Cao thủ nội công có tuyệt kỹ "ngón tay sắt" nổi danh khắp võ lâm Sài Gòn

Thứ bảy, ngày 12/03/2022 14:33 PM (GMT+7)
Thừa hưởng tinh hoa võ thuật từ môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật, võ sư Huỳnh Chí Dân từng khiến người xem kinh ngạc về tuyệt kỹ có một không hai.
Bình luận 0

Vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn vốn chứa đựng nhiều câu chuyện ly kỳ trong võ thuật, đây là nơi du nhập của nhiều võ phái Trung Hoa, góp phần tạo nên những cao thủ với khả năng siêu phàm, sở hữu nhiều tuyệt kỹ công phu vang danh thiên hạ.

Màn bái sư thành giai thoại võ lâm Sài Gòn – Chợ Lớn

Môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật du nhập vào Việt Nam từ những thập niên 30. Vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn được xem là nơi khởi phát đầu tiên của võ phái có nguồn gốc từ Trung Hoa này.

Võ sư Huỳnh Chí Dân hiện là chưởng môn đời thứ 4 của môn phái. Ông sinh năm 1962 trong gia đình gốc Hoa cũng chính tại vùng đất Chợ Lớn, Quận 5. Thời niên thiếu, cuộc sống khó khăn khiến ông phải bươn chải, sớm phụ giúp cha mẹ về kinh tế trong gia đình.

Vốn có niềm đam mê võ học từ bé, sau giờ phụ giúp việc nhà, ông thường tự tập luyện theo những tài liệu, sách cũ của các trường phái Thiếu Lâm như: Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công, Thiếu Lâm bí truyền… Dù tự luyện tại nhà, song với bản chất thông minh cùng tinh thần, ý chí cầu tiến cao, võ sư Huỳnh Chí Dân sớm đạt được thành tích nhất định từ khi còn rất trẻ như: dùng tay không hoặc ống quyển công phá dừa.

Biết được niềm đam mê võ thuật của cậu con trai, cha ông khi đó đã bất chấp hoàn cảnh khó khăn để gửi ông đến tập luyện cùng cố võ sư Lai Phát – một cao thủ võ thuật có tiếng thời đó. Tuy nhiên, con đường võ học của võ sư Huỳnh Chí Dân gặp dang dở khi chỉ 5 năm sau, võ đường ông theo học đã giải thể.

Cao thủ nội công có tuyệt kỹ "ngón tay sắt" nổi danh khắp võ lâm Sài Gòn - Ảnh 1.

Võ sư Huỳnh Chí Dân trong một lần biểu diễn tuyệt kỹ "Song chỉ". Ảnh: Pháp luật và Bạn đọc

Năm lên 16 tuổi, võ sư Huỳnh Chí Dân đã là một cậu thanh niên khỏe mạnh, mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, lấy hình tượng Hoàng Phi Hồng làm kim chỉ nam với mong muốn hành hiệp trượng nghĩa.

Trong một lần xem hát với bạn bè, ông bắt gặp một bà già bị kẻ xấu ăn hiếp. Vốn không định làm ngơ, muốn xông ra giúp người nhưng bất ngờ lúc đó lại xuất hiện một cao thủ với thân pháp nhanh nhẹn, chỉ vài chiêu đã hạ gục tên cướp. Vị tiền bối kia theo lời kể của ông: "Ông ấy tuổi ngoài tứ tuần, ra đòn nhanh đến nỗi không thể nào nhìn rõ hình dáng mặt mũi lẫn chiêu thức".

Khi về nhà, ông nói với người anh trai rằng: "Từ nay sẽ không bái ai làm thầy nữa trừ khi có vị cao nhân nào xuất một quyền là có thể hạ gục đối phương và tràn đầy hào khí như vị tiền bối ấy".

Không lâu sau, người anh trai của Huỳnh Chí Dân cũng tìm ra được danh tính của vị tiền bối mà đứa em mình ngưỡng mộ. Không ai khác đó chính là võ sư Đặng Văn Thành, giới võ lâm Sài Gòn – Chợ Lớn ngày xưa thường gọi là Đặng Tây – một trong những người đầu tiên đưa Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật du nhập vào Việt Nam.

