Cao thủ Esports quyết giành HCV ASIAD 19 để không bị… cha mẹ mắng

Long Nguyên Thứ năm, ngày 21/09/2023 15:10 PM (GMT+7)
Esports (thể thao điện tử) sẽ có lần đầu tiên được đưa vào nội dung thi đấu chính thức tại ASIAD 19 và nhiều VĐV tham dự đại hội với quyết tâm chinh phục đỉnh cao vì lý do khá thú vị.
Bình luận 0

Đi tìm sự công nhận cho Esports

Tại ASIAD 18 ở Indonesia cách đây 4 năm, Esports đã được đưa vào thi đấu nhưng không được tính thành tích trên bảng tổng sắp huy chương. Tới đại hội lần này, Esports đã được ban tổ chức coi là một môn thể thao thi đấu chính thức và đương nhiên sẽ tạo ra động lực rất lớn cho các VĐV tranh tài.

Từ 24/9 đến 2/10, các cuộc thi đấu ở môn Esports sẽ diễn ra tại Trung tâm thể thao Hàng Châu (Trung Quốc). Các VĐV có thể đăng ký 7 môn khác nhau gồm EA Sports FC, PUBG Mobile, Arena of Valor, Dota 2, League of Legends, Dream Three Kingdoms 2 và Street Fighter V.

Cao thủ Esports quyết giành HCV ASIAD 19 để không bị… cha mẹ mắng - Ảnh 1.

Mayank Prajapati từng bị cha mẹ cấm cản trước khi trở thành VĐV Esports chuyên nghiệp. Ảnh: Special Arrangement

Trong nhiều năm qua, tại các quốc gia châu Á, không phải bậc phụ huynh nào cũng coi việc con cái chơi điện tử là… rèn luyện thể thao. Đó cũng chính là rào cản cực lớn dành cho các game thủ trên con đường trở thành VĐV tham dự ASIAD sắp tới.

Mayank Prajapati, VĐV Esports của Ấn Độ sẽ thi đấu ASIAD 19 ở môn Street Fighter. Tất nhiên, để đạt đến đẳng cấp cao tới mức được chọn vào đội tuyển quốc gia, Mayank đã phải "nướng" không ít tiền cho các quán chơi điện tử từ khi còn nhỏ.

Nhớ lại thời thơ ấu, Mayank chia sẻ: "Tôi chơi trò chơi đầu tiên của mình vào cuối những năm 1990 thế kỷ trước. Tại một máy arcade trong chợ, có thời điểm tôi chỉ còn 2 rupee trong người, nhưng niềm đam mê khiến tôi không thể dừng lại và tôi tiêu đến đồng cuối cùng để chơi điện tử. Khi biết chuyện, cha mẹ tôi đã la mắng rất nhiều và họ thậm chí tìm rất nhiều cách để tôi không được chơi điện tử nữa.

Cha tôi thậm chí đã nặng tay hơn trong việc siết chặt kỷ luật khi đánh tôi mỗi lần phát hiện con mình chơi điện tử. Vượt qua sự định kiến của cha mẹ và cố gắng tìm ra… tiền để chơi điện tử vào lúc đó thật không đơn giản".

Cao thủ Esports quyết giành HCV ASIAD 19 để không bị… cha mẹ mắng - Ảnh 2.

Kim Gwan-woo là cao thủ nội dung Street Fighter của đội tuyển Esports Hàn Quốc. Ảnh: Invenglobal

Đồng quan điểm, một cao thủ Street Fighter là Kim Gwan-woo người Hàn Quốc bộc bạch: "Cha mẹ tôi cực kỳ ghét tôi chơi điện tử. Cứ mỗi lần tôi lẻn đi chơi mà họ biết được, tôi sẽ phải ngồi nghe họ kêu ca trong một khoảng thời gian không hề ngắn. Chính vì vậy, tôi rất khát khao giành được thành tích cao tại ASIAD 19, để cha mẹ không còn mắng tôi nữa và họ có thể coi tôi là một VĐV thể thao và đang theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp với Esports".

Giống như 2 "đàn anh", Sanindhiya Malik (21 tuổi), thành viên của Ấn Độ và sẽ tranh tài nội dung League of Legends cho biết, bản thân từng phải giả vờ… học trên máy tính dù trên thực tế là thi đấu trực tuyến Esports. Malik cho biết: "Đôi khi, trong một giải đấu, tôi phải giấu bố mẹ để họ không biết. Nhưng sau khi tôi được đại diện cho Ấn Độ, bố mẹ tôi đã nhận thấy sự công nhận mà môn thể thao này có thể mang lại cho tôi. Ngay cả người thân và bạn bè trước đó đã thắc mắc về thời gian thi đấu của tôi cũng đã chúc mừng tôi và tôi cảm thấy thật tuyệt."

Đánh giá về việc Esports là môn thể thao chính thức tại ASIAD 19, giáo sư Kang của Đại học Shingu, một trong những thế hệ game thủ chuyên nghiệp đầu tiên của Hàn Quốc với bí danh "H.O.T Forever" cho biết, việc đưa Esports vào ASIAD 19 là một cột mốc quan trọng đối với nỗ lực giúp môn thể thao này thực sự được công nhận. Ông Kang nói với AFP: "Khi tôi còn là một game thủ vào cuối những năm 1990, phản ứng ban đầu của mọi người là "Tại sao trò chơi điện tử lại được xuất hiện trên TV?". Nhưng với sự nỗ lực của các game thủ và các bên liên quan, tôi nghĩ chúng ta đã đạt được khoảng 90% mục tiêu trở thành một môn thể thao thực sự".

Cao thủ Esports quyết giành HCV ASIAD 19 để không bị… cha mẹ mắng - Ảnh 3.

Đội hình thi đấu bộ môn PUBG Mobile của đội tuyển Esports Việt Nam. Ảnh: SPORT

Ông Lokesh Suji, Phó chủ tịch Liên đoàn thể thao điện tử châu Á, cũng gọi ASIAD 19 là một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu cuối cùng là Olympics. Ông Suji, hiện cũng là giám đốc của Liên đoàn Esports Ấn Độ, chia sẻ: "Giấc mơ cuối cùng sẽ thành hiện thực khi Esports được đưa vào Thế vận hội như một môn thể thao có huy chương chính thức".

Tại ASIAD 19, đội tuyển Esports Việt Nam tranh tài ở 6/7 nội dung. Trước đó, ở ASIAD 18, đội tuyển Esports Việt Nam cũng thi đấu 6 nội dung và giành 4 huy chương đồng (không được tính vào bảng tổng sắp huy chương).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem