Nhiều thách thức mới
Theo báo cáo Tổng quan kinh tế toàn cầu, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu xuống mức 4% cho 2 năm 2011 và 2012. IMF cũng cảnh báo nền kinh tế các nước phương Tây có thể rơi trở lại vào suy thoái và gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, IMF dự báo mức tăng trưởng sẽ thấp cả ở những nước phát triển và đang phát triển.
|
Ban lãnh đạo IMF tại buổi công bố báo cáo Tổng quan kinh tế thế giới. |
Kinh tế thế giới hiện đang hồi phục chậm sau giai đoạn suy thoái trầm trọng 2008-2009, hiện lại phải đối mặt với những thách thức mới như tình trạng nợ công, thâm hụt ngân sách ở nhiều nước phát triển, đặc biệt là tại Mỹ và các nước thuộc khu vực đồng euro.
Các thị trường mới nổi là động cơ cho sự phục hồi của kinh tế thế giới, như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng sẽ gặp nhiều vấn đề do sự yếu đi của các nền kinh tế phát triển. Giới đầu tư toàn cầu đang có những biểu hiện lo ngại kể từ tháng 8 vừa qua, với cuộc tranh cãi về trần nợ công ở Mỹ và những lo lắng đối với nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp.
Thiết chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này cho biết, với các nước đang phát triển, chính sách thắt chặt tiền tệ và lượng cầu giảm về hàng hóa xuất khẩu sẽ khiến mức tăng trưởng thấp hơn, vào khoảng 6,1% vào năm 2012. Trung Quốc tiếp tục là nước dẫn đầu với mức tăng trưởng 9% trong năm tới, nhưng tăng trưởng sẽ thấp hơn so với dự báo trước kia tại Nga, Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông và Bắc Phi.
Cảnh báo Mỹ suy giảm tín nhiệm
Theo IMF, bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm giảm bớt gánh nặng nợ công khổng lồ mà không mang đến lợi nhuận và không giải quyết các chương trình phúc lợi tốn kém cũng sẽ dẫn đến sự mất tín nhiệm. IMF đánh giá uy tín của Mỹ có thể suy yếu đột ngột nếu như các kế hoạch tham vọng và đầy đủ chi tiết nhằm giảm thâm hụt ngân sách và nợ công chưa sẵn sàng.
Trước đó, chính quyền Tổng thống B.Obama đã công bố kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách khoảng 3.600 tỷ USD trong 10 năm tới, theo hướng không cải tổ triệt để hệ thống chăm sóc y tế vì nó đụng chạm tới đông đảo cử tri lớn tuổi, và hủy bỏ mức thuế ưu đãi mà chính quyền tiền nhiệm của ông Bush đã dành tặng cho giới giàu có. Đây cũng chính là vấn đề mà phe Cộng hòa đối lập phản đối, với lý do những người giàu có ở Mỹ chính là lực lượng tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho rằng, nếu đánh thuế cao hơn đối với những người tạo ra việc làm thì sẽ dẫn tới ít việc làm được tạo ra, trong khi một số nhà kinh tế bảo thủ cảnh báo rằng chủ trương tăng thuế của Nhà Trắng đối với các triệu phú, các tập đoàn và công ty lớn có nguy cơ làm giảm các nguồn vốn đầu tư đang rất cần để phục hồi đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Gia Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.