Nông dân hối hả tìm cách giảm 30% lượng phân bón trên lúa
Căng thẳng cuộc chiến giá phân bón trong nước (bài 3): Ông nông dân tiết lộ cách giảm 30% lượng phân bón trên lúa
Trần Đáng
Thứ ba, ngày 22/03/2022 06:00 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Tốt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) cho biết, đã thử nghiệm thành công mô hình giảm 30% lượng phân bón trên cây lúa tại địa phương.
"Thử nghiệm sẽ còn tiếp tục để chắc chắn rằng việc triển khai đại trà mô hình này cho nông dân sẽ cắt giảm được lượng phân bón hóa học đáng kể trên cây lúa", ông Tốt chia sẻ.
Mục tiêu cắt giảm 30% lượng phân bón
Chúng tôi tìm đến nhà ông Sáu Hiến (Nguyễn Văn Hiến, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây) xem ông thực nghiệm mô hình giảm phân bón trên lúa do Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang tổ chức.
Ông Hiến cho biết, thực nghiệm mô hình ông gieo sạ 100kg giống Nàng Hoa 9 trên cánh đồng rộng 1,2 ha.
Kết quả thực nghiệm mô hình cho thấy, cây lúa cứng rễ ăn sâu hơn, không rợp lá, ít sâu bệnh, giảm lượng chồi vô hiệu...
Quan trọng hơn, dù giảm 30% lượng phân bón, nhưng năng suất lúa không giảm so với đối chứng. Năng suất lúa đạt 7 tấn/ha.
Theo ông Tốt, qua so sánh, sử dụng công thức mới với mô hình thực nghiệm giúp giảm 100kg urê, giảm 3 lần phun thuốc/vụ, giảm 3 lần bơm nước/vụ.
Lợi nhuận mô hình tiết kiệm được 7 triệu đồng chi phí trên mỗi ha so với đối chứng.
"Với nông dân trồng lúa, tiết kiệm được 7 triệu đồng/ha là rất có ý nghĩa", ông Tốt thổ lộ.
Cùng lúc đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang cũng đã thực nghiệm mô hình tiết kiệm phân bón trên cây lúa tại ruộng của ông Nguyễn Văn Thắng (xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè) với giống lúa OM18.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, về mặt kỹ thuật nông dân có thể giảm đến 30% lượng phân bón mà không làm giảm năng suất.
Năng suất lúa đạt 6,3 tấn/ha, cao hơn đối chứng 0,6 tấn/ha. Lợi nhuận đạt trên 25 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 5 triệu đồng/ha.
Theo ông Thắng, việc giảm lượng phân bón hóa học, nhưng bổ sung phân hữu cơ vi sinh cho hiệu quả thấp hơn 0,72 triệu đồng/ha.
Thế nhưng, về lâu dài việc hạn chế sử dụng phân bón hóa học và bổ sung phân hữu cơ sẽ tăng độ phì nhiêu của đất.
Nhân rộng mô hình giảm 30% phân bón hóa học
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, việc áp dụng mô hình thử nghiệm tiết kiệm phân bón trong sản xuất lúa vụ là hướng đi đúng đắn và phù hợp, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất...
Ông Mẫn thống nhất tiếp tục nhân rộng và duy trì mô hình tiết kiệm phân bón trong các niên vụ tiếp theo để tiếp tục có sự đánh giá khách quan, chính xác hơn.
Từ đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đưa ra công thức khuyến cáo phù hợp cho nông dân trong tình hình sản xuất hiện nay.
Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men cũng cho biết, đã đề nghị các địa phương tiếp tục thực nghiệm các mô hình giảm phân bón với các nghiệm thức giảm lượng phân bón hóa học.
Ông Tốt cho rằng, trong thâm canh lúa hiện nay, nông dân vẫn còn sử dụng nhiều phân bón.
Tuy nhiên, giá phân bón ngày càng tăng cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của nông dân.
"Do đó, mô hình sử dụng tiết kiệm phân bón trên cây lúa rất cần thiết. Nó giảm giá thành sản phẩm, nâng cao lợi nhuận cho nông dân gắn với bảo vệ môi trường", ông Tốt chia sẻ.
Hiện, toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 200.000ha lúa. Tỉnh đang mở rộng diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao lên 4.000ha.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.