Theo lời của người anh trai, nếu giao đấu với võ sư Đặng Tây thì "có đánh cũng chết mà không đánh cũng chết". Quả nhiên, khi thử chiêu cùng tiền bối Đặng Tây, võ sư Huỳnh Chí Dân ngay lập tức nhận ra và chắc chắn rằng đây chính là người lúc trước có chiêu thức nhanh gọn, dễ dàng hạ gục kẻ địch trong nháy mắt. Ông chính thức bái võ sư Đặng Tây làm sư phụ và theo học nhiều tuyệt kỹ võ thuật độc đáo của phái võ Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật.

Câu chuyện bái sư cùng với sự tận tình chăm lo cho sư phụ của võ sư Huỳnh Chí Dân về sau được miêu tả như một giai thoại về tình thầy trò trong giới võ lâm Sài Gòn – Chợ Lớn.

Tuyệt kỹ lừng danh thu phục trùm giang hồ

Vốn xuất phát từ Trung Hoa, Thiếu Lâm Thái Lý Phật của sư phụ võ sư Huỳnh Chí Dân mang nhiều nét độc đáo riêng trong cách luyện tập. Theo đó, trường phái võ thuật này cương nhu phối triển, trong các chiêu thức thường vận dụng kình lực điểm vào các yếu huyệt của đối phương khiến họ tê liệt. Những chiêu thức này rất thực dụng trong chiến đấu, nhất là khi đối đầu với số đông.

Là đệ tử thân thiết, võ sư Huỳnh Chí Dân được sư phụ truyền dạy hầu hết các ngón đòn đặc sắc của Thái Lý Phật. Ngoài tập võ thông thường, ông còn được sư phụ giới thiệu đến các võ sư khác để luyện thêm nội công.

Khi nhắc về võ sư Huỳnh Chí Dân, giới võ lâm vẫn truyền tai nhau rằng ông nổi danh nhất với hai tuyệt kỹ gồm "thiết chỉ" và "song chỉ". Võ sư Huỳnh Chí Dân cho biết: "Mỗi ngày phải luyện ít nhất chục lần thì mới có thể thi triển được nội công này. Mình phải luyện sao để không mắc sai sót nào, động tác phải gọn, phối hợp chặt chẽ, khi vận dụng kình lực giữa ngón tay trỏ và ngón giữa thì cánh tay phải thoải mái, tập trung hết sức mạnh vào đầu ngón tay. Như vậy thì khi đánh mới có kết quả cao nhất".

Cao thủ nội công có tuyệt kỹ "ngón tay sắt" nổi danh khắp võ lâm Sài Gòn - Ảnh 2.

Võ sư Chí Dân và sư phụ, cố võ sư Đặng Tây. Ảnh: Pháp luật và Bạn đọc

Ly kỳ nhất trong số những lần biểu diễn của võ sư Huỳnh Chí Dân chính là màn thị phạm "song chỉ" (hai ngón tay) dùng ngón trỏ và ngón giữa vận kình lực bẻ quả cau khô làm đôi. Trong một lần khác, ông dùng tuyệt kỹ "thiết chỉ" (chỉ một ngón tay trỏ) vận lực gõ vỡ chiếc tô bằng sành dày trong sự kinh ngạc của những người từng chứng kiến.

Theo võ sư Huỳnh Chí Dân, "thiết chỉ" là tuyệt chiêu độc nổi danh được truyền từ sư phụ Đặng Tây. Vị sư phụ của ông từng dùng chính chiêu thức này để khuất phục được Tín Mã Nàm – một ông trùm giang hồ khét tiếng Sài Gòn thập niên 60 – 70. Ngoài ra, trong quá trình học võ từ sư phụ Đặng Tây, võ sư Huỳnh Chí Dân cũng đúc kết cho mình công thức riêng, đó chính là muốn luyện quyền tốt phải có sự kết hợp của 3 yếu tố gồm: lực, tốc độ (nhanh) và độ chuẩn xác.

Cùng với luyện quyền pháp, vị võ sư sinh năm 1962 này còn chú trọng luyện công lực với thạch tỏa, thiết hoàn hoặc đánh mây… để gia tăng nội lực và nâng cao khả năng thực chiến.

Hiện nay, võ sư Huỳnh Chí Dân là chưởng môn đời thứ 4 của môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật. Ngoài võ thuật, ông còn chuyên chữa trị các bệnh về phong thấp, xương khớp. Trong giới võ của khu Sài Gòn – Chợ Lớn, võ phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật vẫn mang bản sắc độc đáo riêng của một trường phái võ thuật lâu đời du nhập từ Thiếu Lâm Trung Hoa.

PV (Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem