Cảnh báo ca mắc sởi tại Hà Nội gia tăng, nhiều bệnh nhi diễn biến nặng, phụ huynh cần lưu ý gì?

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 20/12/2024 06:26 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, số ca mắc sởi tại Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Phần lớn các trường hợp là trẻ nhỏ do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị lây nhiễm.
Bình luận 0

Ca mắc sởi tiếp tục tăng, nhiều trường hợp diễn biến nặng  

Cách đây vài ngày, sau khi con gái 3 tháng tuổi xuất hiện các triệu chứng sốt, phát ban và ho, chị Lê Thị Hoà ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, đã được đưa đến Bệnh viện Nhi Hà Nội để thăm khám. Trước đó, bệnh nhi đã điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì phát hiện hạch ở nách nhưng không ngờ bị lây nhiễm sởi từ cộng đồng. 

Cảnh báo ca mắc sởi tại Hà Nội gia tăng, nhiều bệnh nhi diễn biến nặng phải can thiệp thở máy - Ảnh 1.

Bệnh nhi điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi Hà Nội ngày 19/12. Ảnh: Gia Khiêm

Theo chị Hoà, con gái còn quá nhỏ, chưa đủ tuổi tiêm vaccine sởi nên rất dễ nhiễm bệnh. Khi thấy bé phát ban và sốt, chị lập tức đưa con vào viện. Bệnh tiến triển rất nhanh, chỉ sau vài ngày con đã bị viêm phổi khiến chị và gia đình vô cùng lo lắng.

Còn bệnh nhi Nguyễn Hoàng Anh (2 tuổi, ở phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) nhập viện ngày 14/12 sau khi sốt cao và phát ban toàn thân. 

Chị Hứa Thu Hiền (mẹ bệnh nhi) thừa nhận, gia đình chủ quan không cho con tiêm vaccine vì nghĩ bé từng mắc sởi nhưng không ngờ lần này bệnh lại nghiêm trọng hơn và còn có biến chứng. 

"Khi nhập viện, ban đã lan khắp người. May mắn sau điều trị, tình trạng của bé dần ổn định. Nếu không có gì thay đổi, bác sĩ nói con có thể xuất viện sớm", chị Hiền cho hay.

Cảnh báo ca mắc sởi tại Hà Nội gia tăng, nhiều bệnh nhi diễn biến nặng phải can thiệp thở máy - Ảnh 2.

Nhiều bệnh nhi diễn biến nặng do mắc sởi. Ảnh: Gia Khiêm

Tương tự là trường hợp bệnh nhi Vũ Anh Khoa (7 tháng tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), bị biến chứng viêm phổi nặng do sởi tái phát. Mẹ bé, chị Vũ Thị Phượng, cho biết: "Cách đây một tuần, con vừa điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng sau khi về nhà vài ngày, con lại xuất hiện các triệu chứng sốt cao, ho và khó thở. Sau khi đưa cháu đi khám thì bác sĩ kết luận con bị viêm phổi tái phát do biến chứng từ sởi."

Tiếng ho khàn đặc không dứt của bệnh nhi vang lên khiến chị Phượng càng thêm sốt ruột. Sự mệt mỏi và lo âu hằn sâu trên gương mặt chị, đan xen với nỗi niềm hy vọng con sẽ sớm khỏi bệnh.

Theo ghi nhận, trong khoảng ba tháng trở lại đây, số ca mắc sởi đã gia tăng đáng kể trên cả nước. Tại Hà Nội, hơn 200 trường hợp mắc sởi đã được ghi nhận, trong đó Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận hơn 40 ca kể từ khi chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 10. 

Cảnh báo nhiều trường hợp bệnh nhi phải thở máy

Trao đổi với PV Dân Việt, TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, trong số bệnh nhi nhập viện, khoảng 30% các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, phải can thiệp thở oxy hoặc thở máy. 

Đặc biệt, nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm hơn 40% các ca mắc, nhiều trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm phòng. Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận một số ca ở trẻ lớn trên 5 tuổi, tuy nhiên số lượng này không đáng kể.

Cảnh báo ca mắc sởi tại Hà Nội gia tăng, nhiều bệnh nhi diễn biến nặng phải can thiệp thở máy - Ảnh 3.

TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, trong số bệnh nhi nhập viện, khoảng 30% các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, phải can thiệp thở oxy hoặc thở máy. Ảnh: Gia Khiêm

Theo bác sĩ Nga, dịch sởi năm 2024 là hệ quả của chu kỳ bệnh dịch tự nhiên kết hợp với tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hơn 90% trẻ nhập viện chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Giai đoạn cách ly xã hội trong dịch Covid-19 khiến nhiều trẻ bị bỏ lỡ các mũi tiêm quan trọng, đồng thời phụ huynh thiếu cảnh giác với lịch tiêm nhắc lại. Điều này dẫn đến sự gia tăng các ca mắc, đặc biệt trong nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi - nhóm chưa đến độ tuổi tiêm vaccine.

"Để kiểm soát dịch bệnh việc tuân thủ lịch tiêm vaccine sởi rất quan trọng. Trẻ từ 9 tháng tuổi cần tiêm mũi đầu tiên, nhắc lại mũi hai ở 15-18 tháng và mũi thứ ba khi trẻ 4-6 tuổi. Đối với trẻ có nguy cơ cao hoặc sống trong vùng dịch, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm sớm từ 6 tháng tuổi. Tiêm phòng đầy đủ không chỉ bảo vệ cá nhân trẻ mà còn giúp giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng", bác sĩ Nga nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa như tăng cường miễn dịch, giữ vệ sinh cá nhân và theo dõi sát sao sức khỏe trẻ đóng vai trò không kém phần quan trọng. Phụ huynh cần đảm bảo trẻ được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc đông người.

Thời điểm giao mùa không chỉ khiến số ca mắc sởi gia tăng mà còn phản ánh nguy cơ bùng phát của nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác. 

"Người dân nên chủ động chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Ngoài ra, khi phát hiện các triệu chứng bất thường như sốt cao kéo dài, phát ban hoặc khó thở, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Nga khuyến cáo.

Trước tình hình dịch bệnh sởi có dấu hiệu gia tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát công tác điều tra, xử lý ca bệnh ổ dịch sởi tại Thượng Thanh, Long Biên; Xuân La, Tây Hồ; La Khê, Hà Đông; giám sát công tác triển khai tiêm chủng thường xuyên và chiến dịch tiêm chủng vaccine bạch hầu, uốn ván (Td) tại Long Biên.

Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp và tại cộng đồng để kịp thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng.

Đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.

Đặc biệt, các đơn vị tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi của trẻ từ 1-5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố chưa tiêm chủng đủ mũi, để tổ chức tiêm bổ sung.

Các Trung tâm Y tế cũng tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như sởi, sốt xuất huyết và các dịch bệnh thường gặp trong mùa Đông Xuân, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tiêm chủng chủ động, đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine phòng bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem