Cảnh giác với sốt virus ở trẻ em trong thời điểm giao mùa
Cảnh giác với sốt virus ở trẻ em trong thời điểm giao mùa
Diệu Linh
Thứ ba, ngày 14/12/2021 06:14 AM (GMT+7)
Giao mùa, thời tiết nóng lạnh thất thường khiến trẻ dễ sốt virus. Hầu hết các ca sốt virus tự khỏi nhưng cũng có không ít ca biến chứng nặng, nguy hiểm.
Theo các bác sĩ, sốt virus (hay còn gọi là sốt siêu vi) là phản ứng sốt ở trẻ khi nhiễm một loại virus nào đó. Sốt virus thường cấp tính, kéo dài 3 – 5 ngày, ít khi quá 7 ngày.
Các bác sĩ Khoa Hồi sức Hô hấp – Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) vừa tiếp nhận điều trị cho bé trai 2 tháng tuổi (ở Lào Cai) nhập viện trong tình trạng sốt, khó thở, suy hô hấp, ăn uống kém.
Theo các bác sĩ, trước khi nhập viện 3 ngày trẻ xuất hiện ho, ngạt mũi, gia đình có cho trẻ đi khám và uống thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Khi thấy trẻ có biểu hiện thở nhanh, khó thở thì được người nhà cho vào viện.
Các xét nghiệm cho thấy trẻ bị viêm phổi do nhiễm virus RSV (virus hợp bào hô hấp gây viêm phổi). Hiện sau 5 ngày điều trị và chăm sóc đặc biệt, tình trạng sức khỏe của trẻ tiến triển tốt, tuy nhiên vẫn cần phải theo dõi thêm.
Bác sĩ Lê Thanh Chương, Trưởng khoa Hồi sức hô hấp (Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, trung bình mỗi ngày khoa Hồi sức Hô hấp tiếp nhận 5-10 trẻ điều trị các bệnh lý hô hấp nặng do nhiễm virus kèm theo sốt.
Theo bác sĩ Chương, có nhiều loại virus có thể gây bệnh cảnh rất nặng đe dọa tính mạng của trẻ hoặc để lại di chứng nặng nề như virus gây viêm não Nhật Bản, virus gây bệnh tay chân miệng, virus Dengue gây sốt xuất huyết, virus Rota gây tiêu chảy mất nước…
Theo bác sĩ Chương, sốt virus thường gặp nhất vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng ấm, đặc biệt là mùa đông xuân.
Những dấu hiệu thường gặp ở trẻ nhiễm virus là sốt ở nhiều mức độ khác nhau, có thể là sốt thoáng qua, sốt nhẹ hoặc có những trẻ sốt cao liên tục. Khi trẻ sốt cao có thể rét run toàn thân, một số trẻ có thể bị co giật do sốt.
Trẻ có thể sốt đơn thuần hoặc kèm theo các dầu hiệu khác tùy từng loại virus và từng trẻ như ho, chảy mũi trong, tiêu chảy, phát ban, mụn nước trên da…
"Lứa tuổi càng nhỏ thì càng dễ bị nhiễm virus, do sức đề kháng của trẻ kém, nhưng có một số loại virus do cơ thể trẻ có kháng thể từ mẹ truyền sang con qua nhau thai, qua sữa mẹ thì trẻ có thể bị muộn hơn.
Ví dụ như bệnh sởi, nếu người mẹ đã được tiêm phòng hoặc đã từng bị nhiễm sởi mà nuôi con bằng sữa mẹ thì ít khi bị mắc bệnh sởi trước 6 tháng", bác sĩ Chương nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Chương, nhiễm virus có ở trẻ sẽ trở nên nguy hiểm khi xảy ra các biến chứng trên nhiều cơ quan của cơ thể nếu không được phát hiện kịp thời và chăm sóc đúng cách như: viêm phổi nặng do RSV, cúm, phù não, viêm cơ tim, phù phổi do virus tay chân miệng, chảy máu, sốc do sốt xuất huyết…
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, đa phần trẻ sốt virus chỉ cần uống thuốc giảm sốt đúng liều, vệ sinh, chăm sóc, nghỉ ngơi và chế độ ăn đủ dinh dưỡng thì trẻ sẽ tự khỏi bệnh mà không cần đi viện.
Tuy nhiên, qua quá trình thăm khám và điều trị, PGS Dũng cũng gặp không ít trường hợp vì chủ quan nên bệnh càng nặng thêm, với những biến chứng nặng nề.
"Sai lầm phổ biến và nghiêm trọng là nhiều cha mẹ vừa thấy con ho, sốt đã ra hiệu thuốc mua "một mớ" kháng sinh về cho con uống. Sốt do virus gây ra, uống kháng sinh không có tác dụng mà còn làm con mệt mỏi hơn, sức đề kháng để chống lại virus yếu đi.
Hơn nữa, điều này dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh của con. Nếu sau này con có các viêm nhiễm, bệnh cần kháng sinh sẽ khó kiếm kháng sinh hoặc kháng sinh liều cao, khó khỏi bệnh", PGS Dũng khuyến cáo.
Ngoài ra, cha mẹ có thể thấy con vừa hết sốt tưởng con đã khỏe nên cho con đi học, đi du lịch, chơi thể thao... Điều này có thể khiến cơ thể đang suy nhược của trẻ ốm yêu hơn, dễ gặp các biến chứng nặng.
"Khi trẻ sốt, cha mẹ tuyệt đối không cho con truyền nước tại nhà. Truyền nước, truyền đạm không làm con khỏi sốt mà còn có nguy cơ gây sốc, nguy hiểm đến tính mạng. Đã có rất nhiều bài học đau thương về truyền dịch tại nhà rồi", bác sĩ Dũng chia sẻ.
Chăm sóc trẻ sốt virus thế nào?
Bác sĩ Chương cho biết, hiện các bệnh do virus gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Nếu trẻ sốt virus đơn thuần có thể điều trị tại nhà, theo hướng dẫn của bác sĩ: mặc thoáng mát, uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu giàu dinh dưỡng, ăn thêm quả, nước ép trái cây…
Cha mẹ nên dự phòng sẵn thuốc hạ sốt để dùng khi cần thiết.
Khi thân nhiệt trẻ cao trên 38,5 độ C đo ngoài da (nách, trán, lỗ tai) thì có thể dùng paracetamol (tên biệt dược: Efferalgan, Panadol, Hapacol…) với liều 10-15mg/kg cân nặng mỗi 6 giờ để tránh sốt quá cao có thể gây các phản ứng bất lợi như co giật, mất nước, mệt mỏi nhiều.
Nếu chưa loại trừ được trẻ có bị sốt xuất huyết hay không thì không được dùng các thuốc chứa thành phần ibuprofen (tên biệt dược: Sotstop, Brufen…) vì có thể gây xuất huyết nặng thêm.
Một số dấu hiệu cần biết như: sốt đơn thuần 2 – 3 ngày không thuyên giảm, sốt kèm theo các dấu hiệu toàn thân hoặc các cơ quan khác như mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, phát ban, mụn nước trên da, giật mình, co giật, ho, khó thở, tiêu chảy…
Để phòng ngừa trẻ bị sốt virus, cha mẹ không cho trẻ tiếp xúc nguồn lây: tránh tiếp xúc người đang nhiễm virus, tránh nơi đông người, nằm màn, phun thuốc diệt muỗi…
Cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ: cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng (khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ trong năm đầu đời), thường xuyên cho trẻ vận động tăng cường thể lực, tạo môi trường sống trong sạch, vui vẻ, lành mạnh; tiêm phòng đầy đủ vaccine tạo miễn dịch chủ động cho trẻ chống lại virus (cúm, sởi, quai bị, viêm não nhật bản, bại liệt, rotavirus…).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.