Sau vụ người phụ nữ sử dụng sổ đỏ giả lừa bán đất, chiếm đoạt 450 triệu đồng của một nạn nhân, cơ quan chuyên môn ở Quảng Trị đã kiến nghị dán tem chống giả cho sổ đỏ.
Ngày 17/5, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Kỳ - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị cho biết, trong thời gian qua, do nhu cầu nên việc giao dịch bất động sản trên địa bàn diễn ra rất nhiều.
Mặc dù Sở Tư pháp Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị hành nghề công chứng, chứng thực nâng cao trình độ, cảnh giác nhằm hạn chế tình trạng sổ đỏ giả, tuy nhiên vẫn còn xảy ra.
Sổ đỏ giả có hai nguồn, thứ nhất là từ các đối tượng sử dụng công nghệ cao làm ra, nguồn thứ hai là do phôi sổ đỏ thất thoát ra ngoài.
Theo ông Kỳ, vấn đề sổ đỏ giả là nỗi trăn trở của các cơ quan, ban, ngành. Vừa qua, Sở có xây dựng một phần mềm công chứng, chứng thực cho toàn tỉnh. Khi có giao dịch, các tổ chức công chứng, chứng thực được đăng tải hồ sơ lên phần mềm này nhằm tiện cho việc kiểm tra, hạn chế sổ đỏ giả.
Ông Kỳ cho biết, hiện nay có hai nguồn giao dịch bất động sản cơ quan chức năng khó kiểm soát. Thứ nhất là các hợp đồng mua bán bất động sản không qua giao dịch công chứng, chứng thực mà hai bên mua-bán chỉ ký hợp đồng với nhau. Thứ hai là hợp đồng mua bán có qua đăng ký chuyển nhượng ở phòng công chứng nhưng không qua các đơn vị đăng ký giao dịch bảo đảm ở văn phòng đăng ký đất đai theo quy định pháp luật (gọi là mua-bán ngang công chứng).
Theo ông Kỳ, hiện nay chưa có quy định, chế tài nào cho phép các đơn vị hành nghề công chứng, chứng thực khi phát hiện sổ đỏ giả thì được lập biên bản hoặc tạm giữ. Đây là thiếu sót, bất cập lớn khiến hiệu quả công việc, phòng ngừa tội phạm chưa cao.
Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Sở TNMT, Công an tỉnh để khi phát hiện sổ đỏ giả thì thông báo khẩn cấp qua đường dây nóng, xử lý ngay.
Ông Kỳ cho hay, quyền sử dụng đất là tài sản đặc biệt nên cần cơ chế quản lý phù hợp, chặt chẽ, đặc biệt là trong quá trình giao dịch, bởi nếu xảy ra gian lận, vi phạm hệ luỵ rất lớn. Cách tốt nhất là phải dán tem chống giả cho sổ đỏ.
"Chúng tôi đã từng kiến nghị với Bộ TNMT dán tem chống giả cho sổ đỏ nhưng chưa nhận được câu trả lời" – ông Kỳ nói.
Như Dân Việt đã đưa tin, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Quảng Trị vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối tượng Phan Thị Tình (SN 1998, trú xã Tân Lập, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, tạm trú tại phường 3, TP.Đông Hà, Quảng Trị) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Theo kết quả điều tra ban đầu xác định, từ tháng 1 đến tháng 3/2022, Tình đã dùng 3 sổ đỏ giả để lừa bán đất của mẹ và bà của mình, chiếm đoạt của anh D.K.D (SN 1998, trú phường 1, TP.Đông Hà) 450 triệu đồng. Quá trình lừa đảo, Tình đã dùng sổ đỏ giả và thành công qua mặt công chứng viên Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Bích (TP Đông Hà). Khi T chuẩn bị dùng sổ đỏ giả để tiếp tục làm thủ tục công chứng cho lần lừa đảo thứ hai thì bị công an phát hiện, bắt giữ.
Tại cơ quan điều tra, Tình khai mỗi cuốn sổ đỏ giả được làm với giá 7 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Bích – Trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Bích xác nhận, dù rất cảnh giác nhưng công chứng viên văn phòng vẫn để lọt một bộ hồ sơ liên quan sổ đỏ giả của Phan Thị Tình.
Theo bà Bích, đối tượng lừa đảo rất tinh vi, sổ đỏ giả làm giống như thật, công chứng viên lại thiếu sự hỗ trợ của máy móc… nên khó phát hiện.
Bà Bích cho biết, thời gian tới việc công chứng hồ sơ phải thận trọng hơn; đồng thời mời công an tập huấn, nâng cao nghiệp vụ nhận định được đối tượng có ý đồ lừa đảo. Quan trọng hơn hết là cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải pháp nhằm hỗ trợ các văn phòng công chứng nhận diện sổ đỏ giả, giấy tờ giả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.