Cảnh giác với hội chứng khuỷu tay tennis của người chơi tennis, cầu lông

Diệu Linh Thứ năm, ngày 06/04/2023 08:00 AM (GMT+7)
Những người chơi thể thao như cầu lông, tennis hoặc có nghề nghiệp phải vận động tay mạnh có thể mắc hội chứng khuỷu tay tennis rất cần phải lưu ý.
Bình luận 0

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên – Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Việt Đức, hội chứng khuỷu tay tennis (Tennis Elbow) hay viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay (Lateral Epicondylitis) là tình trạng đau tại các gân cơ bám vào bờ ngoài khuỷu tay, thường do hoạt động quá tải, lặp đi lặp lại của cổ tay và cánh tay trong quá trình duỗi mạnh khuỷu tay.

PGS Liên nhận định, đúng như tên gọi của nó, khuỷu tay tennis là bệnh lý thường gặp ở tay thuận, trong các môn thể thao sử dụng khủy tay, cổ tay nhiều như tennis, cầu lông,… ngoài ra còn gặp ở công nhân các nghề thợ mộc, thợ sơn, chặt gỗ,…

Cảnh giác với hội chứng khuỷu tay tennis của người chơi tennis, cầu lông - Ảnh 1.

Minh họa hội chứng khuỷu tay tennis. Ảnh BSCC

"Biểu hiện của hội chứng khuỷu tay tennis thường gặp nhất là đau khi thực hiện các động tác xoay cẳng tay (vặn nắm cửa, vặn tua vít, bắt tay, cầm ly nước…) hay khi thực hiện các động tác vung vợt để đánh. Đau có thể lan từ khuỷu tay xuống phần cẳng tay, cổ tay. 

Ngoài ra người bệnh có thể thấy phần khuỷu tay bị sưng nề, ấn đau. Để có thể hồi phục nhanh chóng cũng như quay lại với tập luyện chuyên nghiệp thì cần có sự can thiệp y tế cụ thể là luyện tập phục hồi chức năng sớm và đúng cách", PGS Liên chia sẻ. 

Theo PGS Liên, để bảo vệ khuỷu tay, người bệnh cần hạn chế các động tác làm căng cơ cẳng tay, sấp ngửa cẳng tay. Đồng thời mang đai quấn cẳng tay gần vị trí đau giúp giảm căng gân cơ vùng tổn thương.

Trong thời gian đầu sau chấn thương, người bệnh cần được chườm lạnh để giảm đau, giảm sưng nề.

Người bệnh có thể tập các bài tập vận động cẳng tay như: Kéo giãn nhóm cơ cẳng tay; Tập vận động nhóm cơ cẳng tay; Xoa bóp vùng cơ mặt sau cẳng tay, vuốt dọc phần mềm dọc cẳng tay.

"Để có quá trình hồi phục tốt nhất, nhanh nhất và an toàn nhất, người bệnh nên tìm đến cơ sở phục hồi chức năng có uy tín, trình độ chuyên môn cao để được khám, đưa ra phương pháp tập luyện phù hợp và can thiệp bằng các thiết bị tập hiện đại", PGS Liên khuyến cáo. 

Tùy tình hình chấn thương, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm corticoid tại gân vị trí khuỷu tay nếu các biểu hiện viêm tại chỗ nặng nề hoặc cân nhắc can thiệp nếu các phương pháp khác không đạt hiệu quả trong một thời gian dài.

Tùy vào mức độ tổn thương cũng như các tổn thương kèm theo mà thời gian hồi phục kéo dài bao lâu, thường người bệnh sẽ đáp ứng tốt với điều trị phục hồi chức năng sau 2-4 tuần.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem