Câu chuyện nông nghiệp đa tầng của Hội quán ở Đồng Tháp và "cây xoài nhà tôi" giúp lão nông thu 500 triệu đồng

Bình Minh Thứ tư, ngày 16/08/2023 17:34 PM (GMT+7)
Chiều 16/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức buổi Tọa đàm "Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn". Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chủ trì Tọa đàm.
Bình luận 0

Dự buổi tọa đàm còn có ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nông dân, những người trực tiếp thực hiện phát triển cộng đồng tham dự.

"Cây xoài nhà tôi" giúp lão nông thu hơn 500 triệu đồng/năm 

Tại buổi tọa đàm, ông Trần Phú Hậu, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) là thành viên Minh Tâm hội quán thành lập năm 2016 cho sẻ: Thông qua hội quán, nông dân đã có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trồng xoài. Hiện gia đình ông có thu nhập 500 triệu đồng mỗi năm từ mô hình "Cây xoài nhà tôi".

Ông Hậu cho biết, ông và các thành viên trong hội quán đang thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đa tầng gắn với du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp địa phương. Theo đó, Minh Tâm hội quán xã Mỹ Xương được thành lập tháng 9/2016 trên tinh thần tự nguyện, tự gắn kết để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và mua bán sản phẩm với nhau cùng các lĩnh vực khác trong cuộc sống, từ đó đến nay đã tập hợp hơn 80 thành viên tham gia sinh hoạt, định kỳ hàng tháng.

"Hội quán đã khẳng định được vai trò của mình trong việc tập hợp nông dân cùng nhau bàn bạc về thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, xử lý xoài hữu cơ, nghịch vụ, cách phòng trừ sâu bệnh trên vườn xoài nhà mình, nhất la áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, cùng nhau hỗ trợ nhau nhiều mặt trong đời sống của nhân dân", ông Hậu chia sẻ.

Nông nghiệp "đa tầng" của Hội quán ở Đồng Tháp, trên trồng xoài, dưới nuôi thỏ, thả ốc bươu, thu 500 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Ông Trần Phú Hậu, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) - thành viên Minh Tâm hội quán có thu nhập trên 500 triệu đồng với mô hình "Cây xoài nhà tôi". Ảnh: Tùng Đinh

Mỹ Xương là xã ven sông Tiền với nhiều thuận lợi cho việc phát triển vườn cây ăn trái, chủ yếu là xoài, với diện tích 500 ha, sản lượng 6.000 tấn, diện tích mã số vùng trồng 485 ha, diện tích áp dụng VietGAP, GlobalGAP 60 ha...

Ông Hậu cho hay, khi áp dụng mô hình "Cây xoài nhà tôi" thì nông dân đã bán trực tiếp rất nhiều. Cuối năm 2021 đến nay hội viên của hội quán đã biết ứng dụng nhật ký điện tử thông qua mã QR trên phần mềm FaceFarm hay ứng dụng mã QR.

Theo ông Hậu, việc ứng dụng nhật ký điện tử giúp nông dân dễ dàng hơn trong việc theo dõi được quy trình chăm sóc cây xoài của mình sở hữu và đã biết cách bán cây xoài qua sàn thương mại điện tử, từ đó được nhiều khách hàng biết đến hơn. Từ ngày áp dụng công nghệ này đã giúp thành viên hội quán bán được hơn 70 cây xoài.

Lão nông Trần Phú Hậu cũng cho biết, hiện ở Mỹ Xương không chỉ có sản xuất xoài độc canh mà còn sản xuất kinh tế theo hướng tích hợp đa giá trị. Cụ thể với 5.000m2 vườn xoài, ông vừa sản xuất xoài an toàn theo hướng hữu cơ và tận dụng những khoảng trống để trồng rau nuôi thỏ, lấy phân thỏ ủ phân hữu cơ bón lại cho xây xoài, dưới ao tận dụng phế phẩm từ trái xoài để nuôi ốc bươu đen tăng thu nhập.

Nông nghiệp "đa tầng" của Hội quán ở Đồng Tháp, trên trồng xoài, dưới nuôi thỏ, thả ốc bươu, thu 500 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ ba từ trái sang) thăm mô hình “Cây xoài nhà tôi” của Minh Tâm hội quán. Ảnh: Báo Đồng Tháp

Theo cách sản xuất đa tầng mỗi năm ông Hậu có thu nhập trên 500 triệu đồng. "Mô hình tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp diện tích và chịu tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; tận dụng diện tích đất trống, sử dụng có hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp giúp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản...", ông Hậu chia sẻ.

Ngoài sản xuất mô hình nông nghiệp "đa tầng", tháng 7/2022 Minh Tâm hội quán xã Mỹ Xương đã ra mắt mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp với 4 hộ tham gia để phục vụ khách đến tham quan trải nghiệm sản xuất nông nghiệp; ngay khi ra mắt làng du lịch, Uỷ ban nhân dân xã đã quan tâm thành lập trang Fanpage: Làng du lịch trải nghiệm nông nghiệp Mỹ Xương trên mạng xã hội Facebook và Zalo (Trang thông tin xã Mỹ Xương) để phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh làng du lịch. 

"Gia đình tôi đã tham gia hơn một năm qua cũng tiếp đón nhiều đoàn khách tham quan trong và ngoài nước, bước đầu tạo thêm động lực để phát triển kinh tế gia đình cùng với địa ph--ương phát huy tài nguyên thiên nhiên bản địa, giới thiệu với khách về cách sản xuất xoài của địa phương, qua đó tạo dựng được hình ảnh địa phương quảng bá hình ảnh địa phương ngày càng tốt hơn, đến với làng du lịch quý khách được trải nghiệm là người nông dân thực thụ nên rất tạo được cảm tình với du khách gần xa qua những sự giản dị gần gũi của làng du lịch", ông Hậu nói.

Câu chuyện nông nghiệp đa tầng của Hội quán ở Đồng Tháp và "cây xoài nhà tôi" giúp lão nông thu 500 triệu đồng - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải - Xóm Cường, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Tùng Đinh.

Bản du lịch cộng đồng ngay Thành phố Thái Nguyên 

Chia sẻ về một số kinh nghiệm và mô hình xây dựng, phát triển cộng đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Hải đã nói về quá trình hình thành và phát triển Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải - Xóm Cường, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. 

Theo bà Hải, bắt nguồn từ lời hứa với người ông đã khuất, bà mong muốn giữ được phong tục, tập quán, các sản phẩm đồng quê có thể nuôi sống được con cháu, theo hướng tự cung cấp. Bà thừa nhận, khi bắt đầu làm, không nghĩ mô hình có thể thành công như hiện tại. “Tôi muốn chia sẻ những mong muốn của người dân khi làm du lịch cộng đồng. Rất mong cán bộ quản lý tạo điều kiện, cơ chế, đặc biệt là tổ chức những buổi tọa đàm như hôm nay”, bà Hải nói. 

Bà Hải cho biết, ý tưởng làm du lịch cộng đồng đến với bà từ khoảng 20 năm trước. Người Tày vẫn còn đó nhưng trang phục và những ngôi nhà sàn không còn giữ được hồn cốt như xưa, rất khó để tìm thấy một quần thể bản làng nào còn vẹn nguyên những ngôi nhà sàn, truyền thống văn hóa cũng bị mai một rất nhiều. Người phụ nữ dân tộc Tày, cái khó nhất là nhận thức và yếu tố con người. 

Tuy xây dựng mô hình tại miền đất mới, bà Hải tự tin vì qua tiếp xúc với du khách thập phương, họ đánh giá rất cao văn hóa và đạo đức của bà con vùng đồng bào dân tộc. Được sự động viên của gia đình, người thân, bà âm thầm lặn lội làm công việc mà nhiều người nói là “lấy muối bỏ biển”. Bà đã chắt chiu tài sản cá nhân mình mua lại những ngôi nhà sàn, sưu tầm hiện vật, sưu tầm vốn văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một hoặc thất truyền. 

“Có những đêm tôi cùng những người đồng hành phải ngủ lại giữa rừng để hôm sau tiếp tục hành trình tìm đến những ngôi nhà sàn có nguy cơ bị dỡ bỏ để sưu tầm lại đem về. Có những lúc hết tiền tôi phải đổi cho bà con bằng gạo, bằng chăn màn, đồ dùng thiết yếu để tôi xin giữ lại những gì bà con đang muốn bỏ đi”, bà Hải xúc động nhớ lại.

Trời không phụ lòng, ban đầu có một vài người, sau một vài nhà, chẳng mấy mà được cả một làng với cái tên được gọi là Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, gồm có 4 dân tộc anh em nhưng cùng đồng lòng làm bảo tồn văn hóa Tày ngay tại một vùng đất nghèo ngoại ô TP. Thái Nguyên. 

Thời gian đầu, bà con phải đào nền nhà bằng tay, tất cả mọi việc đều làm thủ công, máy móc không vào được để hỗ trợ cho việc dựng nhà. Bà con phải tự chăn nuôi gia súc, gia cầm để làm thực phẩm cho mình, tự trồng cây keo để cải tạo đất, đào hố trên đồi… 

Từ mục đích ban đầu xây dựng làng với mong muốn bảo tồn giữ gìn những ngôi nhà sàn truyền thống cùng văn hóa nhà sàn của dân tộc Tày, đến năm 2011, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải chính thức đi vào hoạt động du lịch. 

Dần dần, Bản làng Thái Hải đã được du khách gần xa quan tâm và biết đến. Bản làng cũng đã trở thành điểm đến thú vị đối với du khách trong nước và gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã trở thành ngôi nhà chung của hàng chục gia đình với hơn 150 người thuộc các dân tộc khác nhau như Tày, Nùng, Sán Chay, Kinh,... 

 Tại đây, mọi hoạt động đều mang tính tự cung, tự cấp, thậm chí nguồn nước uống cũng được phục vụ riêng cho bản làng và du khách gần xa. Họ tự bảo tồn trồng và chế biến chè xanh, tự nấu rượu theo đúng quy trình đặc trưng của dân tộc Tày nhằm duy trì nguồn thực phẩm sạch và không gây tác động đến môi trường. 

 Bản làng đã tạo dựng được quần thể với 30 ngôi nhà sàn, phục dựng gần như nguyên bản từ những cốt nhà cũ từ vùng An toàn khu Định Hóa, có cả một cộng đồng sinh sống trong sắc áo chàm, nghề truyền thống, lễ hội, các trò chơi dân gian, có những gia đình có 4 thế hệ cùng sinh sống.

"Biển Bình Thuận từng không có gì"

Cũng mang lại giá trị nhờ kết hợp "sức mạnh" của cộng đồng cùng tham gia, đó là mô hình tham gia bảo vệ, khôi phục nguồn lợi thủy sản ở Bình Thuận. Chia sẻ tại tọa đàm, ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận cho biết, địa phương từng có nguồn lợi thủy sản lớn, là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước nhưng từng có giai đoạn, biển của Bình Thuận không còn gì.

“Có giai đoạn, chúng tôi khảo sát 5 năm liên tục nhưng 100 m2 khảo sát không có một con gì. Bà con ngư dân lúc đó rất bức xúc, họ nói các ông giữ biển như vậy con cái còn gì mà ăn”, ông Huy kể lại.

Theo ông Huy, đây là hệ quả của việc nhiều chủ trương quản lý không còn hiệu quả và quá tải, cụ thể, Bình Thuận có 172 km đường biển nhưng chỉ có 3 tàu kiểm ngư mà tốc độ chỉ đạt 7 hải lý/giờ, trong khi tàu đánh cá tốc độ lên đến 14 hải lý/giờ, không thể kiểm soát nổi.

Nông nghiệp "đa tầng" của Hội quán ở Đồng Tháp, trên trồng xoài, dưới nuôi thỏ, thả ốc bươu, thu 500 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Tùng Đinh

Do đó, mô hình giao cho ngư dân tự quản lý, phục hồi nguồn lợi thủy sản được ra đời. Điều này vừa khắc phục sự quá tải, vừa đáp ứng mong mỏi của ngư dân về việc cơ quan quản lý phải vào cuộc.

“Ban đầu, tôi mất 30 buổi uống cà phê mới kiếm được 5 ngư dân tham gia vào dự án giữ biển, từ đó lên 10 người, thành lập ban vận động hình thành cộng đồng để giữ biển vào năm 2013”, Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận cho biết.

Quá trình lo thủ tục để thành lập cộng đồng này, phải thông qua 37 văn bản với 4 lần phản biện và thời gian đầu triển khai rất khó khăn vì không có nguồn lực, ngư dân nhiều người còn không tin tưởng.

Nhưng chỉ sau 2 năm nỗ lực, cộng đồng này đã phát huy hiệu quả: “Lượng giã cào, xâm phạm giảm 90%”, ông Huy nói. Năm 2015, khi khảo sát, chỉ 1 m2 đã có 426 đối tượng thủy sản và người dân cũng đã hiểu được bảo tồn là thế nào, tác dụng ra sao, phục hồi được nguồn lợi thủy sản.

Với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Bình Thuận triển khai được 3 dự án cộng đồng như vậy, quản lý 43 km2, dọc theo bờ biển của một huyện. Từ năm 2017 đến nay, sau khi nguồn hỗ trợ của UNDP kết thúc, các mô hình vẫn hoạt động hiểu quả, người dân ngày càng tự giác tham gia.

Nông nghiệp "đa tầng" của Hội quán ở Đồng Tháp, trên trồng xoài, dưới nuôi thỏ, thả ốc bươu, thu 500 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết: "bên cạnh quản lý dựa vào công cụ pháp luật, thể chế, giờ đây có thể tiếp cận cách quản lý dựa vào cộng đồng". Ảnh: Tùng Đinh

“Năm 2015, có những đêm ngư dân làm cả năm không kiếm nổi 500.000 đồng nhưng bây giờ, có đêm kiếm được đến 10 triệu đồng từ thủy sản. Đặc biệt, từ năm 1976 đến nay, tôm bạc mới xuất hiện trở lại, đây là loài có giá trị kinh tế rất cao”, ông Huy thông tin thêm tại hội nghị.

Đây là kết quả của việc người dân tham gia vào cộng đồng bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, cụ thể là làm cội chà thả xuống biển để tôm cá có nơi phát triển. Nếu như thời gian đầu rất nhiều người lên án việc thả cội chà, cho rằng ảnh hưởng đến giao thông biển thì bây giờ ngư dân còn tự bỏ tiền làm cội chà để thả xuống biển, tái tạo nguồn tôm cá.

Theo ông Huy, để phát triển quy mô của cách làm này, có thể huy động nguồn từ Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản để khuyến khích cộng đồng. Bên cạnh đó, cần xây dựng sinh kế bền vững cho cộng đồng, có thể phát triển du lịch sinh thái. “Nhưng cần thêm sự đầu tư, có sự tham gia của doanh nghiệp để các hoạt động này hiệu quả và bền vững”, Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận nhấn mạnh thêm.

Chia sẻ tại tọa đàm, Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan nói: "Những câu chuyện bàn luận tại tọa đàm hôm nay sẽ giúp hiểu chiều sâu và giá trị của cộng đồng để thoát ra khỏi tư duy hành chính. Từ đó, bên cạnh quản lý dựa vào công cụ pháp luật, thể chế, giờ đây có thể tiếp cận cách quản lý dựa vào cộng đồng".

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tư duy tiếp cận từ cộng đồng đã được khởi phát từ lâu nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn. Tọa đàm chính là để xem lại những định hướng và nội dung của cách tiếp cận cộng đồng.

“Một mô hình có thể thay đổi bằng một mô hình nhưng tư duy lại được kết tinh, chọn lọc từ những kinh nghiệm của thế giới. Đã đến lúc cần hòa vào quỹ đạo chung của thế giới, không chỉ tiếp cận theo chiều hướng từ trên xuống dưới mà cần cách nhìn đa chiều từ dưới lên trên, huy động thế mạnh của cộng đồng vào phát triển nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

5 yếu tố để phát huy sức mạnh cộng đồng

img


Sau khi lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) nêu ra một số yếu tố để có thể phát triển được các mô hình cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Đầu tiên, ông cho rằng cần có nhận thức rõ ràng và đúng đắn trong các cộng động về mục tiêu muốn hướng đến. Thứ hai, cần có sự quan tâm, ủng hộ từ các lãnh đạo địa phương, điều này là yếu tố quan trọng, tạo thuận lợi cho các cộng đồng phát triển.

Yếu tố tiếp theo mà ông Cao Đức Phát nêu ra là có định hướng rõ ràng, từ cấp Trung ương đến cơ sở, đến từng thôn, từng xóm để có thể phát triển đúng hướng. Yếu tố thứ tư là cần có cán bộ, có nhân lực nòng cốt để thực hiện, những nhân tố này phải có tâm huyết và “tốt nhất là đã được đào tạo, có kiến thức từ trong nước và quốc tế để làm việc hiệu quả hơn”.

Yếu tố quan trọng cuối cùng mà Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) nêu ra để phát triển các mô hình cộng đồng đó là phải có môi trường chính sách, pháp lý thuận lợi, trong đó quan tâm đến việc trao quyền cho các cộng đồng để bà con có thể phát huy khả năng của mình.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem