Cẩn trọng virus hợp bào hô hấp trong giai đoạn giao mùa
Cảnh báo: Trẻ em rất dễ mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa trong giai đoạn giao mùa hiện nay
Bạch Dương
Thứ ba, ngày 28/03/2023 18:32 PM (GMT+7)
Thời tiết giao mùa hiện nay dễ khiến trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh từ đường hô hấp, tiêu hóa… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo người dân phải hết sức cẩn trọng trong giai đoạn này.
Bế con nhỏ 3 tháng tuổi chờ lấy thuốc tại Bệnh viện Nhi đồng 2, chị Trần Mai Thanh (ngụ quận 8, TP.HCM) cho biết, con chị sốt 3 ngày nay, uống thuốc hạ sốt chỉ được vài tiếng bé sốt lại. Đi khám thì được chẩn đoán bé bị viêm tiểu phế quản.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hơn nửa tháng qua, số lượng trẻ mắc các bệnh hô hấp đến khám có dấu hiệu tăng, khoảng 100-150 trẻ/ngày; đa số bị sốt siêu vi, kéo theo các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên.
Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng ghi nhận, trẻ nhập viện do mắc các bệnh lý về đường hô hấp cũng tăng 20%-25% so với trước; phần lớn bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản do nhiễm siêu vi.
Mới đây, TP.HCM ghi nhận các chùm ca bệnh hô hấp tại một trường học ở quận 10 khiến 20 học sinh phải nghỉ học. Các mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1. Trước đó, gần 300 học sinh Trường THCS Lê Văn Tám và Trường THCS Lam Sơn (quận Bình Thạnh) cũng có các triệu chứng sốt, mệt.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, nhìn nhận, các chùm ca bệnh liên quan đến hô hấp trong các trường học xuất hiện gần đây đa số do thời tiết giao mùa gây ra.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, TP.HCM có thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường. Đây là môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus gây bệnh đường hô hấp phát triển trong đó virus hợp bào hô hấp (Respiratory syncytial virus: RSV). Virus này thường gây viêm phổi, khò khè, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp… thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi.
RSV lây lan qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn do người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc gián tiếp với bề mặt các đồ vật có chứa virus (quần áo, đồ chơi, vật dụng) rồi đưa vào mắt, mũi, miệng.
RSV có thể tấn công xuống đường hô hấp dưới gây ra các triệu chứng như: Khó thở, thở nhanh hơn bình thường, và thở khò khè, ho, viêm họng, sổ mũi, nghẹt mũi; Viêm phế quản có sốt, viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Ngoài ra một đặc điểm đáng chú ý là RSV còn gây viêm tai giữa, viêm phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi... Các triệu chứng có thể diễn tiến nhanh và có thể gây tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện tại chưa có vaccine đặc hiệu để phòng bệnh. Vì vậy cách phòng chống hiệu quả nhất là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh những đồ dùng cá nhân, bề mặt vật dụng, vệ sinh mũi họng thường xuyên; giữ ấm cho trẻ, tập trẻ thích nghi với nhiệt độ nóng và lạnh thích hợp với cơ thể; đeo khẩu trang khi có triệu chứng hô hấp...
Hạn chế tới những nơi đông người, tránh tiếp xúc với người bệnh; tăng cường miễn dịch và sức đề kháng với chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng bổ sung vitamin và khoáng chất; với trẻ nhũ nhi nên bú sữa mẹ hoàn toàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.