Căng thẳng Trung-Ấn: Lần gần nhất binh sĩ thiệt mạng, chiến tranh đã nổ ra

Đăng Nguyễn - RT Thứ tư, ngày 17/06/2020 11:10 AM (GMT+7)
Trong cuộc đụng độ biên giới ngày 15.6, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều ghi nhận binh sĩ thiệt mạng.
Bình luận 0

img

Lần cuối binh sĩ Trung Quốc và Ấn độ giao tranh ác liệt ở biên giới là vào năm 1967.

Sau cuộc đụng độ bất thường trên, báo Nga RT đăng bình luận của chuyên gia Ấn Độ Shishir Upadhyaya, cựu sỹ quan tình báo và tác giả cuốn sách “Chiến lược hàng hải Ấn Độ; cân bằng tham vọng khu vực và Trung Quốc”.

Trong cuộc chiến biên giới năm 1967, quân đội Ấn Độ “giành được ưu thế chiến thuật”, đánh bại lính Trung Quốc. Nhiều công sự của phía Trung Quốc ở vùng tranh chấp Nathu LA bị phá hủy.

Trong cuộc đụng độ đêm ngày 15.6, hai bên không dùng súng mà lao vào tấn công nhau bằng vũ khí cận chiến như đá và gậy sắt.

Chuyên gia Upadhyaya cho rằng cuộc đụng độ trên khiến người ta nhớ lại cuộc chiến biên giới Trung-Ấn năm 1962 – cuộc chiến khốc liệt nhất và tác động đến tình hình biên giới lớn nhất.

Chuyên gia Upadhyaya đánh giá để binh sĩ hai bên có thương vong lớn như vậy, căng thẳng ở thực địa vài tuần qua là rất lớn.

Ngược lại, trên kênh ngoại giao, truyền thông hai bên đều mô tả “các cuộc đàm phán cấp tướng diễn ra suôn sẻ và hai bên nhất trí rút quân”.

Chuyên gia Upadhyaya chỉ ra rằng lực lượng Trung Quốc ẩu đả với lính Ấn Độ không chỉ là lính tuần tra cấp trung độ thông thường.

“Phía Trung Quốc nhanh chóng huy động lực lượng tương đương cấp tiểu đoàn, cho thấy họ đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho đụng độ vật lý”, chuyên gia Upadhyaya nói.

Ông Upadhyaya nói, gần đây, Ấn Độ là bên có hành động cải tạo cơ sở hạ tầng ở biên giới lớn hơn Trung Quốc. Vậy nên phía Trung Quốc có thể muốn đáp trả.

Trung Quốc cho rằng không thể để Ấn Độ tự do mở rộng ưu thế chiến lược ở các vùng tranh chấp, ông Upadhyaya nói.

Một nguyên nhân khác là do tình hình căng thẳng không chỉ ở biên giới Trung-Ấn, mà còn ở Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong.

Trung Quốc đang thể hiện thái độ cứng rắn trên tất cả các mặt trận, ông Upadhyaya nhận định. “Trung Quốc cũng có thể không vui khi thấy Ấn Độ mở rộng hợp tác chiến lược với nhiều quốc gia, bao gồm Úc và Nhật Bản”, ông Upadhyaya nói.

Cuộc đụng độ biên giới vừa qua sẽ được các cường quốc trên thế giới đặc biệt chú ý. Mỹ đã thể hiện lập trường ủng hộ Ấn Độ trong tranh chấp chủ quyền biên giới. Nga tỏ ra trung lập còn Nhật bản và Úc đã có động thái ủng hộ Ấn Độ rõ ràng.

Chuyên gia Upadhyaya đánh giá vài ngày tới sẽ giai đoạn quan trọng. Giải quyết tranh chấp biên giới là vấn đề lâu dài nhưng cấp lãnh đạo ở hai nước cần thể hiện sự quyết tâm cao độ để tránh binh sĩ hai bên ẩu đả đến mức thương vong.

Cuộc đàm phán ba bên Nga-Ấn Độ-Trung Quốc, diễn ra trực tuyến vào ngày 22.6 có thể sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng, chuyên gia Upadhyaya nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem