận cầu mới kết thúc.

Và Vi Thanh Khiêm luôn là nguồn cảm hứng cho các cầu thủ nhí của xóm dưới mỗi lúc ra sân. Bà Trần Thị Yến, mẹ Khiêm, nhìn con âu yếm: "Nó ghiền đá banh đến mức có những bữa quên ăn cơm luôn. Có lẽ nhờ thế mà nó là đứa con khỏe mạnh nhất nhà đấy". Sau câu nói đầy vẻ hài lòng về đứa con trai, giọng bà Yến chợt rầu rầu: "Cả chị và em gái nó đều đau ốm quặt quẹo luôn, một cháu thì mất rồi. Còn cha nó thì nằm một chỗ đã mấy năm nay".

Ông Vy Xuân Ai, 50 tuổi, sau một lần đi xem đá bóng của đội Quảng Ngãi trong thị xã về, giữa đường gặp nạn rồi nằm bất động đã 5 năm qua. Nhà Khiêm chẳng khác nào một bệnh xá thu nhỏ. Trăm việc đều trút lên vai người đàn bà tần tảo là mẹ Khiêm. Xót cho số phận ba, thương cho sự tảo tần sớm hôm của mẹ, Khiêm đành gác lại niềm đam mê của thuở thiếu thời là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Học đến năm lớp 11, gia cảnh không cho phép cậu học trò trường làng theo đuổi con đường học vấn đến cùng, Khiêm lại "gắn" với đàn heo và mấy sào ruộng, những mong gánh bớt một phần nhọc nhằn cho mẹ. Thế rồi, đợt tuyển quân đầu năm 2008 đã kéo chàng thanh niên ra khỏi làng quê để trở thành chiến sĩ của một đơn vị đặc công thuộc Quân khu 5. Từ biệt trái banh nhựa của làng để thành anh bộ đội, một lần nữa, niềm đam mê thuở bé lại thức dậy trong Khiêm.

Đến "nhà vô địch" nông dân toàn quốc

Thời điểm Vy Thanh Khiêm nhập ngũ cũng là lúc đội bóng đá hạng nhất Quân khu 5 bắt đầu tan rã. Cánh cửa hy vọng để trở thành cầu thủ "đá sân lớn" đã khép lại với Khiêm. Sau những buổi tập ở thao trường, Vy Thanh Khiêm rất tích cực chơi các môn thể thao. Phát hiện ra "viên ngọc đen" này, đơn vị đã tiến cử anh tham gia hội thao toàn quân vào tháng 10 - 2009. Không phụ lòng tin của các thủ trưởng, anh đã phá kỷ lục toàn quân năm đó ở môn vượt vật cản K91 với 41'8 (kỷ lục cũ là 42'4).

Cuối năm đó, Khiêm xuất ngũ và trở về làng, những tưởng quên luôn chuyện banh bóng. Thế rồi, như một cái nghiệp, Khiêm lại có cơ hội thi tài với trái banh da khi huyện Bình Sơn tổ chức giải bóng đá toàn huyện. Lũ trẻ con của làng anh, từng là đồng đội một thời "banh bẹ chuối" lại ra sân với quần đùi áo số. Đội bóng xã Bình Hiệp của Khiêm vô địch toàn huyện Bình Sơn. Qua giải này, Khiêm đã lọt vô mắt xanh của các nhà tuyển trạch, những người chuyên đi lùng tìm vận động viên về đá cho các giải phong trào của tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày ngày chăm heo và mấy sào ruộng cùng mẹ nhưng hễ đơn vị nào "thuê", Khiêm lại xỏ giày lên đường. Cứ thế, hết giải này đến giải khác, Khiêm "cày ải" khắp các sân cỏ của tỉnh Quảng Ngãi. Tiếp nối các giải phong trào cấp tỉnh là vòng loại Giải bóng đá Nông dân toàn quốc diễn ra tại Quảng Ngãi. Và đội bóng của xứ sở mía đường đã thành đội đại diện cho nông dân miền Trung tham gia tranh tài toàn quốc tại Long An. Một lần nữa, ước mơ được đá sân lớn dưới ánh đèn cao áp lại thức dậy trong Khiêm.

"Em chưa biết miền Tây nên khi được tham gia Giải bóng đá Nông dân toàn quốc tại Long An, em rất háo hức. Cũng chỉ mong là được đến vùng đất đó để cho biết đó biết đây chứ đâu ngờ đội bóng đá nông dân Quảng Ngãi trở thành nhà vô địch và em được chọn là cầu thủ xuất sắc nhất giải"- Khiêm nói.

Vòng loại Giải bóng đá Nông dân toàn quốc Báo Nông thôn Ngày nay - Cúp VFA 2010 diễn ra tại 6 bảng từ 8-6 đến 1-8, đã chọn ra 8 đội dự VCK: Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang, Cà Mau, An Giang và chủ nhà Long An. VCK diễn ra từ 16 đến 25-9 với danh hiệu vô địch thuộc về Quảng Ngãi sau chiến thắng 1-0 trước Thái Nguyên trong trận chung kết. Hai đội thua ở bán kết là: Tiền Giang, Tây Ninh đồng nhận giải Ba.

 Kết thúc giải, BTC trao giải phong cách với phần thưởng 10 triệu đồng cho Thái Nguyên. Thủ môn Nguyễn Ngọc Nguyên (Quảng Ngãi) nhận 5 triệu đồng cho danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất. Danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải đồng "Vua phá lưới" với phần thưởng 5 triệu đồng/giải thuộc về tiền đạo Vy Thanh Khiêm (số 12, Quảng Ngãi, 6 bàn thắng). Danh hiệu đội CĐV được tổ chức tốt nhất với phần thưởng 5 triệu đồng thuộc về CĐV chủ nhà Long An.

Để chia sẻ những khó khăn của đồng bào vùng sâu vùng xa Long An, Ban tổ chức giải đã trao tặng 100 triệu đồng để xây dựng 5 căn nhà cho nông dân nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem