Clip: Con đường sẽ mang tên ông Trịnh Văn Bô - người hiến tặng hơn 5.000 lượng vàng cho Chính phủ
Mới đây, TP.Hà Nội vừa lên kế hoạch đặt tên 20 đường phố, trong đó có tên ông Trịnh Văn Bô (1914-1988), người tặng hơn 5.100 lượng vàng cho Chính phủ.
Con phố dự kiến mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô dài 1,2km, rộng 7,5m, từ đoạn ngã tư giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11 đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng.
Ngày 8.11, PV Dân Việt đã có mặt tại tuyến đường này. Theo đó tuyến đường hiện nay đang có tên gọi là “Đông Quan” với hàng trăm hộ dân sinh sống.
Tuyến đường có gần 20 ngõ nhỏ, có điểm nối với ngõ 58 đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy).
Ông Đinh Phú Trung, 72 tuổi (phường Quan Hoa, Cầu Giấy) cho biết, đường này từ trước tới nay chỉ đặt gọi tạm là Đông Quan, chưa được Hà Nội công nhận chính thức. Sở dĩ đường tên là Đông Quan vì trước đây có nhà máy Mì Đông Quan nên người dân quen miệng.
Theo ông Trung, người dân đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương đặt tên chính thức cho đường này, có thể giữ là Đông Quan hoặc một cái tên khác. Mới đây, họp tổ dân phố người dân được biết, đường này sẽ được đặt tên là Trịnh Văn Bô. “Mặc dù công lao của ông Trịnh Văn Bô rất lớn, có thể đặt tên cho con đường này là chưa xứng nhưng Hà Nội vẫn nên đặt tên một tuyến đường mang tên Trịnh Văn Bô. Đặt ở đây chúng tôi không phản đối” – ông Trung bày tỏ.
Nhiều người dân tại đây cho biết, nếu Hà Nội đặt tên đường là Trịnh Văn Bô thì nên đầu tư sửa chữa lại đường cho khang trang và đẹp để tương xứng với những gì vợ chồng ông Trịnh Văn Bô đã đóng góp cho Đảng và Nhà nước trong giai đoạn khó khăn.
Ghi nhận tại tuyến đường cho thấy, nhiều đoạn đường không có vỉa hè hoặc bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, buôn bán, đổ vật liệu xây dựng đặc biệt là rác thải chất đống, nhếch nhác.
Nhiều đoạn đường, lòng đường chỉ rộng khoảng 3-4m, có nơi thậm chí chỉ đủ cho một chiếc ô tô loại 3-4 tấn đi qua.
Mặt đường có nhiều chỗ bị xuống cấp, xuất hiện nhiều lớp nhựa đường bị bong tróc trải dài.
Nhiều căn nhà nằm chình ình giữa đường tạo thành “nút cổ chai” gây khó khăn cho người đi đường vào mỗi giờ cao điểm.
Người dân cho biết, đây là những căn nhà cũ của khu đất quân đội, nếu Hà Nội lấy để mở rộng đường, dân sẵn sàng đồng ý.
Sáng 8.11, trao đổi với Dân Việt bên hành lang Quốc hội, nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: Trường hợp vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô là người đi đến cùng trong cuộc cách mạng, mặc dù sau này chúng ta có các chính sách chưa thực sự đúng với họ... nhưng họ vẫn giữ được niềm tin, tư cách, không bất mãn, không gì cả. Việc tôn vinh cụ là tôn vinh cả một thế hệ. Đặt tên đường phố nên đặt tên là ông bà Trịnh Văn Bô. Cụ bà tên là Hoàng Thị Minh Hồ nhưng người ta vẫn quen cách đọc ngày xưa là nói tên chồng.
Ông Trịnh Văn Bô sinh năm 1914 là con út trong gia đình 3 anh chị em. Thân sinh là cụ Trịnh Phúc Lợi, một doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Mẹ ông họ Phan, người gốc Hoa, về sau cùng chồng quản lý thành công hiệu buôn Phúc Lợi. Cậu ruột cũng là chủ một hiệu buôn.
Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, cha ông còn là thầy của nhiều doanh nhân nổi danh như Nguyễn Đức Mậu (hiệu Phát Đạt), Mai Bá Lân (hiệu Lợi Quyền), Vương Xuân Tọa (hiệu Lợi Hòa)...
Năm 1932, ông lập gia đình với bà Hoàng Thị Minh Hồ, ái nữ của cụ Hoàng Đạo Phương, một nhà nho và là thương gia giàu có đất Hà Nội xưa. Trong sự nghiệp kinh doanh của chồng, bà Minh Hồ đóng vai trò quan trọng.
Theo lời kể của bà, toàn bộ tài sản gia đình có được đều nhờ tiệm vải Phúc Lợi. Tiệm không chỉ phục vụ người Việt mà còn giao thương khắp khu vực Đông Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Ấn Độ...
Mùa thu năm 1945, hưởng ứng Tuần lễ vàng, gia đình thương nhân Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ.
Ông Trịnh Văn Bô mất năm 1988, thọ 74 tuổi. Cách đây 3 ngày (5.11), vợ ông, bà Hoàng Thị Minh Hồ mất, thọ 104 tuổi.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.